Anh chị em trong nhà xung đột, cha mẹ cần làm gì?
Cập nhật lúc 22:07, Thứ tư, 02/06/2021 (GMT+7)
Sự ganh đua giữa anh chị em trong nhà là một trong những nỗi lo lớn nhất của bậc cha mẹ. Họ phải tạo điều kiện cho những mối quan hệ này được tốt đẹp và giúp trẻ xây dựng tình yêu thương, sự hỗ trợ và tình bạn với anh chị em ngay từ những ngày đầu đời.
Sự ganh đua giữa anh chị em trong nhà là một trong những nỗi lo lớn nhất của bậc cha mẹ. Điều đáng nói ở đây là xung đột này có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành với đủ loại vấn đề phát sinh và không thể nào giải quyết được. Mỗi bậc cha mẹ đều mơ ước con cái của họ có được mối quan hệ ôn hòa, để sau này có thể hỗ trợ cho nhau cũng như giúp đỡ cha mẹ khi gia yếu. Đây là một điều khó nhưng hoàn toàn khả thi, và cha mẹ là một yếu tố ảnh hưởng lớn. Họ phải tạo điều kiện cho những mối quan hệ này được tốt đẹp và giúp trẻ xây dựng tình yêu thương, sự hỗ trợ và tình bạn với anh chị em ngay từ những ngày đầu đời. Dưới đây là một số lời khuyên để ngăn chặn sự ganh đua giữa anh chị em và thay vào đó tạo ra mối quan hệ tràn ngập tình yêu thương.
Tôn vinh cá tính và sự khác biệt của các con
Điều này sẽ giúp giảm đi sự so sánh và ganh ghét giữa các con của bạn. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và đặc biệt, chúng nên được tôn vinh vì cá tính của chúng. Đừng so sánh những đứa trẻ với nhau, bởi vì chúng quá khác biệt để so sánh.
Cô con gái của bạn có thể là người thích chơi thể thao và chàng trai của bạn có thể là người yêu những bức họa nghệ thuật. Sự đối nghịch hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Bạn đừng cố gắng biến chúng trở thành một cái gì đó mà chúng không phải. Những câu nói so sánh hai anh chị em sẽ là chất xúc tác có ảnh hưởng mạnh tới vấn đề này. Con bạn sẽ trở nên bực bội với người anh người em của mình, hoặc cảm thấy mặc cảm và không thoải mái khi ở cạnh chính an hem ruột thịt trong nhà.
Bạn càng sớm chấp nhận những điểm khác biệt của con mình và có thể tôn vinh sự độc đáo của chúng, thì anh chị em trong nhà cũng sẽ tự động ủng hộ và bảo vệ sở thích, đam mê của nhau. Từ đây, gia đình bạn sẽ trở thành một khối đoàn kết, luôn bảo vệ cho những gì người khác yêu thích và thuộc về.
Dạy con nói lời xin lỗi và tha thứ
Trong gia đình, lời xin lỗi không chỉ là đơn giản là "Tôi xin lỗi". Chúng ta cần phải cho thấy nhận thức của mình về lỗi sai đó, bằng cách nói lý do tại sao mình lại xin lỗi. Con bạn cần đến với đứa trẻ mà chúng đã làm tổn thương, nói lý do tại sao chúng xin lỗi, cầu xin sự tha thứ, và sau đó ôm anh / chị / em của chúng để gắn kết lại sau những xung đột. Chiếc ôm này rất quan trọng khi nó như một lời nhắc nhở cho mỗi người trong số các con của bạn rằng chúng không chỉ là anh chị em ruột, mà còn là những người bạn tốt của cuộc đời.
Xin lỗi vì những điều nhỏ nhặt khi còn nhỏ dạy con sẵn sàng xin lỗi và tha thứ cho những hành vi có lỗi lầm lớn hơn. Nếu chúng không học cách sẵn sàng xin lỗi khi còn nhỏ, câu nói ấy sẽ không trở nên gượng gạo khi trưởng thành. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với nhu nhược. Nếu con có làm điều gì sai ngoài phạm vi được chấp nhận, thì con phải chịu hình phạt.
Dạy các con phải luôn ở đó vì nhau
Cha mẹ không cần phải là người cung cấp mọi sự giúp đỡ, chỉ đạo và hướng dẫn trong nhà. Anh chị lớn tuổi hơn có thể giúp đỡ các em nhỏ tuổi hơn. Sẽ có lúc các em út trong nhà cũng có thể tham gia và giúp đỡ các anh chị.
Dạy trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ ở nhau thay vì chỉ chạy đến chỗ bố hoặc mẹ mỗi khi chúng cần hỗ trợ. Thói quen giúp đỡ lẫn nhau này, khi được truyền tải đúng cách ở trẻ, có thể để lại ảnh hướng tích cực lâu dài, đến khi chúng trưởng thành.
Lần tới nếu một trong hai con của bạn cần buộc dây giày hoặc mặc áo khoác, hãy nhờ đến anh chị lớn trong nhà. Biến việc này thành thói quen sẽ giúp mối quan hệ của các con trở nên gắn bó hơn rất nhiều. Đồng thời, bạn cần nhớ khen ngợi con khi chúng tự nguyện hỏi han và giúp đỡ nhau, cho con biết rằng đây là cách nên làm sẽ khuyến khích chúng tiếp tục những việc ý nghĩa này.
Dạy con tự giải quyết xung đột của chúng
Nếu con bạn tìm đến bạn mỗi khi anh em có xung đột, thì chúng chưa chủ động giải quyết vấn đề của mình. Hướng dẫn con cách suy nghĩ về hướng giải quyết vấn đề của mình và chia sẻ cho anh chị em khác là một điều mà cha mẹ cần dạy con. Họ có thể học cách thương lượng giữa các bên và đi đến một giải pháp công bằng.
Điều đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng với sự trợ giúp của cha mẹ, chúng sẽ bắt đầu quá trình tư duy giải quyết xung đột này, và dần dần học được cách tự làm điều đó. Đôi khi, đó là vấn đề an toàn và cần có sự can thiệp của cha mẹ, nhưng theo thời gian, bạn sẽ thấy rằng nhiều cuộc cãi vã và tranh luận nhỏ giữa các con của bạn hoàn toàn có thể được giải quyết bởi những người trong cuộc, nếu chúng hình thành được thói quen tự giác suy nghĩ về vấn đề của mình./.
Theo vov