leftcenterrightdel
 Các trường đại học Anh muốn tăng tuyển sinh quốc tế.

Trong cuộc trò chuyện với Times Higher Education (THE) hồi cuối tháng 7, Bộ trưởng Giáo dục Đại học Anh, ông Robert Halfon, đã bác bỏ thông tin nâng trần học phí đối với sinh viên Anh, bất chấp việc các trường đại học bị cắt giảm tài trợ.

Bộ trưởng Robert cho biết, nhiều trường đại học đang đối mặt với thách thức nhưng việc tăng học phí trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ “không xảy ra”. Thông báo của Bộ trưởng dự kiến giáng đòn mạnh vào các trường đại học đang đề nghị Chính phủ nâng mức học phí do lạm phát tăng vọt.

Các cơ sở giáo dục đại học lập luận rằng trong lần gần đây nhất, học phí đã tăng từ 9.000 bảng vào năm 2012 lên 9.250 bảng vào năm 2017 nhưng trong 5 năm đó, lạm phát tăng cao khiến mức nâng chưa thực sự mạnh mẽ. Các chuyên gia tính toán giá trị thực của học phí chỉ còn 6.000 bảng, tương đương mức học phí hơn 10 năm về trước.

Con số này thấp hơn nhiều so với chi phí trung bình để đào tạo một sinh viên. Ước tính, hiện nay các trường đại học sẽ mất trung bình 4.000 bảng Anh nếu đào tạo sinh viên Anh.

Vì vậy, thay vì tuyển sinh trong nước với học phí thấp, các trường đại học có xu hướng tăng cường tuyển sinh quốc tế. Một cuộc khảo sát gần đây của The Guardian cho thấy, cứ 5 bảng Anh mà các trường thu về năm 2022 thì có một bảng đến từ sinh viên quốc tế.

Điều này khơi lại cuộc tranh luận về việc các trường tuyển sinh sinh viên quốc tế ngày càng nhiều, từ đó phụ thuộc ngày càng cao vào sinh viên quốc tế nhằm duy trì tài chính. Trong khi đó họ đang dần “quay lưng” lại với sinh viên trong nước.

Các trường đại học thu phí sinh viên quốc tế cao hơn đáng kể so với sinh viên trong nước. Theo ước tính của Hội đồng Anh, một sinh viên quốc tế trả trung bình 22.000 bảng Anh một năm, nhằm bù đắp cho giá trị giảm dần của mức học phí 9.250 bảng Anh đối với sinh viên trong nước.

Học phí của sinh viên quốc tế hiện chiếm 1/3 hoặc hơn trong tổng thu nhập của một số trường đại học Anh. Nhiều trường ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số lượng sinh viên quốc tế ghi danh trong những năm gần đây.

Riêng tại một số trường danh tiếng, đơn cử Đại học Nghệ thuật Hoàng gia (RCA), Đại học Nghệ thuật London, học phí từ sinh viên EU và ngoài EU chiếm hơn một nửa (54% tổng thu nhập năm học 2021 – 2022, tăng từ mức hơn 1/3 vào năm 2016 – 2017.

Ông Tim Bradshaw, Giám đốc Điều hành Nhóm các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu thuộc Tập đoàn Giáo dục Russell, cho biết, học phí quốc tế được tái đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu để mang lại lợi ích cho tất cả sinh viên.

Tuy nhiên, với việc chính phủ tài trợ cho mỗi sinh viên giảm, doanh thu này hiện nhằm bù đắp thâm hụt ngày càng tăng trong cả giảng dạy trong nước và nghiên cứu được tài trợ công.

Tuy nhiên, các học giả cảnh báo Anh không nên phụ thuộc quá nhiều vào sinh viên quốc tế vì nhóm này dễ bị tác động bởi các vấn đề toàn cầu. Còn việc “quay lưng” với sinh viên trong nước sẽ khiến đất nước mất đi lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm chất lượng đào tạo giáo dục.
Trong 6 năm qua, số lượng sinh viên quốc tế đăng ký học tại Anh đã tăng 48%, trong đó mức tăng cao nhất đến từ sinh viên Ấn Độ và Nigeria. Trung Quốc vẫn là nước có số lượng sinh viên tại Anh cao nhất, chiếm 1/4 tổng số sinh viên quốc tế.

Theo giaoducthoidai