Bà Le Mur Nguyễn Cát Tường (người đội mũ - vợ họa sĩ Nguyễn Cát Tường) và các bạn trong trang phục áo dài Le Mur những năm 30 thế kỷ 20 - ẢNH: TƯ LIỆU
Chuẩn mực của 3 vòng
Tủ áo của nữ họa sĩ Vũ Mai Thơ (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cứ mỗi lúc một nhiều thêm những chiếc áo dài năm thân truyền thống với eo không bó khít mà buông lơi. Điều này tạo sự tiện lợi trong di chuyển với cá nhân chị. “Tôi thấy dáng áo dài này rất đẹp, nền nã”, chị tâm sự. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, đã có những vận động để thoát khỏi phom áo dài này. Nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) cho thấy, trang phục lúc bấy giờ lại giấu đi tương quan các vòng.
Bà Hạnh tìm thấy nhận định của họa sĩ Nguyễn Cát Tường, người sáng tạo áo dài Le Mur, về cách ăn mặc của phụ nữ Việt Nam bấy giờ. Chia sẻ trên báo Phong Hóa khi đó, ông Tường cho rằng nó khiến họ trông “trơn tuột như hộp kẹo sìu hay ống bột Nestlé”. “Thông điệp” đằng sau cách mặc này, theo bà Hạnh, là định kiến hễ có một bộ ngực nở nang là phải khép nép, e lệ, chỉ sợ các cụ trông thấy thì… phải mắng. Cũng có người khi trông thấy một bộ ngực nở nang thường ra chiều mai mỉa, vì họ cho thế là chướng mắt, lẳng lơ.
Theo 2 nhà nghiên cứu Phạm Thảo Nguyên và Nguyễn Trọng Hiền, báo Phong Hóa số 85, tháng 2.1934, xuất hiện mục Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô. Ông chủ bút Nhất Linh đã giao cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường làm cuộc cải tiến y phục phụ nữ. Ông Tường vừa viết bài, vừa vẽ kiểu, phân tích ưu khuyết điểm của y phục phụ nữ đương thời, rồi đưa ra đề nghị đổi mới.
Áo dài Le Mur ông Tường thiết kế khi đó hướng tới tiêu chí làm nổi bật/phân biệt vòng ngực với vòng eo. Ông cũng thu nhỏ phần eo trên chiếc áo dài cổ truyền, làm cho hơi chật ở chỗ bụng. Ông Tường còn khắc phục nhược điểm lụng thụng, khó tạo thon thả của chiếc quần giải rút bằng cách thu hẹp từ cạp đến đầu gối cho khít với thân hình, sau đó, thay cạp chun. “Việc thu hẹp phần cạp và phần trên của ống quần cũng đồng thời làm tôn vòng ba mà họa sĩ Cát Tường nói một cách ý nhị: như thế những vẻ đẹp thiên nhiên của từng người mới lộ ra”, bà Hạnh phân tích.
Ăn chơi “có tổ chức”
Bà Hạnh cho biết, hướng tới vẻ đẹp bộ ngực cứng cáp nở nang đi liền sức khỏe, họa sĩ Cát Tường cũng hiến kế một bài tập thể dục chống đẩy để tăng kích thước ngực. Bài tập này được đăng trên báo Phong Hóa, có hình vẽ minh họa đen trắng.
Một bảng số đo chuẩn cũng được công bố với tên gọi “Bản khuôn mực một người tuyệt mỹ hiện thời”. Các chỉ số được tính đếm trong bảng gồm: chiều cao, cân nặng, vòng hông, vòng khung ngực, vòng thân, vòng cánh tay, vòng cổ, vòng bắp chân. Chẳng hạn, người phụ nữ cao 1,50 m cần có cân nặng 50 kg, vòng hông 83 cm, vòng khung ngực 80 cm, vòng thân 58 cm, vòng cánh tay 25 cm, vòng cổ 31 cm, và vòng bắp chân 30 cm.
Theo bà Hạnh, họa sĩ Cát Tường cũng thiết kế rất nhiều phụ kiện khác đi kèm để hỗ trợ việc mặc áo dài. Chẳng hạn, để bù cho chiều cao hạn chế của phụ nữ Việt Nam, ông Tường thiết kế thêm giày cao gót. Để giúp “ăn gian” vòng ngực nếu gầy, hay che bụng nếu béo, ông Tường và bạn là chủ xưởng dệt Cự Chung chế tạo ra áo lót nâng ngực bằng tơ với nguyên liệu nội, giá thành rẻ. “Chiếc áo ngực Le Mur trở thành một phụ kiện không thể thiếu đi kèm với áo dài Le Mur. Phong trào mặc áo dài Le Mur vì thế ngày càng nở rộ”, bà Hạnh cho biết.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, áo dài Le Mur của ông Cát Tường rất Âu hóa. Áo có cổ cắt đa dạng: trái tim, cổ lọ, cổ hở may vải nhún. Vai áo thường may bồng. Tay áo có khi cắt ngắn hay loe rộng. Quần thường có ống loe. “Với nhân sinh quan nệ cổ răng đen, tóc xẻ ngôi giữa, vấn khăn của đại đa số phụ nữ Việt lúc đó, áo dài Le Mur chỉ được một bộ phận nhỏ phụ nữ rất cấp tiến đón nhận. Áo dài Le Mur gần như hoàn toàn biến mất sau khi họa sĩ Cát Tường biệt tích năm 1949. Hầu như không có một cái áo dài Le Mur nào còn sót lại đến ngày nay”, ông Bách nói.
Sài Gòn sau đó có những chiếc áo dài bó sát eo. Theo ông Bách, từ khoảng năm 1962 - 1963, áo dài nữ dạng phổ thông ở Sài Gòn đã bắt đầu có xếp li để tạo eo. Và eo áo dần được bóp nhỏ đến hết mức có thể. “Các loại áo dài phụ nữ cách tân ở thế kỷ 21 này rất nhiều khi chỉ là sự lặp lại của những gì họa sĩ Cát Tường đã làm cách đây gần 90 năm”, ông Bách nói.
Theo thanhnien