Jun Phạm (giữa) cùng gia đình mặc áo ngũ thân, áo nhật bình ngày tết - Ảnh: NVCC

Tôi thấy áo tấc (áo ngũ thân tay thụng, ngoài ra còn áo ngũ thân tay chẽn - PV) Việt Nam đẹp và sang trọng không thua kém gì trang phục của các nước trên thế giới.                        

Ca sĩ - diễn viên Jun Phạm

"Áo dài có ngũ (năm) thân tượng trưng phụ mẫu hai bên và chính người mang áo. Năm hạt nút cài áo mang ý nghĩa ngũ thường, nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, cho thấy người mang áo tôn trọng nghi lễ làm người trong xã hội" - GS.TS Thái Kim Lan, một người Huế, viết về ý nghĩa của áo ngũ thân thời Nguyễn.

Khoác lên người tấm áo đầy tôn kính

Trong mấy năm nay, việc giới trẻ yêu thích và mặc áo ngũ thân - tiền thân của áo dài sau này - ngày càng phổ biến. 

Họ sinh hoạt, trao đổi kiến thức trên các hội nhóm, fanpage như Vietnam Centre, Thiên Nam Lịch đại Hậu phi, Đình làng Việt, Đại Việt Cổ Phong; những nơi may trang phục có Ỷ Vân Hiên, Hoa Niên, Great Vietnam...

Người trẻ mặc áo ngũ thân trong các dịp lễ tết và phim ảnh, trong các không gian quen thuộc như gia đình, điểm vui chơi văn hóa, các bộ ảnh và phim chiếu mạng.

Tết Tân Sửu vừa qua chứng kiến cuộc trình diễn thời trang nho nhỏ của những chiếc áo ngũ thân đủ các màu sắc trên mạng xã hội. Ca sĩ, diễn viên Jun Phạm đăng ảnh gia đình, trong đó anh và người thân mặc áo ngũ thân, nhật bình. Anh cho biết: "Muốn làm bộ hình gia đình thật đẹp và ý nghĩa vào dịp tết".

Jun Phạm chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Tôi rất vui khi các bạn trẻ quan tâm hơn đến văn hóa nước nhà. Văn hóa Việt Nam rất phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, không thua kém bất kỳ nền văn hóa nào. Là nghệ sĩ, tôi đang ấp ủ nhiều dự án liên quan đến văn hóa Việt Nam, hi vọng ra mắt trong năm nay".

Jun Phạm yêu trang phục cổ Việt Nam và ấp ủ một số dự án liên quan trong năm nay - Ảnh: NVCC

Là người quan sát hành trình của chiếc áo dài hàng chục năm nay, GS.TS Thái Kim Lan đồng tình với Tuổi Trẻ là đang có cuộc trở về của áo ngũ thân trong đời sống. Bà nhận xét giới trẻ đang mặc áo ngũ thân một cách "linh động và lịch lãm" để phù hợp với bối cảnh hiện đại.

Bà nói: "Áo ngũ thân là một y phục chuẩn theo phong cách Việt đã tồn tại từ hơn 200 năm, chuẩn theo nhiều tiêu chí".

Riêng trên phương diện y phục, áo ngũ thân là chiếc áo được đo, cắt và may theo đúng với vóc dáng người Việt Nam, hội đủ các điều kiện của một y phục tạo nên vóc dáng và tư thế sinh hoạt trong đời sống thường nhật của người Việt từ khi áo được chúa Nguyễn Phúc Khoát cho thiết kế.

Áo ngũ thân trong các bộ ảnh thời trang, web drama gần đây - Ảnh: FPT, HOA NIÊN

Khước từ những cách tân tùy tiện

GS.TS Thái Kim Lan nhấn mạnh việc áo ngũ thân mang thông điệp "Đẹp không chỉ dành riêng cho nữ giới", khi tấm áo tạo nên vẻ đẹp lịch lãm cho người đàn ông.

Trên các diễn đàn về cổ phục, giới trẻ cũng thường xuyên cập nhật kiến thức cho nhau để mặc đúng. Các diễn đàn này có sự tham gia của giới chuyên môn, hiểu biết về lịch sử y phục và những bạn trẻ có ý thức tự nghiên cứu.

Thậm chí, một số người còn quyết liệt bài trừ những nơi may áo ngũ thân với lối cách tân tùy tiện, thay đổi chi tiết, kiểu dáng một cách lộn xộn và kém sang trọng.

Đặc biệt là các thương hiệu áo dài ngũ thân được sáng lập bởi những người rất trẻ. Chẳng hạn, với Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp, người thiết kế là các sinh viên học thiết kế thời trang của Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM), TONS - Áo dài ngũ thân truyền thống thiên về dáng ngũ thân Huế, cung đình triều Nguyễn, Great Vietnam hay Đông Phong lại tỉ mỉ, tuân thủ kiểu dáng và lối nhuộm vải xưa...

Các bạn trẻ thành lập những hội nhóm để cùng chia sẻ kiến thức về may mặc áo ngũ thân, trang phục cổ - Ảnh: HOA NIÊN

Trải qua nhiều thời đại, chiếc áo dài ngũ thân cũng từng trải qua nhiều lần cách tân, nhưng rốt cuộc, chiếc áo đã trở về với nguyên bản và trở thành mốt hiện đại.

"Tại sao áo ngũ thân gốc lại "hiện đại" hơn những biến tấu cách tân? - GS.TS Thái Kim Lan nói - Bởi nó khác biệt trong nghĩa chuẩn về dài, rộng, hẹp, cổ, nút, viền, phối màu thẩm mỹ. Bản chất gốc của áo ngũ thân chính là xu hướng hiện đại nhất, trong lúc cách tân lại là lỗi thời".

Nếu người trẻ nói "không" với cách tân nửa vời, đây là tín hiệu đáng mừng, vì thẩm mỹ thời trang của họ đang tiến bộ.

Tăng vẻ lịch lãm cho người mặc

Theo GS.TS Thái Kim Lan, trên phương diện thẩm mỹ, áo ngũ thân làm tăng vẻ lịch sự và lịch lãm của người mặc, tạo nên vẻ đẹp và phong cách đặc biệt của người Việt.

Ngoài ra áo ngũ thân có thể bảo vệ sức khỏe, bảo vệ thân thể trong điều kiện thời tiết của xứ nóng miền nhiệt đới. Trên phương diện thời trang, hiểu theo nghĩa hẹp là "mốt", áo ngũ thân đang đáp ứng những đòi hỏi của "gout" ăn mặc thời hiện đại, là một lựa chọn khác so với thời trang phương Tây.


Từ tình yêu văn hóa Việt Nam

Nhà thiết kế Trần Nguyễn Trung Hiếu bên chiếc áo ngũ thân tay chẽn - Ảnh: NVCC

Điều đặc biệt là các nhà thiết kế thuộc lứa 9X lại càng thiết kế đẹp và chuẩn theo ngũ thân truyền thống. Đó là Trần Nguyễn Trung Hiếu - học trò của nhà nghiên cứu Trịnh Bách hay Trần Lê Trung Hiếu.

Trần Nguyễn Trung Hiếu bộc bạch: "Không chỉ riêng chú Trịnh Bách hay tôi mà những ai hiểu biết về lịch sử nước nhà, lịch sử áo dài đều thấy vui mừng khi áo dài ngũ thân trở lại, nhất là khi các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình. Chúng tôi đều có cách riêng để bảo tồn hay quảng bá văn hóa áo dài, nhưng điểm chung là đều rất yêu văn hóa Việt Nam.

Áo dài ngũ thân xuất hiện rầm rộ nhất là 2 năm trở lại đây, mọi tầng lớp đều hưởng ứng. Nếu xu hướng quá nhanh và vội vã, sẽ xuất hiện những điều chưa đúng. Tôi hi vọng mọi người sẽ cầu thị để học hỏi và sửa chữa dần".

Theo tuoitre