leftcenterrightdel
Hệ thống đánh giá dựa trên điểm số ở Trung Quốc gây ra sự cạnh tranh và phân cấp giữa các học sinh. Ảnh: Sixth Tone. 
Theo Sixth Tone, hệ thống giáo dục Trung Quốc phần nào khuyến khích sự cạnh tranh gay gắt giữa các học sinh nhờ hình thức đánh giá dựa trên điểm số.

Chiang Yi-lin, nhà xã hội học, đã thực hiện nghiên cứu tại 5 trường trung học top đầu ở Bắc Kinh. Cô chỉ ra rằng học sinh được phân thành nhiều cấp độ dựa trên thành tích học tập và được bạn bè đối xử theo cơ sở đó.

"Học sinh có điểm cao luôn có vị thế cao hơn những bạn học khác. Nhưng ở các trường trung học trọng điểm, họ còn áp dụng thêm tiêu chí phụ là khả năng vượt qua các bài kiểm tra một cách dễ dàng, bởi 'điểm cao' là chưa đủ", Chiang nói.

Theo đó, những học sinh đứng đầu về thành tích học tập được gọi là "xueshen", hay còn gọi là "thần học". Họ dễ dàng đạt điểm cao trong mọi bài kiểm tra, trong khi "xueba" - cấp độ thứ 2 - phải nỗ lực gấp nhiều lần để duy trì thành tích.

Ngược lại, những người trẻ không học giỏi, thiếu ý chí được gọi là "xuezha", và các học sinh không thể giành điểm cao dù cố gắng lại xếp hạng cuối với tên gọi "xueruo".

Thực tế, nhiều sinh viên sẵn sàng nhận mình thiếu nỗ lực học tập còn hơn là bị bạn bè chế giễu là "kẻ thất bại". Dù không thể hiện rõ ràng, sự phân biệt đối xử, bắt nạt dựa trên thang đo trên vẫn tồn tại trong môi trường học đường.

Chiang kể với Sixth Tone trong nhiều trường hợp, học sinh giỏi luôn nhận được thái độ tôn trọng, nể phục từ bạn bè.

Cô từng theo chân Shiying, một "thần học" với nguyện vọng thi đỗ ĐH Thanh Hoa, và nhận ra rằng nhiều học sinh biểu đạt hâm mộ với nữ sinh này bằng cách ghi nhớ điểm SAT, kết quả thi từng đợt của Shiying.

"Thậm chí, sau khi làm bài kiểm tra, bạn cùng lớp của Shiying sẽ im lặng, hoặc không ngồi lại lớp học để Shiying nghỉ ngơi", Chiang kể.

Ngược lại, các học sinh có thành tích kém hơn thường bị chế giễu. Kangwei là nhân viên văn phòng, hiện sống tại Bắc Kinh. Anh cho biết mình từng bị bạn bè xem như "xueruo", bị xa lánh và hầu như không thể trò chuyện với ai.
leftcenterrightdel
 Nhiều học sinh Trung Quốc buộc phải nỗ lực học tập để có điểm cao, được bạn bè đối xử tốt. Ảnh: Global Times.

Sixth Tone cho rằng hệ thống phân cấp này ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, quan điểm của giới trẻ về bản thân và những người xung quanh sau khi rời khỏi môi trường học đường.

Nghiên cứu của Chiang chỉ ra hầu hết học sinh thuộc 2 nhóm đầu tại các trường trung học trọng điểm hiện học tập, làm việc ở Phố Wall, Thung lũng Silicon, hoặc Singapore.

Dù không còn gọi mình là "thần học" nữa, họ vẫn duy trì hệ thống đánh giá dựa trên năng suất làm việc.

Tony, một nhân viên tài năng hiện làm việc ở New York (Mỹ), cho biết địa vị của anh ở công ty tương đương với một "thần học". Anh có thể mời hàng chục đồng nghiệp tới tiệc sinh nhật - bằng chứng cho thấy địa vị của anh với những người xung quanh.

"Cơ chế phân loại dựa trên năng lực này cắm rễ từ thuở đi học và đeo bám con người tới cuối đời. Tuy nhiên, sự đánh giá này không toàn diện, thậm chí gây tác động tiêu cực vì cổ súy các hành vi phân biệt đối xử", Chiang nói.

Theo zingnews