Mỗi năm, các đại học Trung Quốc phải gửi số liệu báo cáo cho chính phủ về tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Việc này trở thành áp lực với nhiều trường.

Neal Chen, tiến sĩ nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Quốc tế Akita (Nhật Bản), cho rằng do Covid-19, số lượng việc làm ngày càng ít hơn. Các đại học tìm nhiều cách để sinh viên có việc sau tốt nghiệp, bất chấp gian lận hoặc sai quy định.

Tháng này, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo với các trường, yêu cầu "thực hiện nghiêm túc quy định, không được ép sinh viên năm cuối ký thỏa thuận và hợp đồng lao động dưới bất kỳ hình thức nào". Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo đề cập tới việc một số đại học, cao đẳng đang giữ bằng tốt nghiệp của sinh viên đến khi các em tìm được việc làm mới trả.

"Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều sinh viên mới ra trường không thể tìm được công việc lý tưởng ngay lập tức. Do đó, các em phải học cao hơn hoặc giả mạo hợp đồng lao động", tiến sĩ Chen nói.

Sinh viên Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán dự lễ tốt nghiệp vào tháng 6/2021. Ảnh: SCMP

Sinh viên Đại học Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán dự lễ tốt nghiệp vào tháng 6/2021. Ảnh: SCMP

Theo tiến sĩ Chen, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề của Trung Quốc không ổn. Giới chức nước này chỉ đưa ra cảnh báo, yêu cầu ngăn chặn những hành vi gian lận, và "việc này không giúp ích nhiều" cho tình hình hiện tại.

James Chin, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Tasmania (Australia), cũng cho rằng biện pháp của Trung Quốc không có tác dụng, đặc biệt khi quốc gia này trở thành một nền kinh tế hoàn toàn theo định hướng thị trường.

"Ngày càng nhiều tổ chức trung ương yêu cầu dữ liệu về số lượng, tỷ lệ việc làm của sinh viên, và nhiều trường cũng đang sử dụng các con số này để xây dựng thương hiệu và tuyển sinh. Điều này tạo động cơ cho các trường tốp giữa và cuối gian lận dữ liệu", Chin nói.

Ở góc độ giải pháp, Qiang Zha, phó giáo sư tại Khoa Giáo dục, Đại học York (Canada), nhận định các trường sẽ vẫn làm những gì có thể để kết nối sinh viên tới các cơ hội việc làm. Theo ông, chính quyền cấp tỉnh hoặc trung ương cần giảm bớt áp lực cho các trường.

Zha gợi ý, Trung Quốc có thể nới lỏng các yêu cầu khắt khe trong đánh giá các trường, chẳng hạn kéo dài thời hạn báo cáo tỷ lệ việc làm của sinh viên tới sáu tháng hoặc lâu hơn, tính từ thời điểm các em tốt nghiệp.

Theo vnexpress