|
|
Bảng xếp hạng vẫn được đánh giá cao ở những nước chú trọng giáo dục. |
Làn sóng tẩy chay tại Mỹ
Ngày 17/11, hai trường luật tốp đầu thế giới là Trường Luật thuộc Đại học Harvard và Trường Luật thuộc Đại học Yale thông báo rút khỏi danh sách trường luật do tổ chức giáo dục US News bình chọn thường niên.
Hiệu trưởng Trường Luật Yale, Heather K. Gerken, cho biết, bảng xếp hạng của US News chỉ “vì lợi nhuận, thương mại và là thiếu sót sâu sắc”. Theo bà Gerken, bảng xếp hạng tập trung quá nhiều vào điểm số, điểm kiểm tra; đồng thời, không chú trọng việc tuyển sinh sinh viên có thu nhập thấp và hỗ trợ những người muốn theo đuổi lĩnh vực dịch vụ công. Các số liệu cũng làm giảm giá trị của sinh viên muốn theo đuổi bằng thạc sĩ, tiến sĩ.
Còn GS John Manning, Hiệu trưởng Trường Luật, ĐH Harvard, cho biết: “Các nguyên tắc, cam kết của chúng tôi không thể dung hòa với phương pháp luận và cách xếp hạng của US News”. Phía Harvard phản ánh khi khảo sát, US News chỉ tập trung vào số liệu về khoản vay sinh viên nhằm khuyến khích các trường tuyển thí sinh khá giả, không cần vay nợ.
Trong khi đó, vào hồi tháng 9, Trường ĐH Columbia, nằm trong khối Ivy League, thừa nhận gửi dữ liệu không chính xác nhằm “leo tốp” trên bảng xếp hạng của US News. Sự việc được phanh phui sau khi một giảng viên nhà trường đặt câu hỏi khi nhận thấy vị trí của trường leo nhanh trên bảng xếp hạng.
|
|
Học sinh tham khảo bảng xếp hạng đại học để chọn trường. |
Theo giải thích từ Trường ĐH Columbia, họ đã gửi dữ liệu không chính xác về trình độ giảng viên, quy mô lớp học và cam kết sẽ thực hiện đúng quy trình gửi dữ liệu bình chọn từ năm 2022. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn cản US News đánh rớt vị trí của ĐH Columbia từ thứ 2 xuống thứ 18.
Sau những lùm xùm vừa qua, nhiều trường luật danh tiếng khác tại Mỹ như Trường Luật thuộc ĐH Columbia, Georgetown, Stanford, California tại Berkeley... đã thông báo rút khỏi bảng xếp hạng. Những thông tin trên là “đòn giáng mạnh” vào nghiên cứu của tổ chức US News để đưa ra những bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học thường niên.
Ra đời từ năm 1938, bảng xếp hạng của US News có bề dày lịch sử và được đánh giá cao trong nhiều năm. Cùng với bảng xếp hạng của các tổ chức giáo dục khác như QS, Times Higher Education..., đây là những căn cứ giúp thanh, thiếu niên trên toàn thế giới lựa chọn trường và điểm đến học tập lẫn du học.
Tại Mỹ, từ lâu, những bảng xếp hạng này đã mang lại nhiều lợi ích cho các cơ sở giáo dục đại học và sinh viên. Về phía nhà trường, thành tích càng cao trên các bảng xếp hạng càng khẳng định chất lượng, nguồn lực và mục tiêu giáo dục của các trường.
Với sinh viên, đây là công cụ để tham khảo khi lựa chọn ngành nghề và trường phù hợp. Nhưng việc liên tiếp các trường của Mỹ rút khỏi bảng xếp hạng đã cho thấy một làn sóng tẩy chay trên toàn nước Mỹ.
|
|
Trường Luật Yale rút khỏi danh sách trường luật của US News để phản đối cách thức bình chọn của bảng xếp hạng này. |
Chỉ số xếp hạng mang tính chọn lọc
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, nguyên Hiệu trưởng Trường Reed College, Colin Diver, phân tích bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học của US News dựa trên nhiều chỉ số nhưng “mang tính chọn lọc” thay vì phổ quát. Đơn cử, US News chọn các dữ liệu đánh giá là điểm kỳ thi chuẩn hóa, tỷ lệ chấp nhận của trường... thay vì dựa trên nhu cầu của thí sinh. Trong khi đó, điểm chuẩn hóa là một khía cạnh đánh giá tương đối gây bất bình đẳng vì nó ưu tiên những thí sinh khá giả, có cơ hội ôn luyện.
Bên cạnh đó, những chỉ số như tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ thành công sau tốt nghiệp, khuyến khích các trường tập trung vào thành công của sinh viên hơn là hành trình học tập và trải nghiệm của các em. Việc tốt nghiệp hay tìm được công việc đúng với ngành nghề và mức lương hậu hĩnh cũng được coi là “khuôn đúc” cho định nghĩa về thành công của cử nhân.
Lấy ví dụ từ câu chuyện của Trường Luật Yale, phía trường muốn thúc đẩy sinh viên sau khi tốt nghiệp tham gia vào dịch vụ công nhưng trong bảng xếp hạng của US News không có chỉ số dành cho lĩnh vực này. Nếu sinh viên theo đuổi dịch vụ công, trường sẽ mất điểm và tụt hạng trong bảng xếp hạng của US News.
|
|
Sinh viên Trường Luật Harvard tổ chức lễ ăn mừng tốt nghiệp. |
Hoặc khi US News xếp hạng cơ sở giáo dục dựa trên tỷ lệ vay nợ thấp, Trường Luật Harvard đã phản đối cách làm này vì nó vô tình khuyến khích các trường nhận sinh viên giàu có để giảm tỷ lệ vay nợ. Từ đó, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ mất cơ hội tiếp cận giáo dục đại học, vốn được coi là bình đẳng trong xã hội.
Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Mỹ đã chỉ trích bảng xếp hạng của US News, đồng thời tố giác những hành vi gian lận bảng xếp hạng. Tuy nhiên, ít trường tỏ rõ thái độ bằng cách rời khỏi bảng xếp hạng vì họ sẽ bị hạ thấp vị trí trong danh sách, từ đó, ảnh hưởng đến danh tiếng.
Sự kiện năm nay khi hàng loạt trường luật, đại diện cho các cơ sở giáo dục hàng đầu tại Mỹ, rời khỏi bảng xếp hạng đang thể hiện sự phản đối mạnh mẽ. Ông Colin Diver bày tỏ hy vọng sau sự kiện lần này, các trường rút khỏi bảng xếp hạng sẽ tự tạo ra những tiêu chí đánh giá riêng. Điều này giúp các trường tự khai thác thông tin, nâng cao vị thế của mình thay vì dựa vào tiêu chuẩn của bên thứ 3.
“Nói tóm lại, các trường đại học sẽ được trở về với sứ mệnh ban đầu là một công cụ để dịch chuyển xã hội và phục vụ lợi ích cộng đồng”, ông Diver nhấn mạnh.
|
|
Bảng xếp hạng trường luật của US News được cho là “vì lợi nhuận và thiếu sót sâu sắc”. |
Thế mạnh ở các quốc gia chú trọng thành tích
Không chỉ có sức ảnh hưởng tại Mỹ, các bảng xếp hạng cũng được đánh giá cao ở những quốc gia chú trọng giáo dục, nhất là thành tích giáo dục như Singapore. Dù các bảng xếp hạng gây tranh cãi, người dân Singapore vẫn dựa trên danh sách này để đánh giá chất lượng của trường đại học.
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Quản lý Singapore (SMU), Giáo sư danh dự Arnoud De Meyer, cho biết tại Singapore, các trường vẫn quan tâm đến bảng xếp hạng này dù nó không thể khái quát được mục tiêu lẫn tiêu chí giáo dục của các trường. Thậm chí, mới đây, Bộ trưởng Nhân lực Singapore Tan See Leng cho biết, Bộ đang xem xét lập danh sách 100 trường đại học hàng đầu từ các bảng xếp hạng. Danh sách này sẽ là căn cứ tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài.
Tương tự, tại Anh, trong chương trình thị thực được công bố đầu năm 2022, nước này cho phép tri thức nước ngoài, những người có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ định cư 2 – 3 năm. Quy định yêu cầu những người này phải tốt nghiệp từ các trường đại học nằm trong top 50 của ít nhất 2/3 bảng xếp hạng toàn cầu.
Tháng 10 vừa qua, Hồng Kông cũng ban hành kế hoạch tương tự. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp từ 100 trường đại học hàng đầu thế giới có sẵn kinh nghiệm làm việc có thể ở lại Hồng Kông 2 năm, không giới hạn số lượng.
GS Hiroshi Ono, Trường Kinh doanh thuộc Đại học Hitotsubashi, Tokyo, Nhật Bản, đánh giá các bảng xếp hạng giáo dục có ảnh hưởng cực kỳ lớn và tồn tại vì chúng tiện lợi.
“Nếu muốn biết giá trị thực sự của một trường đại học, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và năng lượng để điều tra nhưng nhiều cá nhân, nhà tuyển dụng không đủ nguồn lực. Vì vậy, họ tìm đến các bảng xếp hạng nổi tiếng để đánh giá giá trị của một trường”, GS Hiroshi phân tích.
Trước những ý kiến trái chiều, cả QS và Times Higher Education (THE) đã lên tiếng khẳng định bảng xếp hạng của họ cung cấp những đánh giá độc lập. Dữ liệu của các bảng xếp hạng giúp sinh viên so sánh các trường đại học giữa nhiều quốc gia dù mỗi nước có các tiêu chí đánh giá khác nhau.
Ông Phil Baty, Giám đốc Học thuật tại THE, cho biết bảng xếp hạng hỗ trợ các trường hoạch định chính sách như nhập cư, học bổng. Trong khi Giám đốc QS Andrew MacFarlane cho rằng, ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức phụ thuộc vào các bảng xếp hạng vì chúng giúp các trường tạo nên sự khác biệt và thu hút sinh viên trong bối cảnh giáo dục toàn cầu.
Cả 2 tổ chức trên đều khẳng định sở hữu quy trình bình chọn đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt, cam kết đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu được sử dụng trong đánh giá. Nếu bảng xếp hạng chính của 2 tổ chức so sánh những trường tốp đầu thì sự đa dạng của các trường được thể hiện qua những bảng xếp hạng nhỏ với mục tiêu cụ thể hơn.
Trong khi đó, ngày càng nhiều nhà tuyển dụng từ khắp nơi trên thế giới cho biết không còn dựa vào thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học để đánh giá ứng viên.
Theo bà Jaya Dass, Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng của Randstad, danh tiếng của trường là một phần giúp ứng viên “ghi điểm” nhưng điều nhà tuyển dụng quan tâm hơn là năng lực của ứng viên đó.
Còn TS David Leong, Giám đốc điều hành Peopleworldwide Consulting, cho biết một trong những giá trị quan trọng mà bảng xếp hạng không thể nêu bật là mức độ tin cậy và giá trị cá nhân của ứng viên. Ông lấy ví dụ tại Singapore, 11 luật sư thực tập đã gian lận trong kỳ thi Luật dù họ đến từ những trường đại học tốp đầu. Điểm mạnh về danh tiếng của trường đã không thể che lấp vấn đề đạo đức của những thí sinh này.
Về phần mình, các sinh viên sẽ lựa chọn trường theo học từ nhiều khía cạnh, không chỉ vì thứ hạng của trường. Trong đó, nhiều người đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng đào tạo của ngành học mà các em định theo đuổi thay vì chỉ tập trung vào thứ hạng của trường. Có trường đạt thứ hạng không cao trong bảng xếp hạng chung nhưng ngành học lại được đánh giá cao trong bảng xếp hạng chuyên môn.
Dù vậy, GS Hiroshi Ono cho rằng, các chương trình thị thực mới trên thế giới đang “tiếp tay” cho các bảng xếp hạng. Nếu các quốc gia không thể kéo người dân ra khỏi nỗi ám ảnh với các thứ hạng, bảng xếp hạng giáo dục sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài. Vì vậy, bản thân các tổ chức giáo dục cũng cần xem xét lại điều kiện, chỉ số và dữ liệu nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan của bảng xếp hạng, là địa chỉ tin cậy đối với học sinh, sinh viên và phụ huynh trên thế giới.
Theo GD&TĐ