Tranh dân gian Đông Hồ Vinh quy bái tổ thể hiện việc mẫu nam tính truyền thống là đàn ông phải đỗ đạt
TS nhân học Đào Thế Đức nói về nghiên cứu của mình về môi trường hình thành nam tính trong tọa đàm “Nam tính và bạo lực với phụ nữ từ cách tiếp cận văn hóa” do Tổ chức Thúc đẩy bình đẳng giới (VGEM) tổ chức ngày 19.6 tại Hà Nội.
Theo đó, môi trường hình thành đầu tiên chính là sự dạy dỗ của cha mẹ về việc thế nào là đàn ông từ khi con còn bé. Con trai theo bố đi dự các buổi lễ của dòng họ và có cơ hội học tập cao hơn con gái. Trường phổ thông Việt Nam chỉ đề cập qua về giới tính từ góc độ sinh học mà không dạy về quan hệ giới.
Những điều đó, theo TS Đức, khiến hình thành cái gọi là đặc trưng của “nam tính bá quyền” ở Việt Nam. “Cái thấy rõ nhất là quan điểm phổ biến nam giới là trụ cột chính về kinh tế, đưa ra quyết định chính trong gia đình. Quan điểm đàn ông giữ kỷ cương được chấp nhận rộng rãi”, ông Đức nói.
TS Hoàng Cầm, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, cũng cho rằng nam tính bá quyền là một chuẩn mực được dạy trong quá trình văn hóa. “Trong nam tính bá quyền phổ biến, người đàn ông quan trọng hơn trở thành tập tính, họ không đặt câu hỏi tại sao tôi lại làm như vậy”, ông Cầm nói.
PGS-TS Phạm Quỳnh Phương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, nhận định bạo lực gia đình ở Việt Nam có khi lại được khoác áo tình yêu. “Đánh để giúp con và vợ tốt hơn, đánh vì yêu thương, vì quan tâm, vì trách nhiệm (!). Nó được gắn mỹ từ cho mục đích yêu thương. Cơ quan đoàn thể có câu Vì sự tiến bộ của phụ nữ, thì riêng từ tiến bộ đó cho thấy nhận thức phụ nữ kém hơn nên đàn ông phải giúp đỡ rồi”, PGS-TS Phương nói.
Th.S Lê Xuân Đồng (Tổ chức Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em Hagar Việt Nam), nhìn nhận bản thân những người hòa giải hôn nhân cũng mang những thông điệp bất ổn. Chẳng hạn, họ khuyên người phụ nữ chịu đựng. Họ cũng đặt câu hỏi có tính định kiến giới, kiểu hỏi vợ vì sao bị đánh. Đằng sau đó là thông điệp tội thì phải đánh. Họ cũng không dám tư vấn để chia ly vì mặc cảm nếu tư vấn thế thì có lỗi để gia đình không toàn vẹn.
Ông Lê Quang Bình, sáng lập VGEM, gợi ý để xóa bỏ bạo lực cần thực hiện kiềng ba chân. Thứ nhất, thực hiện và soạn thảo các khung pháp lý. Thứ hai, có các hỗ trợ phụ nữ chẳng hạn như nhà lánh nạn... Thứ ba, cần thay đổi quan niệm về nam tính qua con đường văn hóa.
Theo thanhnien