Với hy vọng hạn chế nạn bạo lực gia đình, mới đây thành phố Thường Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đã quyết định thưởng tiền cho những "người tốt bụng" - chịu báo cáo cho chính quyền khi chứng kiến hoặc biết các vụ việc liên quan đến bạo hành. Đây là chính sách lần đầu tiên được đưa ra tại đất nước tỷ dân.

Trang China Women’s News đưa tin theo quy định này, người tố giác sẽ nhận được một khoản tiền khi báo cáo sự việc về bạo lực gia đình cũng như các hành vi phạm tội khác đối với phụ nữ và trẻ em.

Quy định được đồng ban hành bởi tổ chức "Changzhou’s Foundation for Justice and Courage", người báo cáo sẽ được thưởng sau khi xác nhận thông tin họ cung cấp là đúng.

"Phần thưởng có thể từ vài trăm đến hàng chục nghìn nhân dân tệ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc", Lu Zheng, một thành viên thuộc tổ chức trên, nói với Sixth Tone.

bao luc gia dinh anh 1

Dù nạn bạo lực gia đình phổ biến, nhiều người chứng kiến vẫn không báo cáo vì coi đó là chuyện riêng của nhà người ta.

Ông Lu nói thêm rằng quy định này là để đối phó với các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, bởi nhiều người dân ở Trung Quốc vẫn miễn cưỡng can thiệp vào công việc cá nhân của người khác.

"Khi chứng kiến bạo lực gia đình, mọi người thường không báo cáo, vì truyền thống văn hóa của Trung Quốc vẫn coi đó là những việc riêng tư, chuyện gia đình. Song nếu được thưởng tiền, người ta sẽ tích cực báo cáo hơn, việc chăm sóc phụ nữ và trẻ em cũng được nâng cao", Lu phân tích.

Kể từ khi luật chống bạo lực gia đình mang tính bước ngoặt của Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2016, các cơ sở công cộng bao gồm trường học, bệnh viện, cơ quan phúc lợi và ủy ban dân cư có nghĩa vụ báo cáo tất cả các trường hợp bạo lực gia đình xảy ra giữa nhân viên hoặc dưới sự giám sát của họ cho cảnh sát.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý nói rằng rất ít trường hợp như vậy thực sự được báo cáo thông qua các tổ chức này, mặc dù có mối đe dọa trừng phạt mơ hồ của luật pháp.

Zhai Xiufang, chủ tịch Trung tâm Dịch vụ Công tác Xã hội Xinyuan, chuyên về công tác chống bạo lực gia đình ở thành phố Nam Kinh, nói với Sixth Tone rằng trường hợp người dân chứng kiến và báo cáo bạo lực gia đình là rất hiếm ở Trung Quốc. Cô thấy chính sách mới của thành phố Thường Châu là một động thái tích cực.

"Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngay cả các nạn nhân cũng thường cảm thấy rằng bạo lực mang lại sự xấu hổ cho gia đình mình, vì vậy họ sẽ không nói với người khác về điều đó. Trong khi đó, người thân, bạn bè, hàng xóm của họ coi đó như chuyện riêng gia đình. Tuy nhiên, cuối cùng thì việc không hành động cũng đồng nghĩa với dung túng. Sáng kiến trên có thể nâng cao nhận thức của xã hội về những thiệt hại do bạo lực gia đình gây ra và huy động toàn xã hội tham gia vào việc xóa bỏ nó", cô nói.

bao luc gia dinh anh 2

Nhiều vụ án liên quan đến bạo hành gia đình khiến công chúng Trung Quốc phẫn nộ thời gian qua.

Quy định được đưa ra giữa bối cảnh nhiều vụ việc đau lòng về nạn bạo lực gia đình gây phẫn nộ trong cộng đồng.

Tháng 10 năm ngoái, một nữ streamer người Tây Tạng là Lạp Mẫu đã bị chồng thiêu sống ngay trên sóng phát trực tiếp. Trước đó, cô từng nhiều lần bị chồng bạo hành, đến mức phải đơn phương ly hôn sau thời gian bị chồng lạm dụng.

Không riêng Lạp Mẫu, nhiều phụ nữ tại đất nước tỷ dân vẫn đang chịu bạo hành gia đình. Trung bình mỗi năm có khoảng 157.000 phụ nữ tự tử, khiến xứ tỷ dân trở thành một trong số ít quốc gia có tỷ lệ nữ tự tử cao hơn nam. Trong đó, 60% người tự sát vì bạo lực gia đình, theo CGTN.

Một tâm lý đặc trưng tồn tại từ lâu, thể hiện qua câu cổ ngữ của Trung Quốc: "Đến quan chính trực cũng không thể phân xử chuyện gia đình". Do đó, một số cảnh sát hay thẩm phán vẫn coi chuyện bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư mà người trong nhà cần tự giải quyết.

Trên mạng, nhiều người ủng hộ quy định mới của Thường Châu, cho rằng nó nên được thông qua ở cấp quốc gia. Một số người nói rằng mặc dù rất hữu ích khi khuyến khích mọi người báo cáo bạo lực gia đình, song cần nhớ việc giải quyết những vấn đề như vậy thường đòi hỏi sự hợp tác của cảnh sát.

Theo  Zing