Cú đúp giải thưởng

Không gian Trúc Lâm tại Bảo tàng Dân tộc học (Trúc Lâm Restaurant) vừa nhận 2 giải thưởng kiến trúc quốc tế trong tháng 8.

Đầu tiên là giải thưởng Danh dự (Honorable Mention) của International Architecture Awards 2024 (viết tắt là IAA). Giải thưởng này được Bảo tàng Kiến trúc và thiết kế Chicago phối hợp với Trung tâm Thiết kế kiến trúc và nghiên cứu đô thị châu Âu tổ chức hàng năm.

Thứ hai là Giải thưởng Kiến trúc xanh Green Good Design, một giải thưởng quốc tế tôn vinh những điển hình áp dụng thiết kế bền vững hướng tới tương lai xanh.

leftcenterrightdel
 Cây đa cổ thụ ở Bảo tàng Dân tộc học cũng trở thành một phần của không gian Trúc Lâm

Ông Bùi Ngọc Quang, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học, cho biết không gian Trúc Lâm là dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa giữa bảo tàng và Công ty TNHH MTV thủ công Trúc Lâm. Đơn vị thiết kế là Văn phòng kiến trúc sư 1+1>2, do KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đứng đầu.

Trong khi đó, bà Vũ Liên, Phó giám đốc Công ty Trúc Lâm, cho biết đơn vị của bà muốn hợp tác với Bảo tàng Dân tộc học do ấn tượng với những trải nghiệm văn hóa tộc người ở bảo tàng.

"Khi đến Bảo tàng Dân tộc học, trải nghiệm không gian văn hóa tộc người sống động ở bảo tàng, đặc biệt là các kiến trúc nhà dân tộc, chúng tôi mong muốn khách tham quan tiếp tục trải nghiệm không gian văn hóa đó, từ đó đưa ra ý tưởng thiết kế cho nhà hàng vừa có sự kết hợp giữa truyền thống và hơi thở đương đại", bà Liên cho biết.

leftcenterrightdel
 Những hoa văn thổ cẩm được thể hiện trên tường, cửa kính kết hợp với không gian xanh

Theo ông Quang, hồ sơ dự thi của 2 cuộc thi kiến trúc đều nêu rõ những yếu tố văn hóa tộc người được đưa vào kiến trúc ra sao. Trong đó, việc đưa gốc đa cổ thụ vào không gian nhà hàng, các vật liệu dân gian của dân tộc ít người, việc bảo tồn khung xương của công trình cũ đều được phân tích.

"Trong hồ sơ thuyết minh nhiều vấn đề, từ kết nối tương tác trong bảo tàng, từ ý tưởng lấy gốc đa của bảo tàng như thế nào. Việc vật liệu đất cũng được đưa vào trong thuyết minh. Việc bảo tồn những nền móng cũ, khung xương cũ, bảo tồn thành kế thừa được cái cũ, không xả thải ra môi trường vật liệu trong quá trình xây dựng cũng có", ông Quang nói.

Danh thiếp văn hóa tộc người

Giờ đây, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, công chúng có một không gian văn hóa dưới bóng mát cây đa cổ thụ. Công trình có những cửa sổ và tường bằng kính trong để có thể nhìn ngắm những ngôi nhà của các dân tộc ít người xung quanh.

Bản thân không gian Trúc Lâm cũng có một tường đất lớn xây dựng bằng kỹ thuật trình tường của người Hà Nhì. "Trong bảo tàng có nhà trình tường của người Hà Nhì, đó là gợi ý để Trúc Lâm kế thừa thành tường của công trình. Tường trình này cũng có một số phụ gia để có hiệu ứng mịn màng hơn, không bị mưa gió tróc lở như tường truyền thống. Nhờ đó, hiệu quả rất tốt, khách đến thăm cũng rất thích chụp ảnh ở đây", ông Quang nói.

leftcenterrightdel
 Kỹ thuật trình tường được sử dụng trong không gian Trúc Lâm

KTS Vũ Xuân Sơn, người tham gia thiết kế không gian Trúc Lâm, cho biết dự án sử dụng vật liệu tự nhiên và vật liệu nhẹ có khả năng tái sử dụng cao như: đất, tre, thép, kính. Đặc biệt, công trình nổi bật với hệ tường trình đất truyền thống dày tới 40 cm bọc toàn bộ mặt ngoài. Bức tường rất được khách nước ngoài yêu thích này khi kết hợp với mái tre và cửa kính lớn đã tạo được đối thoại với các ngôi nhà kiến trúc truyền thống trong khuôn viên bảo tàng.

Trong khi đó, bà Vũ Liên cũng rất tự hào về nội thất của công trình. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của chính Công ty Trúc Lâm được đưa vào sử dụng ở đây. Bên cạnh đó là một bộ sưu tập tranh thêu Thái - Nghệ An thổ cẩm có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi.

"Đây là bộ sưu tập tranh thêu thổ cẩm của người Thái ở Nghệ An có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Những tác phẩm này đã được Trúc Lâm sưu tập hàng chục năm", bà Liên cho biết. Bộ sưu tập này quý giá đến mức Bảo tàng Dân tộc học dự kiến sẽ tổ chức một trưng bày riêng để giới thiệu.

Một số tác phẩm độc bản khác cũng được giới thiệu trong không gian này như những chạm khắc tinh xảo từ gỗ trầm hương, bức tượng đá thạch ngọc tự nhiên điêu khắc thủ công.

leftcenterrightdel
 Các tác phẩm nghệ thuật thủ công mang đến không gian màu sắc văn hóa

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, chia sẻ ông đã nhiều năm ước mơ có một không gian cà phê, ăn trưa đẹp đẽ mang dấu ấn tộc người trong bảo tàng.

"Đến giờ đã 30 năm thành lập, bảo tàng mới có không gian mơ ước đấy. Bản thân tôi đã nhìn thấy những không gian cà phê ăn trưa ở các bảo tàng Âu Mỹ hiện đại như thế nào. Có cái bình dân, có cái sang trọng nhưng đều hướng tới kết nối với nội dung bảo tàng. Không gian này đã làm được như thế", ông Huy nói.

KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nói: "Không gian có sự gắn bó hữu cơ về vật liệu với không gian của bảo tàng. Thiết kế nội thất của Trúc Lâm cũng có nhiều cộng sinh với nội dung Bảo tàng Dân tộc học. Đó là sự gắn bó với cây đa đã tồn tại ở đó. Cũng có cả sự kết nối về chất liệu với những ngôi nhà của các dân tộc ít người trong bảo tàng. Đấy cũng chính là lý do mà công trình này được giải thưởng kiến trúc quốc tế".

Theo Thanh niên