Ảnh minh họa

Anna Bykova là bà mẹ "lười biếng" và không xấu hổ khi thừa nhận điều này. Nhà tâm lý học người Nga, tác giả của một số cuốn sách bán chạy nhất thậm chí còn tỏ ra tự hào, bởi cô tin đang trao cho con cơ hội để trở nên tự lập.

Tuy nhiên, sự "lười biếng" của Anna không đồng nghĩa với nằm dài trên ghế sofa cả ngày và bỏ mặc con. Triết lý dạy con của cô là đôi khi bạn nên nghỉ tay và để đứa trẻ bảy tuổi tự chuẩn bị một số món ăn nhằm cải thiện kỹ năng vận động tinh. Nó cũng có nghĩa rằng bạn hãy nhờ con lau sàn, rửa chén phụ bố mẹ, dù có thể phải tự lau dọn lại thêm lần nữa vào một lúc khác khi con không nhìn thấy.

Về cơ bản, phương pháp nuôi dạy con này trái ngược với việc bao bọc thái quá. Dưới đây là một số mẹo mà Anna áp dụng và thấy hiệu quả.

Dạy trẻ dùng bô

Đây là quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và hướng dẫn kỹ lưỡng từng bước một.

- Bô luôn được đặt đúng vị trí, ở chỗ mà trẻ có thể dễ dàng nhìn thấy. Không bao giờ ép trẻ ngồi bô.

- Khi bắt đầu hướng dẫn, đừng quên khen ngợi trẻ mỗi khi chúng ngồi bô. Kết quả không nên bị đặt nặng ở giai đoạn này. Dù trẻ ngồi lên bô khi chưa kéo quần xuống, bạn cũng đừng tỏ ra khó chịu.

- Bạn cũng có thể thử đặt một con gấu bông lên bô, kể những câu chuyện trong đó các nhân vật rất thích mặc những chiếc quần khô ráo và sạch sẽ. Dần dần, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi tích cực ở trẻ.

Ngăn chặn cơn giận dữ của trẻ

- Giấu những thứ mà trẻ không nên chạm vào ở ngoài tầm mắt của trẻ.

- Chỉ cho trẻ thứ gì đó mới mẻ hoặc hứa sẽ cùng chơi trò gì đó thú vị hơn. Bạn có thể luôn mang theo mình một món đồ chơi nhỏ, chẳng hạn chiếc lọ thổi bong bóng để dùng lúc cần thiết và xoa dịu cơn cáu kỉnh của trẻ.

- Kéo là đồ chơi nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu trẻ muốn chạm vào nó, bạn có thể cho phép và giám sát thật kỹ quá trình đó. Cấm đoán quá nhiều sẽ gây ức chế về tâm lý và hạn chế sự phát triển của trẻ.

- Hãy thử cách nói: "Tất nhiên chúng ta sẽ làm việc đó, nhưng hãy đợi thêm một lúc nữa nhé" hoặc "Được chứ, nhưng trước hết hãy ngủ một chút đã nào".

- Nếu trẻ mải chơi trong khi đã đến giờ ăn, bạn hãy khéo léo mời món đồ chơi ăn trước. Để "thợ xây" nhí tạm ngừng việc xây tòa nhà, bạn đừng nói "Bỏ đồ chơi đó và lại ăn nào", chỉ cần thông báo rằng đội xây dựng đang nghỉ tay để ăn trưa.

- Thay vì ra lệnh, bạn hãy tích cực đưa ra lựa chọn và trẻ sẽ cư xử theo cách bạn muốn. Chẳng hạn, để con học cách tự dọn đồ chơi, bạn có thể hỏi: "Con sẽ nhặt những chú lính cho vào giỏ trước hay những chiếc ôtô nào?". Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thích hợp trong một giai đoạn. Khi đến độ tuổi nhất định, trẻ có thể từ chối cả hai lựa chọn mà bạn đưa ra.

Kiểm soát cơn giận dữ của trẻ

Nếu không thể ngăn chặn được cơn giận dữ và trẻ đã bắt đầu gào khóc, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau:

- Chuyển sự chú ý của trẻ sang thứ khác.

- Hình thành thói quen lấy lại bình tĩnh và sử dụng thường xuyên. Chẳng hạn, mỗi khi trẻ khóc, mẹ có thể nhẹ nhàng thổi vào mắt để "hong khô" nước mắt của trẻ. Hoặc bạn có thể đưa cho trẻ một ít nước và gọi đó là "nước ma thuật" để xua tan cơn giận dữ.

- Nếu đã thử nhiều cách mà không kiểm soát được và quan sát thấy việc trẻ gào khóc không liên quan đến các vấn đề về sức khỏe, bạn hãy phớt lờ hành vi đó. Đừng mắng hoặc nhốt con một mình trong phòng, bạn chỉ cần nói nhẹ nhàng: "Mẹ nghĩ là giờ con đang rất muốn khóc. Con cứ khóc đi nhé, bao giờ xong thì mẹ con mình sẽ chơi trò con thích".

Đối phó với sự kén ăn

Ăn uống là nhu cầu cơ bản của con người. Hãy tưởng tượng có một ngày bạn "quên" cho trẻ sơ sinh bú sữa, trẻ sẽ la hét liên tục để báo cho mẹ biết mình đang đói và chỉ ngưng khóc khi nhu cầu đã được thỏa mãn. Như vậy, trẻ biết rõ khi nào cần ăn và nên ăn bao nhiêu.

- Khi tập cho trẻ ăn những món đa dạng và nhiều màu sắc, điều quan trọng nhất là không cố nài ép. Bạn hãy để con thực sự đói và muốn ăn. Bằng cách này, bạn sẽ xây dựng được mối quan hệ tích cực giữa trẻ với đồ ăn.

- Nếu bạn để trẻ cùng nấu ăn, hãy cho chúng cơ hội thử các nguyên liệu khác nhau và tự lựa đồ ở siêu thị, dần dần trẻ sẽ cởi mở hơn với đồ ăn.

- Khi bạn muốn trẻ ăn nhiều hơn những gì chúng thực sự cần, hãy dành chút thời gian để suy nghĩ lại. Thực tế, trẻ hiểu cơ thể của mình và biết khi nào cần ăn thêm. Ép trẻ ăn không phải cách hợp lý để bố mẹ thể hiện tình yêu thương.

Ảnh minh họa
Giúp trẻ ăn ngon miệng

- Nếu trẻ không ăn bất cứ thứ gì trong bữa chính, đừng cho trẻ ăn vặt trong các khoảng thời gian còn lại.

- Cố gắng tránh các sản phẩm có hương vị nhân tạo. Khi trẻ ăn quen, chúng sẽ thấy nguyên liệu tự nhiên không hề hấp dẫn.

- Bớt cho trẻ ăn kẹo bánh và đồ ngọt.

- Giúp trẻ vận động thường xuyên hơn, có thể bằng cách dành thời gian dạo bộ cùng nhau. Điều này ảnh hưởng tích cực đến sự thèm ăn của trẻ.

Giúp trẻ ngủ ngon

Trẻ có thể gào khóc khi đi ngủ vì thường xuyên bị thúc ép ngủ đúng giờ, và chúng coi giấc ngủ là một hình phạt. Dưới đây là một số cách bạn có thể tham khảo để cải thiện tình hình:

- Ngồi lên ghế cạnh giường của trẻ, đặt một tay lên đùi trẻ, nhẹ nhàng cố định chân của chúng và tay kia đặt lên vai trẻ. Sau đó, bạn bắt đầu thực hiện động tác lắc lư nhẹ nhàng để thư giãn cơ bắp và xoa dịu hệ thống thần kinh của trẻ.

- Khi đặt tay lên cơ thể trẻ, bạn hãy "bắt chước" nhịp thở của trẻ rồi dần thở sâu hơn để trẻ làm theo. Nhờ thở sâu và chuyển động nhẹ nhàng, trẻ sẽ ngủ thiếp đi nhanh chóng.

- Khi đọc sách cho trẻ, bạn có thể chèn những cụm từ liên quan đến sự nghỉ ngơi, thư giãn hoặc giấc ngủ: "Sau đó, chú gấu nói... Tôi sẽ ngồi cạnh gốc cây... ăn chiếc bánh của mình... nằm dài trên cỏ... rồi ngủ một giấc...". Bạn cần nhớ đọc chậm rãi, phối hợp với nhịp thở đều.

Tập cho trẻ ngủ một mình

- Hãy cho trẻ ôm gấu bông khi đi ngủ, hoặc để một món đồ trẻ yêu thích bên cạnh để cảm thấy yên tâm và ngủ thật ngon ở bất cứ nơi nào, không chỉ trên giường của mình.


Nếu trẻ quen ngủ với người lớn, lúc mới chuyển qua giường riêng, bạn hãy ngủ với trẻ một thời gian ngắn. Bằng cách này, trẻ sẽ "làm quen" với chiếc giường mới cùng mẹ, dần dần sẵn sàng ngủ một mình.

- Bạn có thể chọn tấm ga trải giường có hình nhân vật yêu thích của trẻ, mua chiếc đèn ngủ đáng yêu hoặc dán những ngôi sao dạ quang trên trần nhà.

Với việc hình thành những thói quen kể trên, bạn sẽ "nhàn" hơn khi nuôi dạy con, đồng thời giúp con trở nên tự lập và chủ động.

Theo vnexpress