Chị Phan Hồ Điệp chia sẻ về những điều phụ huynh nên dạy con khi còn nhỏ.
Phan Hồ Điệp – bà mẹ được cho là rất thành công trong việc giáo dục “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã có những chia sẻ về những điều phụ huynh nên trang bị cho con khi còn nhỏ tại hội thảo Hành trang cho con làm chủ kỷ nguyên 4.0 do CMS EDU tổ chức sáng 6/4 tại Hà Nội. Những chia sẻ này được chị đúc rút từ chính kinh nghiệm nuôi dạy con trai và những năm làm việc trong ngành giáo dục.
Rèn luyện tư duy
Mở đầu cuộc trò chuyện, chị Điệp chia sẻ, bản thân chị quan niệm cái đích của việc học không phải để con đứng đầu hay xuất sắc nhất mà là để con tiến bộ từng ngày. Không nhận con là thần đồng như danh xưng của mọi người dành cho Đỗ Nhật Nam, chị Điệp cho rằng Nam cũng giống như bao bạn khác và chị cũng chỉ cố gắng để con tốt hơn mỗi ngày.
Là một người mẹ và cũng là người làm giáo dục, chị Phan Hồ Điệp cho rằng, để trẻ phát triển và trưởng thành tốt, điều quan trọng là cần phát triển khả năng tư duy ở trẻ.
“Khi Nam còn nhỏ, tôi hay đưa cho con 4-5 tấm thẻ, trên đó ghi những chữ cái khác nhau để khi ghép lại được 1 từ có nghĩa. Lúc này Nam chưa biết chữ, nên tôi đã cho con quan sát rất kỹ, trước khi sắp xếp lại. Trò chơi này giúp con có khả năng quan sát và nhớ mặt chữ tốt hơn. Đây là điều đầu tiên để phát triển tư tuy”, chị Điệp chia sẻ.
Mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam cho rằng, các bậc phụ huynh không nên coi tư duy là điều gì đó to tát, thực tế, nó bắt đầu từ những điều rất đơn giản. Trong đó, dạy trẻ cách quan sát là khởi đầu tốt đẹp để phát triển tư duy.
Chị Điệp lấy ví dụ, khi đưa con vào một trung tâm thương mại, mẹ có thể đố con một trò chơi, để con quan sát thật kỹ xung quanh, sau đó yêu cầu nhắm mắt lại và trả lời xem có mấy cửa gần nhất, người phục vụ mặc áo màu gì... Bản thân chị cũng đã dạy Đỗ Nhật Nam quan sát từ khi còn rất nhỏ bằng phương pháp này.
Dạy trẻ biết “cãi” từ khi còn nhỏ và tư duy logic
Có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, chị Phan Hồ Điệp cho rằng, ở Việt Nam nhiều phụ huynh thường bỏ qua tư duy phản biện khi dạy trẻ nhỏ. Phụ huynh và thầy cô luôn mong trẻ ngoan, nghe lời, điều này thể hiện rõ ngay trong các lời chúc của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Vô hình chung điều đó đã khiến trẻ khó phát triển tư duy phản biện, trong khi đây là điều thực sự quan trọng.
“Ngày Nam còn nhỏ, đã có giai đoạn bạn ấy rất thích chơi game. Mỗi lần như vậy, tôi thường bảo Nam nói cho mẹ 3 điều có thể khiến mẹ cảm thấy thuyết phục. Tôi cũng rất mong các bố mẹ có thể tự ra những để văn để rèn tính phản biện cho con. Trong chương trình giáo dục hiện nay thường ra những đề văn yêu cầu miêu tả, kể hay thậm chí để học sinh phải “bịa” để làm bài... Khi ở nhà, tôi lại hay cho con làm những đề văn để con nêu ra quan điểm cá nhân và có thể đánh giá vấn đề, ví dụ như: “Bố mẹ có nên đánh con khi phạm lỗi”?...
“Tôi đã từng đọc ở đâu đó câu chuyện rằng, trong một lớp học, có một học sinh thường cãi nên thầy giáo không hề thích. Thầy giáo cố tìm cách để đánh trượt học sinh. Một hôm, thầy gọi học sinh lên bảng, yêu cầu đếm thật nhanh và trả lời trong lớp có mấy bóng đèn. Cậu bé trả lời có 8 bóng. Lúc này thầy giáo cười nói, trong lớp có 9 bóng đèn và tay thầy rút ra 1 bóng đèn trong túi áo.
Một lần khác vẫn câu hỏi đó, cậu học sinh lại trả lời trong lớp có 9 bóng đèn. Thầy giáo đáp, lần này chỉ có 8 vì tôi không mang theo bóng đèn nào cả. Cậu học trò lôi ra 1 bóng đèn trong cặp, nếu thầy không mang thì em mang theo. Thực tế không phải những gì thầy cô giáo hay người lớn nói hoàn toàn là chân lý, mà chân lý đó có thể thuộc về học trò khi các em biết phản biện”, chị Điệp nói.
Giúp con tự lập
Chị Phan Hồ Điệp kể: “Tôi đã từng rất tiếc cho một học sinh trường chuyên rất giỏi nhưng phải quay về nước chỉ sau 2 tháng du học tại Singapore. Lý do là em không thể làm bất cứ thứ gì khi không có mẹ, kể cả việc tự thức dậy đúng giờ hàng ngày. Khi em đã đi học muộn quá 35 buổi trong 2 tháng, em đã bị trường từ chối việc học tiếp”.
Thừa nhận rằng rất khó để yêu cầu con làm việc này việc kia khi còn nhỏ, đặc biệt là khi sống trong gia đình có nhiều thế hệ, bởi ông bà thường có tâm lý chiều chuộng, “xót cháu”. Tuy nhiên, mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam gợi ý các phụ huynh nên biến những công việc đơn giản thành những trò chơi hay thử thách để trẻ thích thú tham gia. Ngay từ khi trẻ mới 2-3 tuổi, bố mẹ nên hướng dẫn và cho trẻ tự làm những công việc đơn giản như tự mặc quần áo, tự làm vệ sinh cá nhân, tự sắp xếp đồ chơi...
Dạy con tự tin
Chị Phan Hồ Điệp cho rằng, tự tin sẽ đến khi con hiểu và tin vào bản thân mình. Gia đình, sự tương tác của phụ huynh với con cái là yếu tố quan trọng giúp trẻ tự tin. Không gì hạ gục con nhanh nhất bằng những câu mắng mỏ. Nếu điều này xảy ra quá nhiều, lâu dần sẽ làm giảm dần việc tin tưởng vào bản thân của đứa trẻ.
Không phải lúc nào cũng nói với con những điều ngọt ngào, nhưng sự động viên khuyến khích của cha mẹ là điều cần thiết để trẻ có động lực phấn đấu.
“Tôi thường không khen con rằng con thông minh thế, hay con giỏi quá, mà thay bằng cảm xúc của bố mẹ, như bố mẹ rất vui vì những gì con đã làm. Khi đó, trẻ sẽ nghĩ rằng mình có ích và thực sự ý nghĩa với bố mẹ, với cuộc đời. Một nghiên cứu khoa học cũng cho thấy liều thuốc hữu hiệu giúp tăng sự tự tin với đứa trẻ là cái vỗ vai của bố”, chị Phan Hồ Điệp nói.
Từ những câu chuyện hài hước trên mạng, rằng “con người ta” chính là đối thủ lớn nhất của mọi đứa trẻ, phụ huynh này đánh giá việc so bì, quát mắng con bằng cách so sánh với những đứa trẻ khác chỉ giúp giải tỏa nỗi ấm ức, nóng giận của bố mẹ nhưng lại không hiệu quả để trẻ tiến bộ hơn.
Hơn hết phản là người tử tế
Kết thúc buổi chia sẻ, chị Phan Hồ Điệp nhấn mạnh rằng, ngoài những điều liên quan đến kiến thức, kỹ năng, hơn hết, bố mẹ cần quan tâm và hướng con đến cách sống tử tế. Đó chính là hành trang quý giá nhất cho con bước vào đời.
“Ngày Nam còn nhỏ, mỗi ngày tôi đều hỏi con 3 điều khiến con biết ơn nhất trong ngày là gì? Đơn giản có thể câu trả lời là mẹ nấu cho con một bữa ăn ngon, bạn đã cho Nam mượn chiếc bút hay con mèo trong nhà hôm nay không cào xước chiếc cặp của con nữa. Từ những việc rất nhỏ nhưng tôi tin rằng có có tác dụng giúp trẻ nhìn cuộc đời thánh thiện, trong trẻo hơn. Trong thời đại 4.0, khi robot có thể thay thế trí tuệ con người, nhưng lòng yêu thương vẫn thực sự quý giá”, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ./.
Theo vov