Những bí mật về thế giới búp bê truyền thống Nhật Bản đang được giới thiệu tới công chúng tại Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU
Công chúng Việt Nam đang được khám phá thế giới bí mật và thưởng thức vẻ đẹp nghệ thuật đáng kinh ngạc của những mẫu búp bê được truyền thừa từ nhiều thế hệ ở Nhật Bản, trong triển lãm Búp bê truyền thống Nhật Bản do Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tại trụ sở (27 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Tại đây, những mẫu búp bê tinh mỹ nhất của Nhật Bản được giới thiệu tới công chúng Việt Nam, cùng với những thông tin thú vị về lịch sử phát triển búp bê truyền thống như một nét đặc sắc văn hóa của đất nước Phù Tang.
Theo Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, búp bê Nhật Bản xuất hiện sớm nhất dưới hình thức là hình nộm trong các nghi lễ cầu may hoặc nghi lễ xua đuổi tà ma.
Vào thời Heian (794-1185), một con búp bê với thiết kế đơn giản có tên là Amagatsu được làm ra lần đầu tiên đánh dấu sự chuyển đổi từ búp bê nghi lễ sang búp bê đồ chơi.
Dòng búp bê tiếp nối của búp bê Amagatsu là búp bê Hoko, được làm bằng vải thô trắng độn, và đặc biệt là tóc của búp bê Hoko được kết từ sợi tóc thật.
Nghệ thuật trang trí búp bê phát triển rực rỡ vào thời Edo (thế kỷ 17-19), đây cũng là một trong những thời kỳ hoàng kim của văn hóa búp bê Nhật Bản. Một số búp bê được thiết kế công phu và đắt tiền. Búp bê nổi tiếng nhất thời Edo là búp bê Ichimatsu với khuôn mặt xinh đẹp và đôi mắt thủy tinh.
Triển lãm Búp bê truyền thống Nhật Bản hấp dẫn với cả nam giới - Ảnh: T.ĐIỂU
Ngày nay, thế giới búp bê truyền thống Nhật Bản đã trở nên rất đa dạng như: búp bê Ichimatsu, búp bê Hakata, búp bê bằng đất sét, búp bê mô phỏng các nhân vật trong kịch Noh hay Kabuki…
Một trong những kiểu búp bê phổ biến tại Nhật Bản ngày nay là búp bê trang trí ở nhà để cầu cho trẻ em sức khỏe và trưởng thành.
Nhật Bản có hẳn một ngày gọi là Ngày lễ búp bê Nhật Bản vào 3-3. Ngày này, các hộ gia đình Nhật Bản theo truyền thống sẽ trang trí búp bê Hina, đại diện cho những bé gái trong gia đình.
Ngoài gia, ngày 5-5, ngày Lễ thiếu nhi Nhật Bản, người ta sẽ trang trí búp bê Gogatsu trên bàn thờ để cầu cho các bé lớn nhanh và khỏe mạnh.
Với người Nhật, chơi búp bê cũng giống như thưởng trà. Búp bê không phải để trang trí, mà là một người bạn tâm tình. Do đó, người nghệ nhân làm búp bê phải có khả năng thổi hồn vào con búp bê vô tri, cũng như thổi được vào trong đó thế giới văn hóa truyền thống.
Chính vì vậy, việc chế tác búp bê tại Nhật Bản thật sự là một môn nghệ thuật, ở đó, sự chuyên môn hóa được mang đến từng công đoạn chi tiết.
Để hoàn thành một con búp bê thông thường cần có 20-30 người thợ tài hoa chuyên trách từng công đoạn khác nhau như người chuyên làm đầu búp bê, người chuyên tóc, người chuyên vẽ nét trên khuôn mặt, người chuyên thân hình, tay, kimono, mắt thủy tinh.
Nhìn một con búp bê nhỏ bé, thật khó tin rằng thời gian hoàn thành một con búp bê lại cần đến vài tháng cho tới vài năm.
Ngắm thế giới búp bê truyền thống Nhật Bản đẹp mê hồn được trưng bày tại triển lãm đến hết ngày 10-8:
Búp bê “Bé trai tập bò” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Cô dâu” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Irukara nam” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Irukara nữ” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Thiếu nữ hoa tử đằng” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Thiếu nữ mặc kimono màu hồng” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Cả ngày dài” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Chơi con quay” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Nhân vật ông già trong kịch Noh Okina” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Nhịp điệu” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Ở nhà” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Sột soạt xiêm y” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Sửa soạn” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Thiên Hoàng Jinmu” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Trò chơi rồng rắn lên mây” - Ảnh: T.ĐIỂU
Búp bê “Bảy dù che” - Ảnh: T.ĐIỂU
Theo tuoitre