leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Minh - cậu bé hàng xóm của tôi - từ bé đã bị bố mẹ quát mắng vì chậm hiểu. Năm Minh chuẩn bị vào lớp Một, mẹ bé gửi con ở nhà một cô giáo để kèm tập viết, tập đọc. Thế nhưng do bé tiếp thu chậm, lại mất tập trung nên cô giáo nói với mẹ bé: "Chị dành thời gian kèm thêm con ở nhà, nếu không vào lớp Một con sẽ khó theo kịp các bạn". Vậy là buổi tối, sau khi cơm nước xong, mẹ con Minh bắt đầu “vật lộn đi tìm con chữ”.

Sở dĩ tôi nói vậy, vì mỗi buổi học của Minh thực sự là một cuộc tra tấn. Mẹ kèm con học được một lúc thì cốc vào đầu bé: "Đồ đầu đất! Mãi không hiểu à?". Minh mếu máo cắm đầu xuống cuốn vở ô ly viết, 2 hàng nước mắt thi nhau rớt xuống ướt nhòe cả nét bút chì.

Có lúc Minh ngồi thừ mặt ra, mẹ hỏi không nói, mẹ gọi không thưa. Mẹ bé điên tiết giật quyển vở xé rồi vò trước mặt con.

Mãi về sau, lên cấp II, cấp III, cái nhãn "chậm hiểu" vẫn không được bố mẹ bé Minh gỡ xuống. Minh không thi đại học mà đi học nghề rồi trở thành một thợ điện nước rất giỏi ở khu phố tôi.

Kiếm được mỗi tháng kha khá tiền, nhưng nỗi ám ảnh "đầu đất" trong Minh vẫn không xóa đi được. Có lần, cậu ấy nói với tôi: "Sau này cháu có con. Bất luận con cháu thế nào, chắc chắn nó sẽ không bao giờ phải chịu đựng như cha nó".

Thùy, bạn học của con gái tôi lại khổ vì cái nhãn học sinh giỏi, học sinh xuất sắc 6 năm liền. Chỉ vì một bài kiểm tra điểm 7 mà Thùy bị mẹ la rầy ngay trước bữa ăn: "Con học hành kiểu gì thế hả?".

"Đề Toán lần này khó, lớp con các bạn đều điểm thấp", Thùy vừa cất lời giải thích thì bị mẹ phủ đầu: "Các bạn kệ các bạn. Con phải khác!".

Hình phạt mà Thùy phải nhận ngoài những lời trách mắc là bị cắt luôn vé đi xem phim mẹ đã hứa trước đó.

Từ đó, kể cả lúc mệt, lúc tâm trạng không vui, Thùy cũng phải cố gắng. Một lần, Thùy đến nhà tôi, hớn hở khoe với con tôi: "Tớ hỏi cô Anh rồi. Tớ được 10 điểm. May quá, nếu không về lại bị la rầy".

Cũng ở lớp con tôi, bé L. được mẹ trang bị ý thức “mình là con nhà giàu” từ nhỏ nên bé có những hành xử kỳ cục trong mắt chúng bạn. Đi học bán trú, L. không ăn được cơm ở căng tin nhà trường như các bạn vì chê bữa ăn sơ sài. Lớp tổ chức liên hoan, ban đại diện cha mẹ học sinh chuẩn bị trà sữa, bánh pizza cho các con. Dù các món đã đặt mua từ thương hiệu, uy tín nhưng L. cầm ly trà sữa lên rồi đặt xuống, kênh kiệu với các bạn: "Tớ không uống đâu, mẹ tớ dặn không được dùng những thứ vớ vẩn, rẻ tiền này".

leftcenterrightdel
 Mỗi đứa trẻ cần được tôn trọng, được thoải mái thể hiện chính mình (ảnh minh họa)

Bé chỉ cắn đúng một miếng bánh pizza rồi cho vào thùng rác. Bạn ngồi bên nhìn thấy nhắc không nên lãng phí, nhưng L. lờ đi. Cô bạn khác thì bóng gió: "Con nhà đại gia có khác...".

Trong lớp, L. không có nổi một người bạn thân. Sinh nhật, bố mẹ L. tổ chức ở nhà hàng sang trọng. Bé gửi thiệp mời một số ít bạn bè, nhưng chẳng bạn nào đến vì ngại.

Ngày trước, tôi làm việc ở một doanh nghiệp cỡ vừa. Giám đốc của tôi là người tốt bụng nhưng trông ông rất khắc khổ, ông sinh hoạt tiết kiệm, giản tiện quá mức. Trong công ty khá nhiều người bàn tán về ông: "Không hiểu vì sao nhiều tiền mà ki bo, sống khốn khổ vậy!".

Sau này, trong bữa liên hoan cuối năm, ông tâm sự rằng ngày trước gia đình ông rất nghèo. Tuổi thơ ông lớn lên trong sự thiếu thốn, gian khổ nên ông đã ghi tâm khắc cốt lời bố mẹ dạy: "Mình là con nhà nghèo".

Nhờ lời dạy ấy mà ông nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Nhưng tuổi thơ khốn khó đã ăn sâu vào tiềm thức của ông nên sau này dù có điều kiện ông vẫn không thể thay đổi thói quen, lối sống đã mặc định từ trong quá khứ.

Tôi nghĩ, mỗi người chỉ thực sự hạnh phúc khi được là chính mình. Những cái nhãn dán lên đồ vật có thể gỡ ra, còn khi gắn vào con người sẽ thành định kiến, không dễ thay đổi. Với con trẻ, những cái nhãn xấu còn là gánh nặng, sự mặc cảm, tổn thương... Thay vì bị dán nhãn, trẻ xứng đáng được yêu thương, được chấp nhận chúng như những gì chúng có, được khuyến khích và cổ vũ theo cách chúng cần...

Theo phụ nữ TPHCM