leftcenterrightdel
 Luke Tang được nhận xét là chàng trai thông minh, học tập xuất sắc và vô cùng tốt bụng. 

“Nhiều người trong chúng ta biết đến Tang như một người bạn cùng lớp thông minh, một người bạn thực sự và một người cố vấn luôn giúp đỡ người khác. Hình ảnh của em sẽ mãi lưu giữ trong tâm trí của gia đình, bạn bè và tất cả chúng ta hôm nay,” trích thứ của Trưởng khoa Đại học Harvard Rakesh Khurana.

‘Trên đời này không có người xấu, chỉ có người phức tạp’

Luke Tang sinh năm 1996 trong một gia đình học thức người Mỹ gốc Hoa. Cha của anh, bác sĩ Wendell Tang là một nhà nghiên cứu bệnh học tại Trung tâm Y tế Ochsner và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Hawaii. Mẹ làm kế toán và là nhà phân tích tài chính cấp cao tại Bệnh viện Nhi đồng ở thành phố New Orleans. Anh trai là một nhạc sĩ tài năng và theo học ngành y tại Đại học Tulane.

Tang theo học tại trường Trung học Benjamin Franklin và xuất sắc được nhận vào Đại học Harvard. Chàng trai luôn được gia đình, thầy cô và bạn bè nhận xét là sinh viên tài giỏi, ngoan ngoãn và hay giúp đỡ người khác. Thời gian rảnh rỗi, Luke Tang còn dạy đàn violin cho các trẻ em kém may mắn ở ngoại thành New Orleans và hay tham gia các chuyện thiện nguyện.

Tang cũng được vinh danh là học sinh của năm của khu học chánh New Orleans, lọt vào bán kết cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khoa học Intel và nhận được danh hiệu danh giá Học giả Tổng thống Mỹ- thành lập vào năm 1964 theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ nhằm công nhận và vinh danh một số học sinh cuối cấp tốt nghiệp trung học xuất sắc nhất nước.

Nói chuyện với các học sinh cuối cấp sắp tốt nghiệp của trường trung học Benjamin Franklin, Luke Tang 18 tuổi đã có một lời nhắn gửi đến các bạn cùng lớp của mình.

 “Trên đời này không có người xấu, chỉ có người phức tạp. Mọi người đều có một câu chuyện dù bạn có biết hay không. Mọi người đều có khả năng làm điều thiện và điều ác”, Tang nói. 

Thông điệp về sự đồng cảm và niềm tin chàng trai gửi đến các bạn cùng lớp thời trung học cũng chính là triết lý mà Tang theo đuổi trong suốt thời gian ở Harvard, theo The Harvard Crimson.

Tháng 9/2015, ở tuổi 18, chàng trai đã quyết định “giải thoát” cho bản thân, mãi mãi ra đi vì trầm cảm tại ký túc xá của Harvard. Thông tin chàng trai tài giỏi, tốt bụng qua đời khiến thầy cô, bạn bè và người thân của Luke Tang không khỏi bàng hoàng và đau xót.

Ký túc xá Lowell House của Harvard, nơi Tang sống, đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm để vinh danh chàng nam sinh.

Trách nhiệm của Harvard trong vụ việc

Ba năm sau, cha của Tang, ông Wendell W. Tang đã đệ đơn kiện lên Tòa Thượng thẩm Quận Middlesex. Đơn khiếu nại kiện Hội đồng trường Harvard - cơ quan quản lý cao nhất của trường cũng như Trưởng khoa nội trú Catherine R. Shapiro, Giám đốc phụ trách ký túc xá Lowell House Caitlin Casey, Cố vấn sức khỏe tâm thần của Dịch vụ Y tế Harvard Melanie G. Northrop và bác sĩ tâm thần David W. Abramson.

Đơn khiếu nại cáo buộc các đối tượng này “sơ suất và bất cẩn” dẫn đến cái chết của Luke Tang và lập luận rằng các họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại lên tới ít nhất 20 triệu USD (khoảng 487 tỷ đồng).

leftcenterrightdel
Đại học Harvard đã biết Luke Tang từng cố gắng tự tử không thành vào đầu xuân năm 2015. 

Đơn kiện nêu rõ nhân viên quản lý của Harvard đã biết Luke Tang có ý định tự tử và nỗ lực tự tử không thành trong năm thứ nhất tại Harvard nhưng không báo cho gia đình. Luke Tang đáng lẽ phải được tư vấn về sức khỏe tâm thần để ở lại trường.

Theo đơn khiếu nại, Luke Tang rời Harvard vào mùa hè vào tháng 5/2015 và không nhận được tư vấn về sức khỏe tâm thần từ thời điểm đó, từ đó gián tiếp dẫn đến cái kết bi kịch của chàng trai 18 tuổi vào tháng 9 cùng năm.

Vụ kiện cáo buộc trường đại học và các nhân viên của trường đã sơ suất vì không hoàn thành “nghĩa vụ chăm sóc” với Luke Tang.

Tuy nhiên, tháng 12/2022, một thẩm phán Tòa án Thượng thẩm quận Middlesex đã bác bỏ các yêu cầu bồi thường chống lại Harvard và hai trưởng khoa nội trú. Trong một tài liệu dài 22 trang, Thẩm phán Tòa án cấp cao Brent A. Tingle cho rằng các bên đã hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc Tang sau lần cố gắng tự tử đầu tiên vào mùa xuân năm 2015.

Vụ việc của Luke Tang chỉ là một vài trong nhiều trường hợp đau lòng tại đại học số 1 thế giới. Phía sau "giấc mộng Harvard”, sau ánh hào quang, ngôi trường dường như "bất lực" trong đảm bảo sức khỏe tâm thần cho sinh viên. 

Đại học Harvard lại có tỷ lệ sinh viên tự tử thuộc top cao nhất trong số các trường đại học ở Mỹ. Tỷ lệ tự tử của trường cũng cao hơn mức trung bình toàn nước Mỹ. Theo Hiệp hội Sức khỏe Đại học Mỹ, tỷ lệ tự tử của sinh viên Mỹ là 7.5/100.000 vào năm 2019 trong khi tỷ lệ của sinh viên Harvard vào khoảng 10.3/100.000. Những thống kê này chỉ phản ánh các vụ tự tử được báo cáo và số liệu thực tế có thể cao hơn. 

Áp lực học tập khủng khiếp, văn hóa cầu toàn và chủ nghĩa xuất sắc đẩy không ít sinh viên vào bế tắc. Một số sinh viên không thể tìm kiếm được sự giúp đỡ. Các em không thể chia sẻ tình trạng khó khăn về sức khỏe tâm thần của mình với ai.

Theo vietnamnet