leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cô Barbara Baldwin là huấn luyện viên, giảng viên Trường Trị liệu ngữ âm (School of Chirophonetic Therapy) tại Úc. Cô có gần 50 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, là cố vấn và giảng viên của nhiều trường Steiner ở Úc và châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cho trẻ hiểu cha mẹ sẵn sàng lắng nghe và học hỏi

Những câu nói phổ biến nhất cô Barbara nhận được từ cha mẹ Việt là: nhanh lên, dừng lại, không được, đừng làm thế, đừng nói nữa, con nói nhiều quá, đủ rồi đấy… Từ quá trình làm việc với phụ huynh tại Úc và nhiều quốc gia trên thế giới, nhà trị liệu ngôn ngữ Barbara Baldwin đã tổng hợp những mẫu câu chính mà cha mẹ thường hay nói với con của mình:

1. Câu chỉ dẫn và mệnh lệnh

Đi đánh răng đi, đi ngủ đi, đội mũ vào, đi giày vào… là những câu mà cha mẹ khắp mọi nơi thường nói với con mỗi ngày. Cô Barbara cho biết, một số trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt có thể hưởng lợi từ các câu chỉ dẫn rõ ràng như vậy, còn với trẻ em nói chung, chúng ta hãy hạn chế những câu mệnh lệnh. Điều quan trọng là cha mẹ cần tạo ra một nhịp điệu tốt trong gia đình với giờ thức dậy, giờ ăn, giờ ngủ, giờ chơi đều đặn, nhịp nhàng mỗi ngày, trẻ sẽ tự biết mình cần làm gì.

2. Các câu hỏi để thu thập thông tin

Con làm gì ở trường, con ăn món gì, con chơi với ai, con có đối xử tốt với bạn không… cũng là những mẫu câu hỏi phổ biến. Tuy nhiên, cô Barbara cho rằng, đó là những câu hỏi thu thập thông tin, không phải để khuyến khích sự giao tiếp. Thay vì các câu hỏi đóng - các câu hỏi mà trẻ chỉ trả lời có hoặc không, hãy hỏi những câu hỏi mở để trẻ có cơ hội kể thêm, chẳng hạn như: Điều gì diễn ra ở trường hôm nay? Con thấy lễ hội mùa hè thế nào?

Cha mẹ thường hỏi con rất nhiều mỗi ngày, tuy nhiên, khi con đặt nhiều câu hỏi, chúng ta lại có xu hướng trả lời: “Đừng hỏi nữa!”, “Con nói nhiều quá”. Khi trẻ có những câu hỏi lớn lao như “tại sao mặt trời lại tỏa sáng”, “tại sao các dòng sông đều chảy?”, thay vì vui mừng, chúng ta lại lo lắng và không thoải mái do không biết chính xác câu trả lời. Với những câu hỏi mà cha mẹ không biết trả lời ra sao, chúng ta có thể nói: “Ồ câu hỏi hay quá, để mẹ suy nghĩ rồi mẹ sẽ trả lời con nhé”. Bởi vì, điều tuyệt vời mà chúng ta trao cho trẻ không phải là thật nhiều thông tin mà là cho con thấy cha mẹ sẵn sàng học hỏi.

3. Dọa dẫm

“Nếu con không làm ABC thì sẽ có hậu quả đó” cũng là câu nói thường được phụ huynh sử dụng. Theo cô Barbara, một trong những câu dọa dẫm tồi tệ nhất mà cha mẹ có thể nói là: “Nếu con còn tiếp tục làm thế, cha/mẹ sẽ không thương con nữa”. Chúng ta có thể nói trong phút bốc đồng, trong sự tức giận rồi quên đi, nhưng lời nói đó sẽ theo trẻ mãi mãi.

leftcenterrightdel
 Cô Barbara đang giảng dạy trong khóa đào tạo giáo viên mầm non tại Việt Nam

Dọa dẫm thường thể hiện sự bất lực của chúng ta. Cô Barbara Baldwin chia sẻ, thay vì đe dọa, cha mẹ có thể thành thật với trẻ: mẹ đang không bình tĩnh/bị mệt/kiệt sức/quá tải nên mẹ cần yên tĩnh/hít thở/nghỉ ngơi. Đây cũng là cách chúng ta làm mẫu cho con về cách xử lý khi rơi vào tình huống căng thẳng, bất lực.

Đừng bỏ lỡ những khoảnh khắc kết nối cùng con

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường gặp tình huống phổ biến: con chạy lại muốn nói hay hỏi khi cha mẹ đang bận làm việc gì đó. Chúng ta sẽ trả lời con: cha/mẹ đang bận, lát nữa con nói nhé. Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Trẻ sẽ quên mất điều mình định hỏi hoặc kể cho cha mẹ, vì trẻ em luôn sống trong hiện tại, với khoảnh khắc lúc đó.

Nhà trị liệu ngôn ngữ Barbara khẳng định người lớn có trí nhớ tốt hơn, bởi thế chúng ta nên cố gắng dừng việc mình đang làm, để chú tâm vào con, lắng nghe con ngay lúc đó. Với những đứa trẻ thường xuyên ngắt lời khi người lớn đang nói chuyện, cha mẹ có thể điều chỉnh tùy theo độ tuổi. Chẳng hạn khi 3 tuổi, trẻ có thể nói bất cứ lúc nào có nhu cầu, còn bé 5 tuổi có thể chờ một chút.

Trong quá trình trẻ em học nói, cô Barbara khuyên cha mẹ và giáo viên không nên sửa khi trẻ nói sai. Thay vào đó, người lớn nên kiên trì làm mẫu về cách nói đúng. Ví dụ trẻ nói “trăng cháng quá”, người lớn chỉ cần trả lời “đúng rồi, trăng sáng quá con nhỉ”. Việc người lớn thường xuyên cố gắng chỉnh sửa trẻ sẽ khiến các con cảm thấy mình sai, kém cỏi, chưa đủ tốt, dẫn đến mất tự tin để mở lời.

“Điều trẻ muốn nói quan trọng hơn cách trẻ nói. Điều cốt lõi là chúng ta lắng nghe xem con muốn nói gì, con có cảm xúc gì đằng sau câu nói. Khi giao tiếp với người khác, ta thường có điều gì đó dâng lên trong lòng mà ta muốn bày tỏ với người đó. Hãy cho con thấy cha mẹ thực sự muốn lắng nghe, luôn dành thời gian và không gian cho những hội thoại hằng ngày với con” - cô Barbara nói. 

Theo phụ nữ TPHCM