Chỉ cần tài khoản và mật khẩu do trường cung cấp, học sinh có thể đăng nhập vào hệ thống SLS của Bộ Giáo dục Singapore ở bất cứ đâu - Ảnh: GETTY IMAGES

Chất lượng không thể bằng với học tại lớp, nhưng trong tình thế bắt buộc, học online là cách duy nhất để mối liên kết giữa trẻ và trường lớp không bị đứt gãy. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào giúp việc học trực tuyến tiệm cận được với học trực tiếp. 

Singapore: Hệ thống học online cả nước 

Tại Singapore, Bộ Giáo dục nước này đã xây dựng một hệ thống học online cho cả nước, tên Student Learning Space (SLS).

Các giáo viên tiểu học tại Singapore xem đây là cách bổ trợ hiệu quả so với việc chỉ giảng trên Zoom hay Google Meets. Trên SLS, nguồn tài nguyên khá đa dạng từ video, sách, truyện đến các trò chơi tương tác.

Theo báo Straits Times (Singapore), chỉ cần có mạng, các học sinh có thể vào SLS xem các video dạy ngôn ngữ, chơi các tựa game phát triển tư duy tính toán, tìm hiểu về lịch sử, địa lý qua tranh ảnh…

Đặc biệt, phần mềm cho phép kết nối trực tuyến với các thầy cô giúp các học sinh được giải đáp những chỗ chưa hiểu một cách nhanh chóng.

Theo Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung, thời gian học tại nhà của học sinh trong giai đoạn đặc biệt này rất cần sự đồng hành của phụ huynh.

Ít nhất cha mẹ cần cho con một thời gian biểu và một không gian học thật nghiêm túc, để con biết rằng học tại nhà không đồng nghĩa với một kỳ nghỉ dài ngày.

Học sinh tại Singapore học tại nhà những ngày trường học đóng cửa - Ảnh: FADLIN M YUSOFF

Thái Lan: Dạy học trên truyền hình 

Tại Thái Lan, các địa phương chủ động kết nối với các đài truyền hình tổ chức các chương trình dạy học trên tivi dành riêng cho học sinh tiểu học, nhất là lớp 1.

Tờ Thai Raith (Thái Lan) cho biết tần suất lên sóng trải đều trong những ngày trẻ không thể đến trường vì dịch bệnh. Các môn được quan tâm nhiều bao gồm toán, tiếng Thái, khoa học…

Bộ Giáo dục Thái Lan cũng nhìn nhận việc dạy học từ xa sẽ không thể thay thế hoàn toàn hình thức truyền thống. 

Vì vậy, cơ quan này đã yêu cầu các trường cần có kế hoạch tận dụng những khoảng thời gian "vàng" mà học sinh được trở lại trường để rà soát trình độ và bổ sung những kiến thức mà học sinh chưa vững.

Các nước châu Âu: Không quá chú trọng dạy chữ 

Ở các nước châu Âu như Anh, Đức, Phần Lan… dạy online cũng như offline đều không quá chú trọng dạy chữ ngay với những trẻ mới vào tiểu học.

Theo kênh Euro News, thay vào đó nhiệm vụ của thầy cô là giữ được sự năng động, trí tò mò của một đứa trẻ mới lớn trong điều kiện hạn chế ra ngoài.

Họ phải linh hoạt tổ chức các hoạt động trực tuyến, bù đắp những thiếu hụt so với học trực tiếp như chơi trò chơi, vẽ, vận động… trong những khoảng thời gian buộc lòng phải học online.

Theo tuoitre