Hãy mạnh dạn làm người mở đầu câu chuyện để phá bỏ rào cản vô hình giữa hai người - SHUTTERSTOCK
Tạo sự tự tin trong giao tiếp và để lại ấn tượng, gây thiện cảm với người mới quen là một trong những mối quan tâm của những người trẻ khi bước vào đời lập thân, lập nghiệp.
Chia sẻ của những người đã có trải nghiệm về vấn đề này và chuyên gia tâm lý sẽ giúp các bạn trẻ trở nên tự tin hơn.
Mạnh dạn làm người gợi mở những câu chuyện một cách chân thành
Theo chị Nguyễn Thị Bảo Trân, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Phát Đạt (Q.Tân Bình, TP.HCM), khi bạn mới quen ai đó chắc hẳn bạn sẽ có cảm giác ngại ngùng, rụt rè và giữ một khoảng cách nhất định trong giao tiếp. “Nhưng bạn có biết rằng chính người mới cũng sẽ có cảm giác y như bạn, vẫn có chút đắn đo trong giao tiếp. Vì vậy, hãy mạnh dạn làm người gợi mở những câu chuyện để phá bỏ rào cản vô hình giữa hai người. Nếu như bạn trong một buổi tiệc thì có thể bắt đầu câu chuyện bằng một cách chào hỏi đơn giản nhưng gần gũi như “chào bạn hoặc mình có thể ngồi ở đây được không?”. Sau đó hãy giới thiệu tên của mình trước và hỏi họ tên gì?”, chị Trân chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Tín, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Thành Tín, Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết: “Khi lần đầu tiên bạn tiếp xúc với một người nào đó, đừng bao giờ mở đầu câu chuyện với một người mới quen bằng các câu hỏi theo công thức, đại loại như: Bạn làm nghề gì? Quê bạn ở đâu?…Cách hỏi theo kiểu sơ yếu lý lịch như thế sẽ khiến người nghe rất dễ chán. Vì vậy, hãy thêm một chút sáng tạo để những câu hỏi của mình trở nên hấp dẫn hơn, ví dụ như “Chào bạn, trông bạn rất giống với một người bạn của mình thời học trung học hoặc nhìn bộ trang phục của bạn, mình đoán bạn làm lĩnh vực nghệ thuật đúng không…”.
Thể hiện sự quan tâm thực sự tới câu chuyện của người mới quen bằng cách tập trung lắng nghe và nói sâu hơn về các vấn đề mà họ đang hứng thú - SHUTTERSTOCK
Còn Nguyễn Thị Hướng, sinh viên Trường ĐH Đà Lạt, thì cho biết: “Cách tuyệt vời nhất để bắt đầu một mối quan hệ mới chính là sự chân thành. Hãy thành thật với những câu hỏi cũng như câu trả lời của bạn và thể hiện sự quan tâm thực sự tới câu chuyện của người đối diện bằng cách tập trung lắng nghe và nói sâu hơn về các vấn đề đó chứ đừng chỉ ậm ừ cho qua chuyện rồi lảng sang chủ để khác. Ví dụ khi bạn hỏi tên người đối diện, bạn có thể hỏi thêm về ý nghĩa của tên gọi đó, nó có thể sẽ mở ra một câu chuyện vô cùng thú vị đấy”.
Theo chị Hướng, lần đầu tiên bạn tiếp xúc với ai đó, tốt nhất nên hạn chế hỏi những thông tin riêng tư chuyện gia đình, tình cảm hay đời sống riêng của họ bởi những câu hỏi như “bạn có người yêu chưa?” sẽ khiến người được hỏi cảm thấy khó chịu. Thay vì thế hãy hỏi bằng những câu hỏi tế nhị hơn ví dụ như công việc của bạn có thời gian rảnh để đi chơi cùng gia đình hay bạn bè không?...
Quan sát người đối diện để nắm bắt được tâm trạng của họ
Ở góc độ tâm lý, TS. Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), cho rằng: “Cách mở đầu cuộc nói chuyện với một người mới quen là chìa khóa quan trọng để phát triển một mối quan hệ tốt đẹp về sau. Vì vậy hãy thực hành thật nhiều, hãy trải nghiệm dù là thành công hay thất bại để kỹ năng của bạn được nâng cao, khi đó bạn sẽ tự tin và hứng khởi hơn khi giao tiếp”.
TS Long khuyên: “Khi nói chuyện, bạn hãy quan sát các động tác của người đối diện để nắm bắt được tâm trạng của họ. Nếu họ cười một cách thoải mái, chứng tỏ họ hứng thú với câu chuyện của bạn, còn nếu họ trả lời một cách ngại ngùng hay thiếu tập trung thì đó là dấu hiệu bạn cần thêm một chút gia vị cho những câu chuyện của mình có sức hút với họ hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần sử dụng ngôn ngữ cơ thể để tạo không khí cởi mở, thân thiện cũng như sự đồng cảm, tạo thiện cảm với người mới quen”.
Theo thanhnien