Ảnh minh hoạ

 

Chỉ ba năm trước, giống với nhiều người, mình có một ngộ nhận: cách tốt nhất để nói tiếng Anh là sử dụng tiếng Anh hoàn toàn. Nhưng sau hai năm đọc sách và nghiên cứu ở Mỹ, mình nhận ra tiếng mẹ đẻ nên là đòn bẩy thay vì trở lực trong việc học tiếng Anh.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng kỹ năng trong tiếng mẹ đẻ hỗ trợ nhiều khi bạn học ngôn ngữ thứ hai. Ví dụ, một người viết tiếng Việt giỏi sẽ có khả năng cao là viết tiếng Anh giỏi khi được học ngôn ngữ này.

Hồi năm 2017, khi mới sang Mỹ, mình dạy trẻ con bằng cách "trộn" tiếng Anh với tiếng Việt. Ví dụ, khi nhờ con lấy hộ cái thìa "Can you take the spoons for me"? Và cháu hỏi lại "Take what, daddy?", mình sẽ nhắc lại câu hỏi "Can you take 'cái thìa' for daddy". Như vậy, trẻ sẽ quen với cấu trúc "Can you take.... for me?". Và một thời gian sau, các con sẽ có khả năng liên hệ giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh. Cách này rất hiệu quả với hai đứa con mình.

Một ví dụ khác, mình đang tham gia một nhóm luyện nói tiếng Anh miễn phí. Nhóm VIETTALK giúp người Việt luyện nói tiếng Anh miễn phí hàng ngày theo chủ đề, có người dẫn dắt gọi là "host" và các thành viên tham gia gọi là "participants".

Chủ nhật tuần trước, mình làm "host" với chủ đề là "Bạn sẽ sống sao nếu thiếu Internet", có 18 bạn tham gia. Sau khi giới thiệu chung và đưa ra câu hỏi: "Name the 3 most important applications you use on the internet?", mình chia lớp thành 6 phòng 3 người để thảo luận với nhau.

Mình lần lượt vào từng phòng để đảm bảo mọi việc đều ổn và xem cần giúp gì không. Các phòng đều sôi nổi, duy một phòng có một bạn ở trình độ căn bản, nói mãi không xong một câu nên mọi người có vẻ sốt ruột. Mình ngồi nghe một lúc rồi đưa ra gợi ý: "Why don't you use some Vietnamese for the words you don't know?", bạn ấy nói luôn bằng tiếng Việt: "Ý em là em có thể giao tiếp với người thân qua Skype ạ".

Mình ngồi nghe nên biết bạn "bí" từ "giao tiếp" nên nói "You can say: I can 'giao tiếp' with friends through Skype". Bạn hiểu ý và áp dụng "chiến thuật", mình ngồi nghe thêm một lúc thấy cuộc nói chuyện bắt đầu rôm rả thì mới chuyển qua phòng khác.

Cách "trộn" tiếng Việt như trên sẽ rất lợi vì khi nghe, bạn cùng phòng sẽ biết ngay từ "giao tiếp" tiếng Anh là gì. Và quan trọng là quá trình giao tiếp không bị ngắt quãng chỉ vì một từ bạn không biết, buổi nói chuyện sẽ tự nhiên và hiệu quả hơn. Phương pháp luyện tập này chỉ áp dụng được khi bạn nói chuyện với người biết tiếng Việt. Hơn thế, sau khi "trộn" tiếng Việt và sửa, ví dụ từ "giao tiếp" là "communicate" ở trên, bạn sẽ nhớ từ rất lâu và sâu.

Sau khi đi một lượt qua các phòng khác và trở lại phòng của ba bạn, mình thấy cuộc nói chuyện đã "trôi" hơn rất nhiều. Một phần do bạn ở trên có thể sử dụng tiếng Việt khi "bí từ", phần còn lại do được "giải tỏa tâm lý".

Phương pháp "trộn" ngôn ngữ này trong ngôn ngữ học gọi là "code-mixing", được áp dụng trong cả luyện nói và luyện viết. Các bạn khi thực hành tiếng Anh với một người Việt khác có thể sử dụng phương pháp này. Một giáo viên dạy tiếng Anh nếu biết cách dùng "code-mixing" với học trò cũng sẽ cho hiệu quả rất cao, do học sinh tận dụng được kiến thức đã biết ở tiếng Việt và áp dụng vào tiếng Anh.

Theo vnexpress