Carrie, mẹ của bé gái 6 tuổi, thường gặp khó khăn trong việc khiến con nghe lời. Việc nuôi dạy con cái nên khó khăn, khiến cô cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Carrie tham gia nhiều khóa học, đọc tài liệu và rút ra một số bài học cho bản thân. Dưới đây là năm cách cô khiến con nghe lời mà không phải đánh, mắng.
Nói một từ
Trước kia, tôi thường giao con gái mang bát, đĩa vào bồn rửa sau khi ăn. Tuy nhiên, không một bữa ăn nào mà đứa trẻ tự giác làm việc này. Tôi luôn phải nhắc nhở 2-3 lần con vẫn không chịu làm. Đôi khi, chúng cũng không nhớ.
Để giải quyết, tôi đã diễn đạt mệnh lệnh của mình bằng cách nói ngắn gọn nhất để gây chú ý, kích hoạt trí nhớ của con. Tất cả những gì tôi nói là "đĩa", thay thế cho những chỉ dẫn dài dòng.
Lúc đầu, con nhìn tôi như người ngoài hành tinh nhưng một giây sau, con nhặt bát đĩa và đi vào bếp. Sau khoảng một tháng áp dụng, tôi không cần nói gì cả bởi con tự giác làm nhiệm vụ của mình. Điều này cũng tương tự khi tôi nói "răng" nếu muốn con đi đánh răng, "giày" nếu cần con đi giày và đến trường.
Cung cấp đầy đủ thông tin
Trẻ em không phải robot được lập trình để thực hiện mọi chỉ thị của chúng ta. Chúng cũng có tư duy và mong muốn tự lập, do đó thường phản kháng lại các mệnh lệnh nếu không thấy được sự hợp lý. Hiểu được điều này, tôi thường biến mệnh lệnh của mình thành những lời chỉ dạy.
Thay vì chỉ yêu cầu con "bỏ hộp sữa đó đi", tôi giải thích "sữa bị hỏng vì để bên ngoài quá lâu, con không nên uống". Tương tự khi con hay giẫm chân lên ghế, tôi nói "ghế là để ngồi" chứ không quát "ngồi im" hoặc "ngồi xuống" như trước kia. Con gái tôi bắt đầu ngồi xuống và tự xúc ăn. Việc này có thể không tác dụng ngay lập tức hoặc lần sau đứa trẻ vẫn tái phạm, tuy nhiên nó cung cấp thêm hiểu biết và kỹ năng sống cho trẻ em, đồng thời giúp cha mẹ trở nên thấu đáo, rõ ràng hơn.
Cho con sự lựa chọn
Trong một lần cho con đi dã ngoại, con không chịu đội mũ dù trời rất nắng. Tôi đã to tiếng và đe dọa "Nếu con không đội mũ, con không bao giờ được đi chơi nữa". Sau đó, con bé trừng mắt nhìn tôi và không ai có thể vui vẻ trong chuyến đi.
Sau khi có kinh nghiệm, tôi nghĩ cách tốt hơn là cho con lựa chọn. Việc đe dọa và trừng phạt không có tác dụng. Thay vì cảm thấy hối tiếc vì không hợp tác với người lớn, đứa trẻ có xu hướng trở nên cứng đầu hơn. Trong lần khác, tôi đã nói "Con đội mũ bây giờ hoặc sau khi kết thúc phần chơi này". Đứa trẻ vẫn không nghe lời, nhưng khi thấy mình bị lỡ mất phần chơi yêu thích, con gái tôi đã tự động lấy mũ đội lên đầu để chơi trò tiếp theo.
Nêu kế hoạch của bạn
Việc này giống như khi bạn xây dựng hệ thống khen thưởng dành cho trẻ. Thay vì chỉ cấm đoán hoặc giới hạn thời gian xem TV, ngồi máy tính của con, tôi nêu rõ kế hoạch "Nếu con hoàn thành bài tập trước 8h tối, con có thể xem TV lâu hơn 20 phút".
Trong lần đầu áp dụng, vì con 8h30 tối mới học bài xong, tôi đã thẳng thừng tắt TV lúc 9h và bắt con đi ngủ. Sau đó, tôi nhắc lại quy tắc này. Đứa trẻ gần ghi nhớ và tuân theo. Tôi cũng giữ đúng lời hứa khi cho con xem đến 8h50 tối (tổng 50 phút, nhiều hơn 20 phút so với mọi lần). Việc này giúp con bé có thể xem chương trình yêu thích lâu hơn, hoàn thành bài tập mà vẫn đi ngủ sớm.
Gọi tên cảm xúc của con
Khi con gái tôi đang chơi thổi bóng cùng bạn, đột nhiên con bé chạy về mách tôi "Dù đến lượt con nhưng Mina không cho con chơi". Vừa nói, con bé vừa khóc. Nếu như trước đây, tôi đã nói những điều như "Vậy mà con cũng khóc ư?", "Mẹ thấy chuyện này không đáng để khóc". Nhưng giờ, tôi hiểu trẻ con cũng cần được lắng nghe.
Tôi nhìn con và nói: "Trông con có vẻ thất vọng. Chúng ta có thể làm gì để công bằng cho cả con và Mina?". Sau đó, con bé đề nghị tôi dùng đồng hồ hẹn giờ và giải thích kế hoạch cho Mina. Những đứa trẻ mau quên và dần thích thú với kế hoạch mới. Khi thay đổi cách nói chuyện với con mình, chúng ta giúp những đứa trẻ hiểu người lớn vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe và cùng chúng giải quyết những điều phức tạp (đối với chúng).
Theo vnexpress