Theo Psychology Today (một tạp chí tâm lý học của Hoa Kỳ), trẻ thường xuyên ăn tối cùng gia đình mang lại nhiều lợi ích tích cực như trẻ sẽ ăn nhiều trái cây và rau quả, ăn ít thực phẩm không lành mạnh hơn... Ngoài ra, theo nghiên cứu của Trung tâm quốc gia về "Cai nghiện và Lạm dụng chất kích thích", việc ăn tối cùng gia đình cũng giúp trẻ ít khả năng bị thừa cân hay bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội khác như hút thuốc và ma túy hơn.
Ảnh minh họa
Vì vậy, việc các trường học, nhà trẻ đóng cửa, các hoạt động thể thao tạm ngừng do cách ly xã hội vì dịch được xem là cơ hội vàng để phụ huynh dạy trẻ kỹ năng nấu ăn. Cha mẹ nấu ăn cùng con trẻ không những giúp trẻ tìm hiểu nguồn gốc của các loại thực phẩm mà còn có thể dạy trẻ về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, giúp trẻ biết thêm nhiều loại thực phẩm mới và bớt kén ăn hơn.
Cho trẻ ăn uống lành mạnh
Mặc dù trẻ em ở các độ tuổi khác nhau cần hàm lượng chất dinh dưỡng cụ thể khác nhau để phát triển nhưng ăn uống lành mạnh là điều cần đảm bảo với trẻ ở bất kì lứa tuổi nào. Các bữa ăn nên cân đối các thực phẩm giàu protein, rau, trái cây, ngũ cốc và chất béo một cách phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh trẻ phải ở nhà suốt vì dịch Covid-19 thì việc cho trẻ ăn ba bữa ăn cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng quả là một thử thách không hề dễ dàng.
Khi quá căng thẳng hoặc mệt mỏi để nấu ăn, bạn thường hay cho trẻ ăn các thức ăn nhanh, dễ đặt hàng như pizza, mì Ý, phô mai hay gà rán. Điều đó hoàn toàn ổn nếu bạn biết cách làm tăng hàm lượng chất dinh dưỡng cho bữa ăn. Ví dụ, bổ sung trái cây hoặc rau củ thái lát cho bữa ăn, bổ sung xà lách, dưa chuột, hành tây và cà chua cho món mì Ý; hay ăn kèm gà rán với các loại rau củ tươi non như xà lách, bắp cải tím, bông cải.
Nếu bữa ăn gia đình không cân bằng như bạn mong muốn, hãy chuẩn bị thêm các loại đồ ăn nhẹ giàu dinh dưỡng, như sinh tố, trái cây, nước ép và các loại ngũ cốc. Hãy chú ý duy trì thời gian giữa các bữa ăn chính với nhau và giữa bữa chính với bữa nhẹ, điều này giúp làm giảm thói quen ăn vặt ở trẻ.
Dạy trẻ cách nấu ăn
Có thể tạo hứng thú cho trẻ với việc nấu ăn khi còn nhỏ sẽ giúp chúng duy trì kỹ năng này khi trưởng thành. Điều quan trọng hơn hết là cha mẹ cần phân công trẻ làm các công việc phù hợp với độ tuổi và khả năng, trong khi vẫn giám sát được trẻ. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo các gợi ý sau:
• Với trẻ mẫu giáo (ba đến năm tuổi), có thể cho trẻ làm các việc như giúp rửa trái cây và rau quả, nhào và khuấy bột hay cho bột vào khuôn bánh.
• Trẻ lớn hơn có thể giao các nhiệm vụ như vắt chanh, cho số lượng nguyên liệu vào cốc và thìa, đánh trứng, bóc vỏ trứng, nghiền khoai lang hoặc cắt thức ăn mềm bằng dao nhựa.
• Đối với trẻ từ 8 đến 10 tuổi, kỹ năng nấu ăn phù hợp bao gồm lên kế hoạch cho bữa ăn gia đình, tự lên danh sách nguyên liệu cho món ăn hoặc dựa theo một công thức đơn giản. Những món được gợi ý là sinh tố, sữa chua, rau trộn hay nước chấm.
• Từ 10 đến 12 tuổi, khi có thể tuân thủ các quy tắc an toàn trong bếp, nhiều trẻ đã có thể chuẩn bị các công thức nấu ăn phức tạp hơn bao gồm ớt, thịt gà, thịt viên, mì ống, nước sốt cà chua, trứng, bánh quy và bánh cupcake.
Khi trẻ tham gia vào các hoạt động nấu ăn, cần nên có sự kiên nhẫn chỉ dạy của các bậc phụ huynh. Cho nên, đó là lí do vì sao thời gian rãnh rỗi lúc này thật sự hữu ích.