Trong quá trình nuôi dạy con trai ba tuổi, Kat có sự đối chiếu với những chuẩn mực nuôi dạy con thông thường và rút ra sáu phương pháp khác biệt.

Tôi không phải chuyên gia giáo dục, cũng có lúc đúng lúc sai trong hành trình nuôi dạy con. Nhưng có một điều tôi vô cùng chắc chắn, đó là nhiều phương pháp giáo dục con cái của thế hệ ông bà, cha mẹ tôi đã lỗi thời và con cái tôi xứng đáng được nuôi dưỡng bởi những điều tốt hơn.

Từ trải nghiệm khó khăn thời thơ ấu, tôi muốn mang đến cho các con những điều tốt đẹp nhất, muốn chúng khỏe mạnh, hạnh phúc, tốt bụng, đồng cảm, yêu thương. Điều quan trọng nhất tôi hy vọng các con sẽ yêu thương bản thân, chấp nhận khuyết điểm của bản thân và có khả năng tự bảo vệ mình giữa cuộc sống đầy rẫy hiểm nguy.

Để làm được điều này, đôi khi tôi phải phá vỡ những quy tắc chuẩn mực về việc nuôi dạy trẻ, làm những điều khác thường mà tôi cho là đúng.

1. Hãy bày bừa

Mẹ tôi được dạy rằng phải luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, nếu bừa bộn thì ngay lập tức quét dọn và tôi không được phép làm bẩn ra nhà. Gần như dành cả cuộc đời để dọn dẹp nhà cửa, mẹ tôi đã nhận ra điểm tốt của sự bừa bộn.

Khi tôi sinh con trai đầu lòng, mẹ tôi dặn rằng việc dọn dẹp nhà cửa có thể để sau hẵng làm, điều quan trọng là tận hưởng những khoảng thời gian hạnh phúc bên con cái. Trẻ con lớn rất nhanh, tưởng như bạn chỉ chớp mắt một cái, con bạn đã từ đứa bé sơ sinh trở thành thanh niên cao ráo. Nếu bỏ lỡ những giây phút ấu thơ cùng con, khi chúng thỏa thích bày bừa, tôi sẽ phải hối hận.

Tôi biết mẹ đã đúng. Theo tổ chức giáo dục Goodstart Early Learning, việc bày bừa khuyến khích trẻ học hỏi và phát triển kỹ năng vận động, khả năng phối hợp, tập trung, tư duy sáng tạo và học cách chấp nhận rủi ro.

Vì vậy, tôi khuyến khích con bày bừa trong khi chơi. Không gì có thể so sánh với niềm vui, sự phấn khích trên khuôn mặt của con trai tôi khi hai mẹ con cùng sơn tường, tạo đường ray xe lửa khổng lồ hay chơi đắp cát trong nhà. Sau khi đã chơi thỏa thích, tôi và con cùng dọn dẹp. Con trai tôi sẽ chẳng bao giờ giận dỗi, buồn bã vì bị cấm bày bừa và tôi cũng có thêm trợ lý đắc lực trong việc dọn nhà cửa.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh:Shutterstock.

2. Chia sẻ nếu muốn

Tôi khuyến khích con chia sẻ với mọi người xung quanh, nhưng không ép buộc cháu phải làm vậy. Con trai tôi mới ba tuổi, việc cháu không chia sẻ với mọi người ở thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến tương lai. Cháu sẽ học về lòng bao dung, sự sẻ chia theo thời gian.

Khi còn nhỏ, tôi đã nghe lời thầy cô chia sẻ đồ dùng học tập với bạn bè. Đổi lại, các bạn thường lấy đồ của tôi mà không báo trước hoặc làm hỏng đồ của tôi. Đôi khi những bài học không diễn ra tốt đẹp trong thực tế như chúng ta tưởng. Tôi muốn con trai tin vào bản năng, tự ra quyết định. Nếu cháu cảm thấy sợ hãi khi cho một bạn nghịch ngợm mượn đồ chơi, cháu có thể nói không; hoặc ngược lại, nếu cháu tin tưởng bạn bè mình, tôi hoàn toàn ủng hộ.

3. Không cần tham gia hoạt động nhóm

Trẻ em được khuyến khích tích cực tham gia các hoạt động cùng mọi người xung quanh khi chơi trong nhóm. Nhiều em không muốn nên thường khóc và la hét. Trong một số trường hợp, cha mẹ các em ép buộc con phải nín khóc và tham gia cùng các bạn vì sợ cái nhìn, sự phán xét của những ông bố bà mẹ khác. Ngược lại, nhiều phụ huynh khi nhìn thấy các em bé không tích cực tham gia lại nhận xét rằng đứa bé đó hư, nhút nhát hay nên bị phạt.

Thời thơ ấu, tôi là đứa trẻ nhút nhát và tôi hiểu cảm giác của những em bé đó khi bị bao vây bởi ý kiến tiêu cực của người lớn. Bởi vậy, khi lớn lên, tôi không bao giờ chỉ trích hay cư xử thô lỗ với trẻ em. Nếu con trai tôi khóc hoặc do dự khi tham gia hoạt động nhóm, tôi cho phép cháu làm điều cháu cảm thấy thoải mái, không bắt con phải làm theo các bạn.

Nếu bạn bè của con tôi la khóc, tôi không nhìn chằm chằm vào các cháu, không đánh giá các cháu trong đầu hay với phụ huynh khác. Hành động này không chỉ giúp trẻ bình tĩnh mà còn thể hiện sự ủng hộ, đồng cảm, chia sẻ với những ông bố bà mẹ đang vật lộn với việc nuôi dạy con cái.

4. Không la mắng, không roi vọt

Giống người lớn, trẻ em cũng phải trải qua những ngày không suôn sẻ hoặc cảm thấy tồi tệ và cần được xả hơi. Chúng ta cũng có lúc cáu kỉnh với đồng nghiệp, tức giận với con cái. Vì vậy, liệu có công bằng không khi chúng ta trừng phạt con vì có thái độ không hợp tác?

Bình thường, con trai tôi là cậu bé ngoan ngoãn nhưng khi gặp khủng hoảng hoặc cảm thấy căng thẳng, cháu thường hét lên, òa khóc. Trong khi các bà mẹ nhìn tôi và tự hỏi sao tôi không quát mắng, tôi phớt lờ họ, ngồi xuống ôm lấy con và nói rằng: "Đừng lo lắng, mọi việc sẽ ổn thôi". Cách làm này cho thấy hiệu quả ngay tức thì vì con trai tôi ngừng khóc, bình tĩnh lại và ôm mẹ thật chặt.

Vì vậy, nếu trẻ cư xử không đúng mực, phụ huynh hãy cố gắng kiên nhẫn, giữ bình tĩnh và giải thích cho con hiểu. Đòn roi hay quát tháo sẽ chỉ khiến trẻ càng bùng nổ những ấm ức trong lòng.

5. Không phải nghe lời người lớn

Việc ôm, hôn hay bày tỏ tình cảm bằng hành động không bắt buộc trong gia đình tôi. Tôi sẽ hỏi con trai có muốn được ôm, hôn hay không, nếu cháu bảo không tôi sẽ không làm thế. Các thành viên khác trong gia đình cũng phải tôn trọng quy tắc này. Thông qua đó, tôi muốn con trai biết rằng cháu là người có tiếng nói trong gia đình, có các quyền riêng tư bất khả xâm phạm.

Cả đời tôi được bảo phải tôn trọng người lớn, phần lớn tôi đồng ý với điều này. Bạn nên tôn trọng những người lớn yêu thương, chăm sóc bạn bởi vì họ đã dành thời gian, công sức, tiền bạc hay những điều tốt nhất cho bạn. Người lớn tử tế xứng đáng được trẻ em tôn trọng, nhưng còn người lớn "xấu xí" thì sao?

Không phải tất cả người lớn đều tốt và có thể tin tưởng được. Trẻ em sẽ bị mất cảnh giác, thiếu đề phòng nếu chúng được dạy phải tôn trọng tất cả người lớn. Chúng ta dạy trẻ em phải báo với cha mẹ, giáo viên những hành vi xấu, người xấu, nhưng lại phạt chúng vì thô lỗ với những người làm trẻ sợ hãi, bất an.

Cá nhân tôi dạy con rằng tiếng nói của con vô cùng quan trọng, rằng tôi luôn lắng nghe và ở bên con dù có chuyện gì xảy ra. Nếu con kể về một người lớn có hành vi xấu hoặc làm con không thoải mái, tôi sẽ chọn bảo vệ con tôi bằng bất cứ giá nào. Cháu có thể phớt lờ, không tiếp xúc với họ hoặc không làm theo những chỉ dẫn cháu cho là sai lầm.

6. Là chính mình

Con trai tôi là một cậu bé điển hình vì thích chơi xe tải, khủng long, siêu nhân, ít quan tâm đến đồ chơi của con gái. Nhưng nếu cháu thích chơi búp bê, thích quần áo màu hồng, tôi cũng không bận tâm. Điều quan trọng là cháu có thể làm những gì mình thích và lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc.

Tôi muốn con hiểu rằng gia đình sẽ không kiểm soát cháu và luôn yêu thương con dù cháu quyết định điều gì, hay trở thành ai. Tôi không cố gắng ngăn cản con yêu thương bản thân, tận hưởng sở thích và trở thành người mà con muốn trở thành.

Nếu búp bê váy hồng diêm dúa là đồ chơi con trai tôi thích, tôi sẽ mua cho con cả bộ. Nếu con thấy thoải mái khi mặc váy, tôi sẽ đưa con đi mua sắm và chọn đồ cùng nhau. Những quy định như màu xanh dành cho bé trai, màu hồng dành cho bé gái hay những quy định con trai phải làm thế này con gái phải làm thế kia là hoàn toàn vô nghĩa. Là cha mẹ, chúng ta hãy để trẻ yêu thương và tự hào về con người thật của chúng.

Theo vnexpress