Nơi nào an toàn cho phụ nữ, trẻ em? 

Lướt dòng tin “Bắt tạm giam thầy giáo gạ tình, dâm ô nữ sinh lớp Tám ở Tiền Giang” hôm 5/4, tôi thấy thương cho các em gái nhỏ. Những bậc cha mẹ phó thác việc dạy dỗ con em vào tay giáo viên, đâu thể tưởng tượng được rằng những người bảo vệ này cũng có thể là mầm mống nguy hiểm.

Thật không may, ngày càng có nhiều trường hợp trẻ em trở thành con mồi của giáo viên qua những vụ hãm hiếp, tấn công tình dục. Đáng nói là các nạn nhân ở lứa tuổi còn khá nhỏ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trước đó không lâu, ngập tràn trên các báo là thông tin thầy giáo tiểu học ở Hà Tĩnh, ngoài thừa nhận sàm sỡ với học sinh lớp Năm, đã khai có hành vi quan hệ tình dục với một nữ sinh lớp Bảy. Thêm cả chuyện cô giáo mầm non ở Đồng Tháp bị kẻ xấu mò vào tận trường để thực hiện những hành vi khó chấp nhận.

Phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục phải gánh chịu gánh nặng của bạo lực tình dục trong xã hội. Trường học là nơi lẽ ra phải an toàn, nhưng chúng ta phải buồn bã chấp nhận rằng không có nơi nào đảm bảo an toàn cho phụ nữ, cho các bé gái.

Năm ngoái, giới học thuật cũng chứng kiến sự gia tăng các cáo buộc tấn công tình dục đối với các nam giáo sư đại học được kính trọng tại khắp các cơ sở giáo dục lớn ở cả Bắc và Nam bán cầu.

Các ví dụ từ Bắc bán cầu bao gồm trường hợp của 3 sinh viên Harvard “đã cáo buộc rằng John Comaroff đã lợi dụng vị trí, chức vụ của mình để “khai thác các học giả đầy tham vọng” bằng cách hôn và sờ soạng các sinh viên mà không có sự đồng ý của họ”.

Điều chúng ta có thể nói là: những trải nghiệm khủng khiếp đó có thể theo các em, các nạn nhân đến hết cuộc đời. Đó là bề nổi của tảng băng chìm, bởi sẽ còn nhiều chuyện tương tự nhưng chưa được khui ra.

Những con số đáng suy ngẫm

Theo Mạng lưới quốc gia về Hiếp dâm, Lạm dụng và Loạn luân - một tổ chức chống tấn công tình dục (RAINN: Rape, Abuse and Incest National Network) - khoảng 2/3 nạn nhân không tố cáo việc bị hiếp dâm. Cứ 1.000 vụ tấn công tình dục thì có khoảng 310 vụ được trình báo và 50 trong số đó dẫn đến các vụ bắt giữ. Tuy nhiên, chỉ một nửa số vụ bắt giữ dẫn đến kết án và tống giam.

Nguồn dữ liệu từ RAINN cũng khẳng định, 2 trong số những lý do mấu chốt khiến nạn nhân không trình báo là vì sợ bị trả thù hoặc cho rằng cảnh sát, cơ quan chức năng sẽ không làm gì cả.

leftcenterrightdel
 Cha mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em (ảnh minh họa)

Hậu quả của xâm hại tình dục luôn để lại những tổn thương rất lớn và lâu dài. Số liệu từ một nghiên cứu tại Mỹ do nhà nghiên cứu Broman - Fulks và các cộng sự công bố năm 2007 cho thấy: 73% trẻ em bị xâm hại tình dục sẽ không nói với ai về những gì mình trải qua trong ít nhất 1 năm; 45% trẻ sẽ không nói với ai trong 5 năm và một số trẻ khác không bao giờ tiết lộ chuyện này.

Một báo cáo do Liên hiệp quốc công bố năm 2018 đã chỉ ra rằng, phần lớn các nạn nhân bị hãm hiếp ở Đông Nam Á đều phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công lý. Một phần là do thái độ và hành vi phân biệt đối xử. Những khó khăn ấy khiến các nạn nhân cảm thấy nản lòng.

Hiếp dâm, tấn công tình dục là vấn đề đau lòng và nhức nhối của xã hội, làm cho bất cứ ai cũng cảm thấy bất an và phẫn nộ. Mọi người, đặc biệt là các nhà giáo dục, cần nâng cao nhận thức về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ an toàn cho tất cả học sinh, đặc biệt là trẻ em gái.

Ở các quốc gia phát triển, theo luật, nhà trường phải kiểm tra lý lịch toàn diện đối với nhân viên để xác định xem họ có tiền án tiền sự hay không, điều này sẽ ngăn cản anh/chị ta được thuê vào làm ở vị trí có thể tiếp xúc với trẻ em. 

Vai trò của gia đình, đặc biệt là người mẹ cũng vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ trẻ khỏi kẻ bạo hành, xâm hại. Cha mẹ nên biết rõ con mình đang ở đâu và dành thời gian cho ai. Thận trọng là bài học luôn cần thiết.

Lạm dụng trẻ em là một thực tế màu xám và buồn của thời hiện đại. Điều đáng sợ là hầu hết đều được thực hiện bởi những người quen biết với bọn trẻ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 95% các vụ lạm dụng được thực hiện bởi những người quen biết với bọn trẻ. 

Theo phụ nữ TPHCM