Có rất nhiều lý do để khoe con: con dễ thương, tiến bộ trong quá trình trưởng thành, có thành tích học tập tốt... Chia sẻ niềm vui và những bước ngoặt của con cái để ghi dấu lại, sau này có dịp cho con xem hoặc bản thân có thể ngồi ngắm hành trình con trưởng thành. Điều này có lằn ranh khá mỏng với việc muốn khoe để thể hiện.

Thạc sĩ tâm lý Phạm Đình Khanh chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về việc đăng hình, khoe con lên mạng khi kết thúc năm học 2023-2024.

Phóng viên: Theo anh, nên hay không đưa thành tích học tập của con lên mạng? Điều này lợi hại ra sao?

Thạc sĩ Phạm Đình Khanh: Chia sẻ thành tích học tập lên mạng xã hội, về lợi ích sẽ giúp động viên, khích lệ con trẻ, bởi trẻ cảm thấy tự hào khi thành tích của mình được công nhận và chia sẻ rộng rãi. Nó cũng có thể tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các bạn đồng trang lứa, từ đó thành động lực cố gắng và noi gương, nỗ lực và nỗ lực hơn nữa khi thấy bạn mình đang tốt, mình cũng muốn tốt hơn và tốt giống bạn.

Khi một đứa trẻ nhận được lời khen ngợi từ gia đình, bạn bè và xã hội, chúng cảm thấy tự hào, tiếp tục phấn đấu, có những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ đang trong độ tuổi dậy thì, khi sự công nhận từ người khác có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sự tự trọng và tự tin của trẻ.

Việc chia sẻ thành tích học tập của con đôi khi giúp tạo ra cộng đồng phụ huynh trên mạng với cùng quan điểm giáo dục, qua đó họ chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau các phương pháp giáo dục, dạy con, đồng hành cùng con... Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục con cái và tạo ra những môi trường học tập tốt trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn, chúng ta không thể xem nhẹ. Thứ nhất, việc công khai thành tích luôn tạo ra áp lực lớn cho trẻ - khiến trẻ cảm thấy chúng phải luôn đạt thành tích cao để không làm phụ huynh thất vọng. Điều này có thể dẫn đến stress và lo âu thường xuyên, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ về lâu về dài. Hiện nay, đang nổi lên vấn đề áp lực đồng trang lứa thì đây là một nguyên nhân chính yếu.

Thứ hai, việc chia sẻ thông tin cá nhân của trẻ lên mạng xã hội có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị lạm dụng thông tin hoặc bị các đối tượng xấu lợi dụng những thông tin thành tích này phục vụ một mục đích nào đó, gây ảnh hưởng cho gia đình và trẻ. Kẻ xấu có thể thu thập và sử dụng thông tin của trẻ cho các mục đích lừa đảo, mạo danh hoặc thậm chí là thực hiện các hành vi tội phạm.

Thêm vào đó, trẻ có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng như bắt nạt trực tuyến (cyberbullying). Những kẻ bắt nạt có thể sử dụng hình ảnh của trẻ để chế giễu, phê phán hoặc đe dọa, gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho trẻ.

Thứ ba, thành tích học tập được đặt quá nặng trong việc tự hào về con cái trên mạng xã hội sẽ khiến con tự ti hoặc kiêu ngạo về thành tích.

Dần dà sẽ hình thành lối nghĩ như học chỉ để khoe thay vì học để thu nạp kiến thức, kỹ năng xã hội, phục vụ cho tri thức bản thân. Đôi khi trẻ có thể gian lận trong học tập nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ, để có thể được ghi nhận, tưởng thưởng từ cha mẹ. Lâu ngày trẻ sẽ mất đi niềm vui học tập một cách tự nhiên, học vì thành tích thay vì học để hiểu và yêu thích.

Khi nhiều phụ huynh khoe thành tích học tập của con cái, tạo ra áp lực xã hội khiến phụ huynh khác cũng muốn khoe con của mình. Nhưng con mình không tốt bằng con nhà người ta sẽ dẫn đến hành động ép buộc con mình phải học nhiều hơn nữa, thậm chí có những lời mắng chửi, có hành động bạo lực, bạo hành vì thành tích không như ba mẹ mong đợi.

* Ngoài khoe thành tích, nhiều phụ huynh khoe hình đẹp của con, dùng hình con để… câu like. Điều này có tác động tiêu cực như thế nào đến trẻ, các phụ huynh khác?

- Việc dùng hình ảnh của con để câu like trên mạng xã hội có thể khiến trẻ trở thành mục tiêu bị soi mói hoặc phê phán từ người khác. Những người không thích phụ huynh có thể sẽ mỉa mai, phán xét con của phụ huynh đó thông qua các bình luận tiêu cực hoặc không phù hợp. Khi đó, phụ huynh sẽ khó chịu, bực bội, rồi “giận cá chém thớt”, trút xuống con.

Việc phụ huynh dùng hình ảnh con để câu like có thể khiến trẻ cảm thấy chúng chỉ có giá trị khi đạt được vẻ bề ngoài hoặc thành tích mà xã hội đánh giá cao. Điều này có thể tạo ra tâm lý không phù hợp, khiến trẻ chạy theo giá trị ảo và những hình ảnh cha mẹ tải lên để gây sự chú ý, được thả tim, thả like. Trẻ sẽ cảm thấy giá trị của bản thân chỉ được đo bằng số lượng thích, bình luận, chia sẻ trên mạng.

Chúng sẽ bị cuốn vào, chạy theo những giá trị ảo thay vì những giá trị thực sự bền vững liên quan tới sự cố gắng trong học tập. Thay vì cố gắng học, rèn luyện tính cách, đối nhân xử thế, trẻ sẽ chú trọng để có những bức ảnh đẹp nhất, khoảnh khắc ấn tượng nhất để đăng, được ghi nhận trên mạng, trước hết là ghi nhận từ cha mẹ.

Hơn nữa, trẻ sẽ trở nên phụ thuộc vào sự công nhận của mạng xã hội để được hạnh phúc, tự tin thay vì tìm kiếm niềm vui từ các hoạt động thực sự trong gia đình, trường học. Từ đó, tạo ra cảm giác lo âu vì những tấm hình đăng lên có được mọi người thích không… Đâu đó, chính phụ huynh cũng bị áp lực, đu trend, bắt con phải diễn để đăng lên, tạo ra một vòng xoáy áp lực, căng thẳng không cần thiết chỉ để được sự ghi nhận.

Những lời mỉa mai, phán xét về ngoại hình, thành tích có thể gây tổn thương tâm lý cho đứa trẻ trong bức hình, làm trẻ giảm tự tin nếu đọc bình luận đó. Trẻ em, nhất là độ tuổi vị thành niên, lại rất nhạy cảm với những phản hồi từ môi trường xung quanh, đặc biệt là cộng đồng mạng xã hội. Việc bị chỉ trích công khai trên mạng xã hội để lại những hệ quả không tốt về mặt tinh thần, gây ra những cơn stress cho trẻ mà ta không lường trước được.

Thạc sĩ Phạm Đình Khanh

Thạc sĩ Phạm Đình Khanh khuyên nên dành thời gian cho các giá trị thực trong đời sống thực
Thạc sĩ Phạm Đình Khanh khuyên nên dành thời gian cho các giá trị thực trong đời sống thực

* Thực sự có quá nhiều bất lợi khi “lậm” đăng hình ảnh khoe con, khoe thành tích con trên mạng. Anh có lời khuyên nào với phụ huynh?

- Phụ huynh nên tôn trọng quyền riêng tư của con - chỉ chia sẻ khi thực sự cần thiết và đã được sự đồng ý của con, đặc biệt là khi con đủ lớn, đủ hiểu tác động của việc chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Ngoài ra, phải hướng dẫn trẻ về cách sử dụng mạng an toàn và có trách nhiệm. Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng, mạng xã hội không phải là nơi để tìm kiếm sự công nhận hay tự khẳng định mình. Hãy dạy trẻ biết tôn trọng quyền riêng tư của bản thân và người khác, biết cách bảo vệ thông tin trên mạng.

Thực tế, mạng xã hội chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống, không phản ánh toàn bộ con người, giá trị của một cá nhân. Nên dạy trẻ hiểu giá trị bản thân không phụ thuộc số lượng thích hay bình luận trên mạng mà nằm ở hành động, nỗ lực, cách đối xử với người khác. Điều này giúp trẻ phát triển lành mạnh, ổn định, chuẩn bị tốt hơn cho những thử thách trong cuộc sống.

Cuối cùng, hãy tìm kiếm niềm vui và sự hài lòng từ những giá trị thực trong cuộc sống hằng ngày, trong những hoạt động trong gia đình. Thay vì tập trung vào việc khoe thành tích, mải mê với những hình ảnh, những xu hướng trên mạng, hãy dành thời gian để tạo những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa cùng con.

Lâu lâu có thể đăng lên một vài tấm hình, để kỷ niệm - năm sau nhắc lại hoặc sau này con mình lớn lên, có dịp nhớ đến. Điều này không chỉ giúp gia đình ngày càng gắn bó mà còn giúp cho con trẻ phát triển toàn diện và lành mạnh, tránh xa áp lực và tác động tiêu cực từ mạng xã hội.

* Xin cảm ơn anh.

Phụ huynh nên tạo ra môi trường phát triển lành mạnh cho con, khuyến khích trẻ học tập và phát triển vì niềm vui, yêu thích thực sự chứ không phải vì áp lực công nhận từ mạng xã hội mà tạo ra những giá trị ảo, phải gian lận, phải nói dối. Hãy nhớ rằng, giá trị của một người không nằm ở lượng like hay lời khen trên mạng mà ở những đóng góp, hành động thực tế trong cuộc sống. Phụ huynh phải hiểu được điều này và phải hướng dẫn cho con mình.

Thạc sĩ Phạm Đình Khanh

Theo phụ nữ TPHCM