Nhiều trường học hiện sử dụng phần mềm Zoom trong dạy học trực tuyến - Bảo Hân
Trên cơ sở thông tin chính thức của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các trường ĐH và sở GD-ĐT đã có khuyến cáo về việc sử dụng Zoom trong dạy học và làm việc.
Vì sao không nên dùng Zoom?
Theo đó, Trường ĐH Sài Gòn có thông báo chính thức cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom.
Theo thông báo do PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng trường này ký, trường khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức, học viên, sinh viên và học sinh không nên sử dụng phần mềm Zoom để thực hiện các buổi họp, làm việc từ xa và học trực tuyến.
Thông báo nêu rõ, không chia sẻ thông tin về phòng họp và phòng học, cần sử dụng mật khẩu phức tạp và kích hoạt chế độ xét duyệt người tham gia, quản lý tính năng chia sẻ màn hình, hạn chế lưu lại nội dung buổi họp trong trường hợp không cần thiết.
Đối với cá nhân đã sử dụng phần mềm Zoom, khi phát hiện có nguy cơ, dấu hiệu lộ, lọt thông tin cần nhanh chóng khắc phục và báo cáo nhà trường và cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Thanh Niên, đại diện nhà trường cho biết, trường ban hành thông báo này căn cứ trên cảnh báo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) về nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom.
Sở GD-ĐT Nghệ An cũng ban hành văn bản khuyến cáo tất cả các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học trên địa bàn không nên sử dụng phần mềm Zoom để tổ chức họp và học trực tuyến.
Trước đó, ngày 14.4, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) có văn bản số 250 cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom. Theo đó, Cục này khuyến cáo các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến tại đơn vị mình. Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khác cân nhắc cẩn thận khi sử dụng phần mềm họp này.
Cùng với thông báo này, Cục An toàn thông tin nêu rõ phụ lục các mã lỗi quốc tế đã được công bố đối với phần mềm Zoom. Cụ thể, phần mềm này có thể cho phép tin tặc xem được hình ảnh trong cuộc họp, chiếm được quyền quản trị cao nhất trong máy bị tấn công, truy cập camera và micro của nạn nhân trái phép…
Nên sử dụng phần mềm nào?
Cục An toàn thông tin đưa ra khuyến cáo ưu tiên lựa chọn các sản phẩm phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa do doanh nghiệp uy tín sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm trong nước cung cấp như Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, VNG, CMC… Trong văn bản này, Cục An toàn thông tin cũng khuyến cáo, người đã sử dụng phần mềm Zoom cần thực hiện ngay việc đổi mật khẩu phức tạp, tránh sử dụng chung mật khẩu với các tài khoản khác.
Trường ĐH Sài Gòn cũng nêu, ưu tiên sử dụng các phần mềm tổ chức hội họp, làm việc từ xa và học trực tuyến từ doanh nghiệp uy tín sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp uy tín trong nước sản xuất. Chú ý tải phần mềm từ nguồn chính thống, thường xuyên cập nhật phiên bản mới của phần mềm.
Hiện Trường ĐH Sài Gòn đang sử dụng hệ thống hỗ trợ giảng dạy và học trực tuyến phát triển từ mã nguồn mở Moodle và triển khai trên điện toán đám mây của CMC. Đồng thời, kết hợp với công cụ giảng dạy từ xa Google Meet theo gói công nghệ hỗ trợ giảng dạy cho các tổ chức giáo dục có tên miền edu.vn.
Còn Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An đề nghị thủ trưởng đơn vị quán triệt các cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh chỉ sử dụng một trong 2 hệ thống VNPT E-learning hoặc Viettel Study để họp, dạy học trực tuyến.
Theo thanhnien