leftcenterrightdel
 Một chương trình đặc biệt ở Hàn Quốc cho phép cha mẹ cách ly trong nhiều ngày để giúp hiểu rõ hơn về nỗi đau của con mình - Ảnh: Weixin.qq

Tại một “Nhà máy hạnh phúc” ở tỉnh Gangwon, các ông bố, bà mẹ Hàn Quốc đang cố gắng hiểu về thế giới nội tâm biệt lập của những “thanh niên sống ẩn dật” để họ có thể giúp đỡ con cái mình.

Với những người trẻ được xem là cô lập xã hội là những người thường tránh xa xã hội và dành phần lớn thời gian trong ngày để sống trong nhà, tránh giao tiếp và thường ở trong phòng ngủ.

Trải nghiệm "tự giam cầm mình" của các cha mẹ là một phần của Chương trình giáo dục cha mẹ dành cho thanh thiếu niên bị cô lập của Hàn Quốc, kéo dài 13 tuần và được điều hành bởi Trung tâm phục hồi cá voi xanh và Quỹ thanh thiếu niên Hàn Quốc.

Khi tham gia, mọi người sẽ ở trong những phòng ngủ đơn với tường trống và bị cấm sử dụng các thiết bị điện tử. Mối liên hệ duy nhất của họ với thế giới bên ngoài là một lỗ trên cửa để giao đồ ăn.

Những trợ giúp dành cho phụ huynh sẽ là các buổi nói chuyện về sức khỏe tâm thần tập trung vào gia đình, mối quan hệ cha mẹ - con cái và cách mọi người kết nối với thế giới.

Một số người tham gia cho biết họ đã bắt đầu hiểu rõ hơn về sự lo lắng và cô đơn của con mình. Jin Young-hae, một bà mẹ 50 tuổi, chia sẻ rằng con trai bà đã tự cô lập mình trong phòng ngủ suốt 3 năm.

Sau khi bỏ học đại học, anh này nhốt mình trong phòng, bắt đầu bỏ bê vệ sinh cá nhân và từ chối ăn uống. “Trái tim tôi tan vỡ,” bà nói.

Jin cho biết sau 3 ngày bị giam giữ và đọc nhật ký của những thanh niên sống ẩn dật khác, bà đã hiểu rõ hơn về cảm xúc của cậu con trai 24 tuổi của mình. "Tôi nhận ra con mình đang dùng sự im lặng để bảo vệ bản thân vì nó cảm thấy không ai hiểu mình" - Jin nói.

Những thanh thiếu niên Hàn Quốc lo lắng có thể tự nhốt mình và ở một mình trong thời gian dài. Ảnh: Weixin.qq
Những thanh thiếu niên Hàn Quốc lo lắng có thể tự nhốt mình và ở một mình trong thời gian dài. Ảnh: Weixin.qq

 

Yoo Seung-chul, giáo sư về truyền thông và xã hội học tại Đại học Phụ nữ Ewha ở Hàn Quốc, chia sẻ rằng trải nghiệm bị giam cầm về mặt tình cảm của cha mẹ là một hình thức tiếp nhận quan điểm có thể khuyến khích giao tiếp cởi mở giữa cha mẹ và con cái.

“Tuy nhiên, chương trình này vẫn cần sự hỗ trợ liên tục từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần để thực sự cải thiện xu hướng xa lánh xã hội hiện nay ở những người trẻ tuổi”, ông cho biết.

Năm ngoái, một cuộc khảo sát của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đối với 15.000 người trẻ cho thấy hơn 5% số người được hỏi đang tự cô lập mình.

Mức độ hài lòng với cuộc sống và sức khỏe tinh thần của họ thấp hơn đáng kể so với những người cùng lứa tuổi.

Kim Seonga, một nhà nghiên cứu tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho rằng thanh niên sống ẩn dật ở Hàn Quốc cũng giống như những người trong phong trào “nằm im” ở Trung Quốc. Họ là những người trẻ đã từ bỏ nỗ lực hòa nhập vào xã hội.

Nghiên cứu chỉ ra rằng thanh thiếu niên Hàn Quốc đang trở nên cô lập vì áp lực công việc, vấn đề tình cảm và nhu cầu gia đình. Kim Hye-won, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hoseo ở thành phố Cheonan cho biết giới trẻ Hàn Quốc luôn nỗ lực theo đuổi lối sống truyền thống và điều đó khiến họ mệt mỏi. "Điều này bao gồm việc tìm việc làm ở độ tuổi 20, kết hôn ở độ tuổi 30 và sinh con ở độ tuổi 40. Việc đi chệch khỏi con đường này có thể khiến họ cảm thấy vô giá trị, dẫn đến thất vọng, xấu hổ và rút lui" - giáo sư Kim nói.

Nghiên cứu cho thấy khi những người trẻ tuổi trở nên cô lập, điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến toàn xã hội. Năm ngoái, Quỹ Thanh niên Hàn Quốc ước tính rằng thiệt hại kinh tế cũng như chi phí phúc lợi và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho thanh thiếu niên sống ẩn dật có thể vượt quá 7,5 nghìn tỷ won Hàn Quốc (5,4 tỷ USD) mỗi năm.

Theo phụ nữ TPHCM