Lý giải nguyên nhân và những tác động đến tâm lý, sự phát triển của khoảng cách thế hệ đến trẻ nhỏ, bà Phan Hồ Điệp - Giám đốc học thuật NIJI Group đã có những chia sẻ.
Bà Phan Hồ Điệp
Cha mẹ có thực sự hiểu con mình?
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, vấn đề khoảng cách thế hệ luôn là một đề tài được nhắc đến nhiều. Theo chị, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?
Xã hội càng phát triển, khoảng cách thế hệ càng sâu đậm. Một cuộc sống vội vã, bận rộn, mọi người cũng hay nhìn vào “sân khấu” cuộc đời của người khác trên mạng xã hội khiến cho những áp lực trong các mối quan hệ cũng trở nên sâu sắc hơn. Vì thế bố mẹ nhiều kì vọng hơn ở con, ngược lại con cũng nhiều đòi hỏi hơn từ phía bố mẹ.
Vậy cha mẹ có thực sự khiến con càng lúc càng xa mình? Là một người mẹ đồng thời là một nhà tâm lý, chị nghĩ sao về điều này?
Cha mẹ luôn mong muốn sẽ là người bạn đồng hành với con nhưng những gì cha mẹ thể hiện đôi khi lại khiến con thấy chới với và không có mong muốn kết nối. Những cách thức giao tiếp chưa đúng, mong muốn được kiểm soát nhiều chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đứa con khi bước vào độ tuổi trưởng thành muốn rút vào thành trì cá nhân, không có nhu cầu trò chuyện với bố mẹ.
Càng mong muốn được quản lý, nắm giữ, điều hành cuộc đời con, bố mẹ càng có xu hướng bị con “đẩy” ra xa hơn.
Cha mẹ hãy là điểm tựa cho con để rút ngắn khoảng cách thế hệ (Ảnh minh họa)
Đừng là áp lực, hãy là điểm tựa
Là một chuyên gia tâm lý, chị có thể chia sẻ sâu hơn về những tác động đến tâm lý của trẻ khi rơi vào sự bất đồng thế hệ?
Có một thực tế rằng ở độ tuổi nào, trẻ cũng mong muốn được gắn kết với bố mẹ theo cách này hay cách khác. Với những đứa trẻ thiếu sự gắn kết, các em sẽ có cảm giác thiếu an toàn, mất định hướng và dễ đi tìm những mối quan hệ có tính độc hại. Trẻ cũng thường có xu hướng lặp lại những sai lầm của bố mẹ trong các mối quan hệ của bản thân.
Ngoài ra, những trẻ thiếu sự gắn kết với bố mẹ cũng thường gặp những vấn đề như trầm cảm, cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng. Trẻ cũng có thể khó khăn trong việc ra quyết định và thiếu niềm tin, hy vọng để vượt qua thử thách.
Theo chị, cha mẹ cần làm gì để đồng hành cùng con trẻ và hạn chế tối đa khoảng cách thế hệ?
Muốn rút ngắn khoảng cách thế hệ, không có cách gì khác đỏi hỏi các bậc cha mẹ hãy lùi lại một bước để điềm tĩnh quan sát, nhận diện con theo cách mà con muốn, học cách giao tiếp và là một tấm gương trong lối sống cho con. Đừng nuôi một đứa trẻ trong tưởng tượng rằng phải ngoan, phải biết nghe lời, phải học giỏi, phải đứng đầu lớp, phải nổi bật, phải tự tin mà hãy nuôi dạy, đồng hành đứa con của chính mình. Cần thấu hiểu những giai đoạn phát triển của con để có cách nói chuyện cho đúng.
Bạn cũng cần dạy con những điều cần thiết như sự đồng cảm, lòng biết ơn, cách thức ra quyết định… Vì không chỉ có bố mẹ cần hiểu con mà con cũng cần hiểu và thông cảm với bố mẹ.
Với vai trò Giám đốc học thuật NIJI Group, chị sẽ đưa vào giáo trình của mình những vấn đề gì dành cho các bậc cha mẹ và con cái?
NIJI Group là mảnh đất để mình được đặt vào đó những hạt mầm của yêu thương và mơ ước. Mình mong muốn sẽ đem đến cho bố mẹ một cách nhìn văn minh về nuôi dạy con để bố mẹ biết cách kết nối, đồng hành thực sự với con chứ không phải chạy theo để nuông chiều. Con cần hiểu về con đường tương tác hai chiều giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ đến với NIJI sẽ có được chìa khoá để mở cánh cửa tâm hồn con, giúp con được phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, giúp con tự tin là chính con. Ngoài ra, trong tinh thần khai phóng, bố mẹ cũng sẽ nhận diện được chính bản thân để hiểu mình đang có gì trong tay, phát huy hết sức thế mạnh của bản thân và từ đó không chỉ “nhàn” trong việc dạy con mà còn có được những bí kíp để khiến cho cuộc sống trở nên bình an, tốt đẹp hơn. Mỗi khoá dạy ở NIJI là một “kích thích” để bố mẹ và con cái phát triển tư duy, từ đó có sự hiểu biết một cách văn minh, khoa học và toàn diện trong mọi vấn đề.
Xin cảm ơn chị!
Theo giadinhonline.vn