Từ bé đến lớn, Minh Đạt (Q.Gò Vấp, TPHCM) luôn ngoan ngoãn, nghe lời cha mẹ răm rắp. Bố mẹ là người có vị trí trong xã hội nên đã sắp đặt luôn "tương lai" cho cậu. Thế nhưng, sau một năm được sắp xếp làm việc tại một cơ quan nhà nước, cậu đã đột ngột thay đổi và quyết tâm trở thành ca sĩ. Cậu đã phải "đấu tranh" với mẹ rất nhiều: "Mọi việc trước đây đều do mẹ sắp đặt, con chỉ có mỗi việc chấp hành. Đến bây giờ con mới có cơ hội sống cho bản thân, làm việc mình muốn làm, con sẽ không bỏ lỡ cơ hội này".
Mẹ cậu nghe xong không thể hiểu tại sao con trai mình đang từ một đứa đặc biệt ngoan ngoãn, nghe lời, bỗng chốc trở nên cứng đầu, khó bảo như vậy.
Giống như Minh Đạt, nhiều đứa trẻ cũng bị bố mẹ sắp xếp, sắp đặt mọi thứ trong cuộc sống của mình, từ việc ăn gì, mặc thế nào, chơi với ai, học trường nào, đi làm ở đâu, thậm chí kết hôn với ai… Chúng không có tiếng nói, không có quyền quyết định việc gì trong chính cuộc sống của chính mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, quá trình trưởng thành của con trẻ đúng là cần phải có sự dẫn dắt, chỉ bảo của người lớn. Thế nhưng, nếu nâng đỡ quá mức sẽ biến thành can thiệp. Rất nhiều bà mẹ trẻ, ngay từ khi con cái bắt đầu đi học đã gấp rút lên sẵn kế hoạch chặt chẽ, sắp xếp, ra lệnh, giám sát, quản thúc con từng bước đi. Khi con không làm hoặc làm không đúng những việc thuộc "kế hoạch" của mình, mẹ liền chỉ trích chúng là kém cỏi. Vẫn biết rằng, mục đích của cha mẹ là mong muốn con đỡ phải đi đường vòng nhưng họ đâu biết, hậu quả của việc can thiệp quá mức là kìm hãm khả năng độc lập lựa chọn, chính kiến của con ngay từ khi còn manh nha.
Mặc dù còn nhỏ nhưng con trẻ vẫn là cá thể độc lập, có ý thức của riêng mình. Chúng sẽ không thể chấp nhận sự can thiệp quá sâu của cha mẹ. Việc mà trẻ cảm thấy phản cảm, khó chịu là can thiệp vào việc sắp xếp thời gian của con, can thiệp vào lựa chọn các môn học năng khiếu của con, vào thẩm mỹ của con, can thiệp vào đề tài đọc của con…
Việc cha mẹ can thiệp quá sâu vào các vấn đề trong cuộc sống của con sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con, khiến con mất tự tin, trở nên khép kín, ỷ lại. Cha mẹ hay làm thay con những việc ngoài phạm vi cần thiết, thậm chí làm thay con cả việc phán đoán và lựa chọn, lâu dần đứa trẻ mất đi khả năng độc lập, quyết định.
Ngoài ra, đứa trẻ cũng trở nên thụ động, làm việc không hiệu quả. Đặc biệt, dưới sự quản thúc chặt chẽ của cha mẹ trong việc sắp xếp thời gian, đứa trẻ dần hình thành thói xấu: Cứ khi nào không có người kèm bên cạnh, chúng sẽ buông lỏng bản thân, tinh thần rời rạc, không tập trung, nhấp nhổm không yên. Đặc biệt, trẻ sẽ trở nên ngỗ ngược. Nếu gặp chuyện không hài lòng, một số đứa trẻ sẽ phản kháng ngay tại chỗ.
Để các con không gặp phải các vấn đề trên, cha mẹ không nên can thiệp quá sâu vào việc của con. Cha mẹ cần tự hỏi bản thân: Mình có áp đặt ước mơ của mình lên con hay không? Mình có lo lắng thái quá do kỳ vọng quá mức vào con hay không? Việc đặt hết kỳ vọng của cả nhà lên vai con, như thế có công bằng với con không? Con có thời gian và sức lực để thực hiện ước mơ của riêng chúng? Chúng ta muốn được đền đáp công lao nuôi nấng, dạy dỗ con cái bằng một thiên tài bất hạnh hay một người bình thường vui vẻ?
Những cha mẹ thích can thiệp quá sâu vào việc của con đều là những người quá kỳ vọng vào con mà quên con đã mất đi cuộc sống riêng của bản thân. Vấn đề căn bản nhất của cha mẹ là không hiểu rõ "con trẻ cuối cùng phải có cuộc sống riêng của chúng". Vì vậy, song song với việc nuôi dưỡng giáo dục con cái, các bậc làm cha mẹ cũng cần phải chăm lo cho sự nghiệp, ước mơ và các mối quan hệ của riêng mình. Đó cũng là một trong những phương pháp có hiệu quả để tránh can thiệp quá sâu vào việc của con.
Nga Thanh