Từ sau Dòng máu anh hùng, công chúng đã được chứng kiến hàng loạt các tác phẩm điện ảnh đa màu và ý nghĩa mà Charlie Nguyễn mang đến cho làng điện ảnh Việt Nam.
"Chiếc máy ảnh 8 ly cũ kỹ là sự va chạm đầu tiên của tôi với điện ảnh"
Thời điểm chính thức mà Charlie Nguyễn bén duyên với con đường làm phim là lúc anh xin được một chiếc máy quay 8 ly cũ từ nhà kho của một người bạn.
Anh và em trai của mình - Johnny Trí Nguyễn cùng nhau tập tành thực hiện những phân đoạn quay ngắn - hoàn toàn ngẫu nhiên và không theo một kịch bản cố định nào.
Sau đó, anh có cơ hội cộng tác trong các MV hải ngoại cùng nhiều tiểu phẩm hài ngắn. Tuy gắn bó không lâu nhưng những cơ hội ấy đã thôi thúc và phát triển trong anh khả năng kể chuyện bằng hình ảnh và đưa anh đến bộ phim đầu tay - "Thời Hùng Vương 18".
Lúc đó anh phải tự dành dụm tiền để làm mọi thứ, rồi vất vả quay xong thì cũng cất vào một chỗ chứ cũng chẳng trình chiếu cho ai xem, một phần vì ngại, phần vì anh chưa từng nghĩ đến ý định đó.
Kể từ bộ phim ấy, anh quyết định dành nhiều thời gian hơn cho điện ảnh và niềm đam mê kể chuyện. Trong 6 năm liên tiếp, anh đã phải "vật lộn" khá nhiều trong sự cô đơn và trong chính thế giới với những nhân vật mà mình tự nghĩ ra.
Anh cứ viết kịch bản rồi để đó, lại viết rồi lại để đó bởi điều kiện lúc bấy giờ không cho phép anh làm gì khác hơn việc trăn trở trong những câu chuyện của mình.
Khoảng thời gian 6 năm này chính là cột mốc đáng nhớ trong con đường làm điện ảnh của anh. Vì đó là sự cô đơn tột cùng, là những lạc lõng của một người có đam mê nhưng lại không biết phải làm gì với niềm đam mê của mình.
Nhưng ngày hôm nay, khi nhìn lại 6 năm đầy khó khăn, anh lại thấy tự hào vì mình đã không bỏ cuộc mà từ bỏ đam mê. Thậm chí, nó còn tiếp thêm cho anh năng lượng tích cực để có thể thăng hoa trong những sản phẩm sau này.
"Charlie, one shot at a time!"
Đó là câu nói mà anh liên tục nhắc nhở chính mình trong suốt quá trình thực hiện bộ phim đã đưa cái tên Charlie Nguyễn vào hàng ngũ "tứ hoàng" của làng đạo diễn Việt Nam - Dòng máu anh hùng.
Thời điểm đó, các nhà phân phối phim tư nhân chưa phổ biến, việc tiếp cận với khán giả trong nước là vô cùng khó khăn.
Đối với một ekip còn non trẻ, thậm chí là vừa từ nước ngoài về, bộ phim đích thực là một thử thách từ đầu đến cuối. Không rõ tình hình, đường đi nước bước, mối quan hệ cũng chẳng có nhiều, tất cả bắt đầu từ con số 0.
Tài chính hạn hẹp, để tiết kiệm kinh phí tối đa, cả đoàn phim chấp nhận không lấy thù lao, coi như làm cho đã cái đam mê. Chưa kể khi đó, đạo cụ chất lượng hầu như không có, thuốc súng, đạn dược tại Việt Nam lại vô cùng khan hiếm. Ngoài ra, những trở ngại về mặt chuyên môn lại tiếp tục làm khó anh không ít.
Và cả đoàn phim mấy trăm con người cứ thế cuốn đi liên tục, cùng với sự hoang mang mỗi lúc một nhiều. Những lúc đó, anh chỉ biết tự nhủ với mình: "Charlie, one shot at a time", tập trung cho cảnh quay này trước đã, còn lại tính sau.
Cứ thế, phân đoạn này đến phân đoạn khác hoàn thiện, năng lượng tích cực đúng thời điểm đã cho anh đủ vững tin để cố gắng đến ngày Dòng máu anh hùng ra đời và vụt sáng.
Những ngày tháng hết mình đó, nhiều lần anh đã từng nghĩ đến ý định bỏ cuộc. Nhưng việc nhìn lại những "ngọn núi" mình từng vượt qua đã giúp anh bước tiếp ở những dự án, cơ hội lần sau.
"Sự tích cực là sức mạnh của người đạo diễn"
"Nhìn lại Dòng máu anh hùng, chừng đó khó khăn trở ngại mà anh và ekip còn vượt qua được, thì sẽ không có một thử thách nào có thể khiến mình chùn bước". Với suy nghĩ và nguồn năng lượng tích cực đó, Để mai tính, Bụi đời Chợ Lớn, Em chưa 18... lần lượt ra đời, mỗi tác phẩm đều đánh dấu sự trưởng thành từng ngày và khát vọng cống hiến của Charlie Nguyễn.
Làm phim thực chất cũng là một cuộc đầu tư, bất kì ai khi đã bắt đầu đều hướng đến đích thành công, nhưng đôi khi họ lại quên mất rằng, thất bại cũng sở hữu những sức mạnh riêng của nó.
Nhìn lại hành trình của bản thân, thành công hay thất bại đều có đủ, nhưng Charlie Nguyễn chưa từng hoài nghi hay hối hận về bất kỳ quyết định nào của bản thân.
Anh biết tự nhận thức rõ sức ảnh hưởng của mình đến những người cộng sự. "Làm phim vốn đã gian nan lắm rồi, mình càng không được tiêu cực, mình phải là người nhìn ra ánh sáng từ những bế tắc và dẫn dắt cho cả đoàn.
Muốn lèo lái đoàn phim đi thật xa, người đạo diễn hay nhà sản xuất ngoài óc thực tế còn phải vững tinh thần lạc quan bởi năng lượng tích cực chính là sức mạnh của một người đầu tàu."
"Dù có chọn con đường nào đi nữa cũng phải tin vào sức mạnh của bản thân. Suy nghĩ ít lại và hành động nhiều hơn, bằng tất cả đam mê, sự tích cực và những gì minh có dù là nhỏ nhất.
Hãy thẳng thắn và tự hỏi bản thân, liệu mình đã sẵn sàng trả giá cho chặng đường phía trước chưa? Nếu rồi thì thực hiện đi!"
Theo tuoitre