2 chị em con thần tượng một nhóm nhạc của Hàn Quốc nhưng ba con thì không hiểu về nhóm nhạc này. Ba mắng tụi con “chỉ thích những điều nhảm nhí”, “không lo học, chỉ mải đu thần tượng”…

Tụi con thất vọng vì cảm thấy ba không thông cảm với con cái. 3 cha con không ai chịu hiểu ai trong chuyện này.

Chuyện giới trẻ thần tượng một ai đó có phải là điều tốt? Nó có tác động như thế nào tới quá trình hình thành nhân cách, lối sống, suy nghĩ của tụi con? Khi nào thì việc này dẫn tới các tác động không tốt ạ?

Một nữ sinh lớp Chín giấu tên (Phan Thiết, Bình Thuận)
leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngưỡng mộ một tài năng nào đó, chẳng hạn các nhà khoa học, những trí thức lớn có tinh thần vượt khó hoặc các bạn học sinh đoạt giải thưởng quốc tế, yêu mến họ và lấy đó làm nguồn cảm hứng để học tập, rèn luyện, theo đuổi mục đích của chính mình là điều rất tốt đẹp.

Nếu thần tượng các ngôi sao ca nhạc, diễn viên điện ảnh hay ngôi sao bóng đá thì cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng, mê muội thần tượng đến mức “khóc thét”, “ngất xỉu”, “hôn lên ghế ngồi của thần tượng” theo kiểu bầy đàn, la hét ồn ào nhưng không có mục đích hay lý tưởng sống thì e rằng… có vấn đề về thần kinh hoặc chưa trưởng thành về cảm xúc.

Một số gia đình có con cái là “fan cuồng” của một cá nhân/nhóm nào đó, ba mẹ phê bình mà rốt cuộc cũng không cấm đoán được. Nếu ba mẹ có thắng thì cũng sứt mẻ tình thân. Vậy thì coi như cả nhà cùng thua: con thì khổ sở vì bị tước quyền tự do, ba mẹ thì ức chế vì có cấm cũng không được, cả nhà bị đẩy sang 2 chiến tuyến chỉ vì cái ban nhạc ở tận đẩu tận đâu!

Thần tượng ai đó là điều thú vị nếu đó là người có tầm ảnh hưởng tốt. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ngày nay chỉ thần tượng các ca sĩ, diễn viên trẻ tuổi, hào nhoáng, xinh đẹp, được truyền thông thổi phồng các giá trị, nhất là khi các nghệ sĩ đó chưa ý thức được mình đang là thần tượng của những đứa trẻ 13, 14 tuổi để mà sống tử tế và có ý nghĩa.

Bác sĩ Hoa Tiêu từng chứng kiến một số học sinh cấp II sẵn sàng đập “heo đất” nuôi mấy năm liền chỉ để săn 1 vé tham gia đêm nhạc của nhóm nhạc mình yêu thích, được nhìn thấy thần tượng bằng xương bằng thịt là đã thỏa mãn lắm rồi. Nhiều học sinh cấp III thức đêm cày view cho thần tượng mỗi khi họ ra bài hát mới; sẵn sàng lao vào các cuộc tranh cãi không có hồi kết trên mạng khi các hội nhóm đấu khẩu với nhau; tự xem mình đã là người hâm mộ thì phải có trách nhiệm hỗ trợ, bảo vệ thần tượng của mình; cho rằng phải thế này thế kia mới là người hâm mộ đích thực.

Chắc cháu còn nhớ vụ những người hâm mộ Blackpink chi hàng chục triệu đồng để đổ về một khách sạn lớn tại Hà Nội nhằm gặp gỡ thần tượng; nhiều người la khóc, rên rỉ, quằn quại và ngã lăn ra bất tỉnh khi nhìn thấy thần tượng. Ban nhạc Super Junior (Hàn Quốc) cũng từng “kéo” hàng ngàn người ra sân bay Nội Bài, gần 50.000 người hội tụ tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội.

Sự kiện ban nhạc Big Bang (Hàn Quốc) gây chấn động ở sân vận động Phú Thọ - TPHCM cũng bởi có hàng chục người ngất xỉu. 5 chàng trai của ban nhạc đồng thanh nói: “Vietnam, I love you baby!” khiến nhiều người hâm mộ khóc thét lên vì sung sướng.

Bởi thế, nhiều bậc phụ huynh e ngại rằng lỡ con mình thành fan cuồng thì sao, lỡ con giống một số bạn bè cùng trang lứa khóc ngất/hôn ghế khi gặp thần tượng hay vì thần tượng mà dại dột làm những việc xấu thì sao.

Cách để 3 cha con cháu về cùng 1 đội là chị em cháu hãy làm những điều để ba có thiện cảm với thú vui của con cái. Trước tiên, không chểnh mảng việc học văn hóa, việc nhà hay cả việc rèn luyện thể chất. Chẳng hạn biến chuyện thần tượng nhóm nhạc Hàn Quốc thành động lực để nghiêm túc học ngôn ngữ Hàn đến nơi đến chốn, trở thành những “chuyên gia nhí” về văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, dịch và giới thiệu được những tác phẩm thiếu nhi từ xứ sở kim chi… Nếu các cháu làm được như vậy, ba sẽ thấy chị em cháu có lý.

Theo phụ nữ TPHCM