Người yêu cháu không đòi tặng hoa, quà mỗi dịp lễ tết nhưng hễ gặp ai có hoàn cảnh khó khăn đều bảo cháu đưa tiền để giúp người ta. Những đồng tiền gia đình gửi cho cháu sinh hoạt hằng tháng, những món thù lao ít ỏi cháu làm gia sư đều tiêu tan theo ánh mắt rưng rưng của cô ấy trước những người ăn xin/bán hàng rong…
Ban đầu, cháu cảm phục, xúc động trước người con gái giàu lòng trắc ẩn. Càng về sau cháu càng cảm thấy áp lực, khó chịu với cái kiểu “mượn hoa cúng Phật” của cô ấy. Nói thật, có người cô ấy bảo cháu cho tiền còn chưa khổ bằng cha mẹ cháu đang làm nông ở quê nhà…
Một sinh viên năm nhất (Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chuyện kể rằng có bạn “học sinh nghèo vượt khó” nỗ lực phấn đấu để giành được giải nhất trong một cuộc thi. Với số tiền thưởng đó, bạn có thể trang trải sinh hoạt phí nửa năm trời.
Vậy mà, vì lòng trắc ẩn, bạn sẵn sàng tặng phần lớn khoản tiền thưởng cho một bà mẹ để cứu đứa con của bà bị bệnh sắp chết. Một người bạn hay tin liền vạch trần sự thật rằng bà mẹ kia chẳng có đứa con bị bệnh nào cả và nhiều người đã bị lừa. Người học trò nghèo ngẩn người ra nhưng vẫn mỉm cười: “Thế thì chúng ta nên mừng vì không có đứa bé nào sắp phải chết và số tiền của tôi khiến kẻ ấy khoan đi lừa những người khốn khổ khác”.
Nhiều người biết chuyện nói rằng phép màu chỉ có trong cổ tích và lòng thương xót không có chỗ trong đời thực; đừng ngây ngô như cô Tấm bị “dụ” hết lần này đến lần khác mà phải đủ trí khôn để thấy rõ ai là người cùng khổ thực sự, ai là giả vờ hoặc lười lao động.
- Cháu cứ khích lệ người yêu phát huy lòng nhân hậu của mình vì việc cho đi khiến cô ấy vui và biết đâu trong số những người ấy có người thực sự cần được cứu giúp. Nếu việc thỉnh thoảng giúp đỡ những người nghèo không làm các cháu khánh kiệt thì cứ để cô ấy tiếp tục, chỉ cần để ý xem lòng tốt có bị lợi dụng quá đáng không.
Tốt nhất là hướng cô ấy vào các hoạt động bác ái thay vì bố thí tiền ngoài đường phố (dành sách vở, đồ chơi tặng trẻ nghèo, đến cô nhi viện, trường khiếm thị, làng SOS làm thiện nguyện…). Cô ấy sẽ thấy việc chia sẻ niềm vui, đóng góp công sức và khả năng cho những người kém may mắn thiết thực hơn cách làm cũ của mình.
- Cháu lựa lời nói với người yêu rằng tiền cô ấy “làm phúc” là công sức lao động của cha mẹ cháu và của chính cháu. Khoản tiền ấy trước tiên phải dành chi trả học phí, các khoản tiền chợ, tiền điện nước… Nếu muốn làm “nhà từ thiện” thì đợi đến khi tự tay làm ra đồng tiền sẽ có toàn quyền quyết định. Còn hiện giờ đang là sinh viên sống trong sự bao bọc của gia đình, cần tôn trọng tiền do cha mẹ làm ra, muốn chi dùng vào việc khác nên hỏi ý cha mẹ.
- Khuyên cô ấy tốt bụng không phải để được khen hoặc mong được trả ơn nhưng phải cảnh giác và biết giữ mình. Dân gian Việt Nam đã đúc kết một kinh nghiệm đáng buồn: “Cứu vật, vật trả ân/ Cứu nhân, nhân trả oán”, “Làm phúc phải tội”, vì thế, lòng tốt phải đi kèm óc suy xét.
Đã có những tình huống đau lòng: chỉ vì thương người nhưng bồng bột, cả tin mà gặp họa. Chẳng hạn có thiếu nữ thấy em bé đứng khóc trong công viên, lại gần hỏi han thì được em bé nhờ đưa về nhà. Cô gái lần theo địa chỉ tìm thấy trong ba lô của em bé, vừa gõ cửa thì bị một lũ “đầu trâu mặt ngựa” xông ra chửi mắng, kéo tụt vào nhà rồi đưa đi đâu không rõ. Thì ra kẻ xấu đã dùng “mồi nhử” để đánh vào lòng trắc ẩn của nạn nhân.
Dặn cô ấy tuyệt đối tránh “cầm hộ”, “mang giùm” hành lý của người lạ ở sân bay bởi rất có thể trong đó chứa hàng cấm (ma túy, chất nổ…).
Đừng lo, các nhân viên hàng không sẵn sàng giúp đỡ những người thực sự cần.
Tin rằng sau này người yêu cháu sẽ trưởng thành để biết đặt lòng tốt đúng chỗ.
Theo phụ nữ TPHCM