Cha mẹ cháu ly hôn. Tòa án chia cho cha cháu ngôi nhà đang ở và được nuôi cháu; mẹ cháu nhận 1 phần giá trị của ngôi nhà quy thành tiền và phải rời đi.
Sau đó, cha cháu nhanh chóng có vợ mới và sinh liền 2 em. Mẹ kế không bạc đãi cháu, chỉ là không bao giờ để mắt đến cháu, từ ăn uống, đồ chơi đến bài vở, học hành. Khi gia đình đi đâu, cha dắt tay 1 em, dì ẵm 1 em, còn cháu lủi thủi đi đằng sau. Mẹ cháu cũng đã có chồng và mới sinh em bé.
Hôm qua, 2 đứa em cháu vật nhau, tự ngã, chảy máu. Dì không rõ đúng sai, lao vào chửi mắng cháu xô ngã các em, đúng lúc cha cháu đi làm về, giận quá cũng giáng cho cháu mấy cái tát. Cháu buồn quá, xách ba lô quần áo bỏ sang nhà bà ngoại nhưng bà lại gọi điện cho cha cháu sang đón cháu về.
Cháu nghe rõ tiếng cha trong điện thoại: “Bà nói nó có chân đi thì tự về”. Bà tiễn cháu ra cửa, cháu không về nhà mà đến nhà nghỉ thuê phòng rồi nằm khóc. Chẳng ai cần cháu nữa, cháu chẳng có nơi nào để về. Cháu định sẽ bỏ học, bỏ nhà, đi bụi.
Một nam sinh lớp Chín giấu tên (TPHCM)
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Gần đây, chuyện trẻ vị thành niên bỏ nhà đi bụi đã được báo động trên truyền thông. Nó để lại những tổn thất tinh thần cho nạn nhân, những người liên quan, đặc biệt là cha mẹ, anh chị em. Có vài lý do đẩy một đứa trẻ vào cảnh “thoát ly gia đình”:
- Sợ cha mẹ trừng phạt vì mắc lỗi (nói dối, thi rớt, làm mất/trộm tiền…).
- Gia đình thiếu quan tâm khiến con cái cảm thấy chán chường, bế tắc, ngột ngạt, muốn tìm lối thoát.
- Cha mẹ bất hòa, lạnh nhạt, ly hôn, mỗi người tìm đến hạnh phúc riêng khiến trẻ cô đơn, lạc lõng, cảm giác mình là người thừa, cha mẹ không cần mình.
- Được quan tâm quá mức đến nỗi gây cảm giác mất tự do, muốn… phá vây.
- Bị bạn xấu lôi kéo.
- Muốn “nắn gân”/ra yêu sách với phụ huynh…
Lúc “dứt áo ra đi”, trẻ thường bốc đồng, thiếu sự chuẩn bị về vật chất lẫn tâm lý; mường tượng mọi việc rất đơn giản dù trước nay chưa từng tự lo cho mình.
Cháu thử hình dung chuyện gì có thể xảy ra khi cháu bỏ nhà đi bụi:
- Bơ vơ, lạc lõng, không còn được vui chơi học hành. Thời gian đầu, cháu sống bằng chút tiền mang theo. Khi đã cạn túi, việc mỗi ngày “ăn gì, ngủ đâu” trở nên khó khăn, đành tặc lưỡi “sống đâu là nhà, ngả đâu là giường”, bị đói rét phải đi xin ăn, vật vờ lang thang, dễ bị kẻ xấu dụ dỗ.
- Cảm thấy bi quan, chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống, nhiều khi muốn giải thoát/chấm dứt bằng cách tiêu cực.
- Trở thành đối tượng chú ý của những cá nhân, tổ chức có ý định xấu. Họ lôi kéo cháu sa vào cạm bẫy buôn người, mại dâm. Chịu sự khống chế của những kẻ đó, cháu sẽ bị vùi dập tuổi xanh, có nguy cơ mắc các bệnh xã hội; bị lệ thuộc, sai khiến, xâm hại, bạo hành, lừa đảo, giết…
- Cuộc sống bấp bênh, không nhà cửa, không người thân biến cháu thành kẻ lạnh lùng vô cảm, thậm chí độc ác, sẵn sàng làm những việc phạm pháp, chối bỏ tình ruột thịt.
Nhìn bức tranh tương lai “lành ít, dữ nhiều” ấy, ngay lúc này, cháu cần bình tĩnh. Điều cháu muốn làm trong lúc tức giận chắc chắn không đúng với thực tế và mong muốn của cháu.
Cháu nên xác định:
1/ Đừng để hành động chạy trốn khi đứng trước khó khăn trở thành thói quen. Hãy vững vàng đối diện với những khúc cua “gắt” trong nội tâm, quan hệ gia đình, học hành thi cử…
2/ Cháu nên mời một “sứ giả” là người thân thiết, tin cậy của gia đình để họ thuyết phục cha/mẹ cháu lắng nghe tâm tư của cháu đồng thời là “trọng tài” để 2 bên nhận ra thiếu sót của mình và xin lỗi nhau.
3/ Cháu có thể đề đạt nguyện vọng với cha mẹ: cho cháu học trường nội trú để giảm các va chạm trong gia đình. Nếu cháu muốn tự lập sớm, có thể thi vào trường dạy nghề để được học văn hóa, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.
Người Do Thái có câu: “Luôn luôn nhìn vào mặt tươi sáng của sự vật. Nếu không thấy, hãy đánh bóng cho đến khi nó tỏa sáng”. Hãy nhớ cháu có cha mẹ ruột, có những đứa em chung nửa dòng máu với cháu. Nhiều người bỏ nhà đi bụi, sau hàng chục năm khắc khoải tìm về gia đình đang ước được trở về điểm dừng của cháu lúc này đấy.
Theo phụ nữ TPHCM