Từ nhỏ, gia đình đã đặt mục tiêu cho 3 anh em con phải đi du học. Thế nên, chúng con đều phấn đấu lần lượt vào học trường chuyên của tỉnh. Ngoài việc tự giác học, chúng con còn rèn luyện thể lực như chơi bóng rổ, bơi, đạp xe, tự lo cho bản thân (đặt báo thức giờ giấc sinh hoạt, luộc trứng và nấu mì gói ăn sáng từ năm lớp Một)…
Xin chỉ cho chúng con những “chiêu” cần thiết để tự tin sống xa gia đình trong nay mai.
Trịnh Ngọc B.
(TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Du học sinh Việt Nam thường gặp phải rào cản ngôn ngữ và văn hóa; lúng túng khi tiếp xúc với các phương pháp giảng dạy và mô hình học tập hiện đại; đối mặt với sự cô đơn và khó khăn về tâm lý; thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề/ứng phó với thất bại/ứng xử và nhiều kỹ năng khác để sống tự lập nơi xứ người. Các nhà chuyên môn gọi đó là sốc văn hóa.
Nhiều học sinh có kết quả học tập tốt ở trong nước và có một hồ sơ du học đẹp lung linh nhưng vẫn cảm thấy bị quá tải và đuối sức khi tự “bơi” ở xứ người.
Để bình tĩnh trước sóng cả, cháu cần có bước khởi động thật tốt:
- Quản lý thời gian hiệu quả
Làm chủ thời gian bằng cách phân bố hợp lý, tập trung học, tránh lan man, ôm đồm. Học cái gì là chắc cái đó để không bị mất thêm thời gian cho việc phải học lại hay mỏi mắt tìm kiến thức cũ cho những cái hiện thời mình đang học hành hay ôn luyện.
- Đừng xem tiếng Anh như ngoại ngữ
Hãy coi đó là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ, nghĩa là tiếng Anh được sử dụng để giao tiếp hằng ngày. Lựa chọn cách phát âm nào mình yêu thích (nhiều thầy cô khuyên học trò chọn Anh - Mỹ từ thực tiễn cá nhân đã trải nghiệm) từ đó có thể mở rộng hiểu biết thêm cách phát âm tiếng Anh của các vùng miền: Úc, Canada, Singapore...
Tài liệu học tiếng Anh rất nhiều, hãy chọn loại nào đáp ứng nhu cầu mình đang cần. Phương pháp học phù hợp và kiên trì với lựa chọn của mình sẽ giúp cháu không bị rơi vào cảnh “đứng núi này trông núi nọ” hay “đẽo cày giữa đường”, rút ngắn thời gian, tiết kiệm tiền bạc và công sức.
- Nâng cao các phẩm chất
Cháu cần trau dồi khả năng tự học, tự khám phá, biết phương pháp nhớ và tư duy hiệu quả. Quyết tâm theo đuổi mục tiêu; giàu lòng tốt và biết chia sẻ; thật thà và kiên định với niềm tin; chăm chỉ và cẩn thận.
Từ những phẩm chất đó mới tạo ra được kết quả học tập có tính bền vững.
- Tôn trọng các ranh giới trong mối quan hệ
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Đây là điều quan trọng của mọi mối quan hệ từ gần gũi thân mật đến phép tắc xã giao thông thường, là những giới hạn về mặt thể chất (cơ thể), cảm xúc, tình dục và cả tinh thần mà chúng ta đặt ra để tự bảo vệ mình khỏi việc bị kiểm soát, thao túng, lạm dụng hay lợi dụng trong mối quan hệ đó.
- Biết chăm sóc bản thân
Tự lo cho mình (tắm giặt, ủi quần áo, ăn uống, đi chợ, mua sắm…) từ các khoản chi tiêu sao cho không bị “cháy túi” đến biết thuốc men khi đau ốm để có được tư thế và hình ảnh tươm tất, đàng hoàng khi hòa mình vào đời sống văn minh của các bạn quốc tế cùng trang lứa. Tránh mọi hình thức của sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc.
Ngạn ngữ Nhật Bản có câu: “Nếu quyết định chỉ đi theo hành trình của bản thân, bạn sẽ cô độc trên hàng ngàn cây số”. Nếu không có được mối quan hệ và tương tác bạn bè một cách thân thiện và phong phú ở ngôi trường sắp theo học, cháu sẽ mất cơ hội hiểu biết thêm về văn hóa và trở thành công dân toàn cầu.
Theo phụ nữ TPHCM