Rớt nước mắt khi chạy theo… lý thuyết

Vợ chồng chị Hạnh Thúy, nhà ở TP Cần Thơ, vốn là du học sinh nên có tư tưởng rất cấp tiến. Khi sinh con, 2 người thống nhất sẽ áp dụng các biện pháp hiện đại, khoa học - từ cách cho ăn, cho ngủ, tới cách ứng xử, dạy dỗ con, nhất là không được dùng đòn roi, bạo lực, mắng nhiếc con.

Tư tưởng đó được anh chị “quán triệt” cho cả gia đình bên nội - ngoại. Từ nhỏ, bé Tin luôn được cả nhà nâng niu, cưng nựng, nói lời ngọt ngào và chưa từng bị la mắng.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Có lẽ vì thế mà thằng bé rất thoải mái, tự tin, muốn gì được nấy, đòi gì là đòi cho bằng được. Người nhà, họ hàng thấy chị Thúy chiều con như vậy nên cũng ngại đụng chạm, hễ Tin tranh giành đồ chơi với anh chị em họ thì sẽ luôn được xử phần thắng. Đến tuổi đi học, Tin cũng thường xuyên giành bánh kẹo, đồ chơi với bạn. Cô giáo vừa nhắc nhở là cu cậu liền giở vũ khí vạn năng của mình: khóc.

Ở nhà, chỉ cần thấy Tin rơm rớm nước mắt là ba mẹ đã phát hoảng, nhanh chóng thỏa mãn mọi yêu cầu. Chị Hạnh Thúy than: “Đi học mới có mấy ngày mà cô giáo đã mắng vốn mấy lần. Tôi muốn dạy con không đòn roi, không nước mắt - trong sách nói phương pháp này có nhiều lợi ích - nhưng thực tế thằng bé ngày càng ương ngạnh, khó bảo. Nhiều lúc tức muốn rớt nước mắt với nó”.

Anh Tiến Toàn - ngụ tỉnh Vĩnh Long - cũng hết sức mệt mỏi vì vợ anh là “tín đồ” của phương pháp dạy con không nước mắt. Chị cương quyết không cho anh đánh, la rầy hay phạt con, dù đó là hình phạt rất đơn giản như úp mặt vào tường, dọn dẹp bàn học. “Cô ấy nói, chỉ cần trò chuyện, giải thích là con sẽ hiểu; nhưng thực tế, chúng tôi nói chuyện, giải thích nhiều lần con vẫn chứng nào tật nấy” - anh ngán ngẩm.

Thuộc thế hệ 9X, chị T.N. (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng lý tưởng hóa việc nuôi dạy con. Chị hào hứng tìm đọc, theo học những khóa dạy con theo phương pháp mới rồi áp dụng cho con mình. Thế nhưng sau một thời gian, chị vỡ lẽ “thực tế là chuyện rất khác” khiến vợ chồng chị rất đau đầu. Chị nói: “Trẻ con giờ rất thông minh. Chúng quan sát và để ý thái độ của từng người. Ai thương, ai ghét, ai chiều chuộng ra sao chúng đều ghi nhớ. Khi không vừa ý điều gì, chúng sẽ chạy tới người nào hay cưng chiều để xin quyền trợ giúp”.

Theo nhiều bậc cha mẹ, trong gia đình, ông bà thường chiều chuộng, cốt sao cháu không khóc. Biết “điểm yếu” đó, trẻ thường lợi dụng để có thứ mình muốn. Mỗi năm, cứ sau đợt nghỉ hè, được về quê với ông bà là y như rằng trẻ được cưng chiều hết mức. Hết 3 tháng hè, khi trẻ trở lại thành phố nhập học thì cha mẹ lại phải vất vả uốn nắn, đưa vào khuôn khổ.

Phân biệt giữa tôn trọng con và chiều con mù quáng

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền - cố vấn chương trình mầm non và phổ thông cho các trường ngoài công lập tại Việt Nam - cho biết: “Dạy con không nước mắt”, “dạy con không đòn roi” hay “kỷ luật từ trái tim” đều là những từ ngữ để chỉ việc hướng đến kỷ luật tích cực, giáo dục qua phương thức tự chủ, tự giác, tuân thủ những nguyên tắc đã được đặt ra trong gia đình hoặc trong các mối quan hệ sinh hoạt… của trẻ mà không sử dụng đòn roi hoặc những lời la mắng khiến trẻ tổn thương.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Theo tiến sĩ Thu Huyền, ngày nay có rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm thực hành phương pháp này trên nguyên tắc tôn trọng con, lắng nghe ý kiến và cho con tham gia các vấn đề chung của gia đình cũng như để trẻ đưa ra những quyết định. Đây là sự tôn trọng trẻ rất chính đáng.

Tuy nhiên, khi áp dụng, một số phụ huynh chưa thực hiện đúng các nguyên tắc giáo dục cũng như nguyên tắc thực hành kỷ luật tích cực. Điều đó dẫn đến việc phụ huynh tôn trọng thái quá quyền tự quyết của trẻ, trong khi trẻ chưa đủ lớn để nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này khiến trẻ lạm dụng quyền lực khi được cha mẹ trao, rồi đưa ra quyết định và lựa chọn không chính đáng, thậm chí có khi quyết định đó gây rủi ro cho người khác.

Tiến sĩ Thu Huyền nhấn mạnh: “Chính vì các bậc phụ huynh không thực hành đúng những nguyên tắc giáo dục nên ranh giới giữa tôn trọng và chiều con không được bảo vệ. Suy cho cùng, việc tôn trọng trẻ là chúng ta cho trẻ được có ý kiến riêng, trao quyền để trẻ đưa ra quyết định. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, trẻ chưa là người trưởng thành, chưa hiểu biết sâu, chưa nhận thức rõ nên chưa thể đưa ra những quyết định khôn ngoan.

Bởi thế, trẻ cần có sự hướng dẫn, gợi ý của người lớn để đưa ra quyết định không ảnh hưởng đến người khác, đến môi trường sống xung quanh. Đó là nguyên tắc quan trọng nhất để tránh việc chiều con một cách mù quáng”.

Theo phụ nữ TPHCM