Con học năm cuối phổ thông, thần tượng 1 thầy giáo trong trường. Thầy dạy giỏi, lịch thiệp, đầy năng lượng và rất… đẹp trai. Săn lùng được tài khoản mạng xã hội của thầy (chỉ dùng để tương tác với nhóm bạn thời sinh viên), con liền lập 1 tài khoản, vờ như mình từng học cùng trường đại học.

Được thầy “kết bạn” cũng là lúc con sốc ngơ ngẩn cả người. Cứ ngỡ đây là kênh giáo dục để thầy thể hiện thái độ, quan điểm, hành vi trong các mối quan hệ bên ngoài trường lớp (với gia đình/bạn bè/mọi người trên không gian mạng) từ vui chơi, giải trí đến tình yêu, ước vọng.

Ai ngờ cách đối nhân xử thế của thầy chẳng tương xứng với những gì đã giảng trên lớp và thể hiện ở đời thực. Không ngờ người thầy chuẩn mực, hay giảng đạo đức lại văng tục với bạn bè, thậm chí còn chửi sếp vì đãi ngộ kém, đăng những dòng trạng thái quê mùa, đùa giỡn rất “nhây”… Con rất thất vọng khi biết “bộ mặt thực” thần tượng của con trên thế giới ảo.

Một nữ sinh giấu tên (quận Tân Phú, TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tuổi học sinh các cháu đang còn bồng bột, ảo tưởng, dễ bị tác động. Khi tò mò vào các nhóm riêng tư của những người trưởng thành (phụ huynh, thầy cô, các anh chị lớn…), các cháu có thể “vỡ mộng” trước những hình ảnh/ngôn từ/hành vi lệch chuẩn, những lời bình “chém đinh chặt sắt” của họ.

Cháu đừng quá ngạc nhiên trước sự “biến hình” của thầy giáo từ bục giảng đến nhóm kín. Mỗi người chúng ta đều tích hợp các vai trò của mình trong đời sống để tạo nên một con người nhất quán. Thần tượng của cháu lúc này là thầy giáo giỏi chuyên môn, tận tụy với nghề, lúc khác là người bạn ngỗ nghịch, cá biệt; lúc này là người con hiếu thảo, lúc khác lại là ông hàng xóm khó tính… Ông bà ta có câu “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.

Nhiều khảo sát tâm lý đã đưa ra nhận xét: trong môi trường không tiếp xúc trực tiếp, không gặp mặt và dễ ẩn danh, người dùng mạng xã hội có một sự tự do rất lớn khiến họ có cách hành xử khác hẳn với cách đang thực hiện ngoài đời. Người ta sẵn sàng mở rào chắn cho “bầy khỉ”, “đàn dê”, “lũ quỷ nhỏ” bị nhốt trong trại sổng chuồng chạy nhảy khắp nơi mà không sợ bị “bắt quả tang”, bình phẩm, phê phán.

Đó là mặt trái của con người văn minh, đạo mạo mà họ trình bày trước bàn dân thiên hạ. Họ được quay về thời “trẻ trâu” tha hồ quậy phá; tự cho mình cái quyền “thay trời hành đạo” để lên án, xúc phạm, tấn công người khác mà không cảm thấy cắn rứt lương tâm; được thể ăn nói “lầy lội”, suồng sã. Họ không ngờ lúc đang say sưa “chém gió” với đồng bọn, có cả học sinh đang “tàu ngầm” mình.

Trên thực tế, những dòng đăng trên mạng xã hội về những điều tiêu cực, xấu xí, thô bạo, sexy, giật gân… thường đông lượt thích, lượt xem hoặc thu hút bình luận của cư dân mạng hơn nên một số người đã dùng chiêu này để gây ấn tượng.

Từ chuyện “sụp đổ” khi “theo” thầy trên mạng xã hội, cháu nên rút ra kinh nghiệm cho bản thân: ngoài việc ứng xử văn minh, đúng mực với mọi người trong cuộc sống hằng ngày, cháu cần có những nguyên tắc khi kết bạn, ứng xử, tương tác trên mạng xã hội: mọi bình luận phải khách quan, chân thành và tế nhị; tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp; có trách nhiệm với lời nói, hành vi của mình; tìm hiểu kỹ/kiểm chứng các nguồn thông tin; không đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, thiếu chuẩn mực hoặc ác ý…

Có vậy, mỗi bài viết, mỗi clip cháu chia sẻ trên trang cá nhân mới không vi phạm đạo đức, lối sống. Cháu cũng nên tăng cường bảo mật thông tin cá nhân, mật khẩu, đặt chế độ xem phù hợp.

Tác giả Fukuoka trong cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm đã viết: “Nếu cây lúa khỏe thì bản thân nó sẽ đánh bại cỏ dại”. Thông tin cũng vậy. Nếu các thông tin đều tốt, minh bạch thì tự chúng sẽ đẩy được cái có hại.

Sau khi bị “vỡ mộng” vì lọt vào góc tối trên không gian mạng của thần tượng, cháu sẽ biết cách chăm sóc mảnh ruộng của mình, không để cỏ dại lấn át cây lúa.

Theo phụ nữ TPHCM