ia đình con thuộc diện “nhà có bốn nàng tiên”. Trừ má con là người phụ nữ truyền thống được ông bà nội sang nhà ông bà ngoại xin gả cho ba con, còn lại hai chị con đều tự chọn người thương.
Hai chị con thích mê những chàng soái ca, tổng tài trong phim Hàn, trong truyện ngôn tình hoặc chuyện tình đẹp trên báo chí và ước một ngày trở thành “nữ chính”. Thế nhưng ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, chẳng thấy bạch mã hoàng tử nào đến, rốt cuộc chị thì “ở giá”, chị thì chọn một anh rể “chẳng giống ai”, phải ôm nỗi thất vọng.
Con không muốn mình giống hai chị.
Út Mén (học sinh lớp 11, Long Xuyên, An Giang)
Chuyện các bé gái chờ đợi một câu chuyện cổ tích của tình yêu (như cô gái Lọ Lem hay nàng công chúa ngủ trong rừng gặp được hoàng tử và sống cuộc đời như trong mơ) là khá phổ biến và rất bình thường. Ngay cả các nữ sinh cấp II, cấp III vẫn còn vun đắp cho mình những lâu đài tình ái như vậy. Đó là “cơ sở lý thuyết” để các em gái đặt nền móng cho tình yêu, đề ra những phẩm chất ở đối tượng của mình: nguồn gốc cao quý, thông minh, trung thực, dũng cảm, tốt bụng, tinh tế và cái chính là phải… đẹp trai.
Trong thực tế, không phải ai cũng có thể sống cuộc đời của một nàng công chúa, với cái kết là gặp được chàng trai hoàn hảo sống chết vì tình yêu. Trong truyện cổ tích, chính cô ấy cũng phải trải qua nhiều “kiếp nạn” mới đến được bến bờ hạnh phúc, thậm chí có khi còn “ra về tay trắng” như nàng tiên cá. Thế nên nhiều cô gái “không chịu lớn” cứ chờ mãi một mẫu hình lý tưởng, để rồi xuân qua thu tới chẳng thấy vị hoàng tử của lòng mình đâu, có người “vỡ mộng” toàn tập, có người vớ phải kẻ phàm phu tục tử, có người đành hạ tiêu chuẩn xuống.
Một cô nhóc mới “nứt mắt ra” đã có những nhận định già dặn, chát lè về yêu đương là bất thường; một nữ sinh chỉ mong mau lớn để lấy chồng giàu, có người nuôi mình thì khá thực dụng nhưng một cô gái đã đi làm mà vẫn ngây thơ về tình yêu là thiếu vốn sống, có cái nhìn chưa chín chắn về cuộc đời.
Có nhiều lý do để một cô gái thiếu thực tế trong tình yêu:
- Cô ấy cầu toàn và mơ mộng; ảo tưởng về tình yêu đến nỗi xác định yêu là phải “tìm người yêu tôi nhiều hơn yêu bản thân"; muốn một người đàn ông trưởng thành có sự nghiệp vững vàng yêu mình theo cách của một chàng trai mới lớn.
- Không đánh giá đúng thực lực bản thân, tự nâng mình lên quá cao nên không chọn được người tương xứng, trở thành kẻ hão huyền. Chàng trai đến với cô thì không đạt tiêu chuẩn, chàng mà cô thích thì lại chọn cô gái khác…
- Cố chứng tỏ mình không giống với những cô nàng thực dụng. Không muốn mình mang tiếng thực dụng nhưng lại thiếu thực tế.
- Cứ chờ đợi một anh chàng luôn dành thời gian đem lại niềm vui cho mình: sáng điểm tâm; chiều dắt đi mua sắm; tối đi cà phê hoặc xem phim, xem kịch, nghe nhạc… cùng nhau; lần nào giận hờn cũng là anh ấy xin lỗi trước dù… mình là người có lỗi… Làm gì có một mối quan hệ giữa hai người mà một bên chỉ biết nhận mà không biết cho.
- Nghĩ rằng tình yêu cũng giống như phim - kịch tính và đầy đam mê như một phiên bản Hollywood chứ không bình dân như người bạn trai hiện tại.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Nếu cháu muốn có một tình yêu đích thực, được cùng người mình yêu già đi, được đồng hành với họ đi đến cuối con đường, hãy tránh rơi vào những nguyên nhân trên. Nên nhớ, trong thế giới tình cảm cháu bước vào, không chỉ có quan điểm sống của cháu mà còn có nguyên tắc sống của người kia; không chỉ có hai đứa mà còn gia đình, công việc, tiền bạc, tinh thần cầu tiến, lòng chung thủy, niềm tin… và bao hiện thực phũ phàng của cuộc sống.
Tiêu chuẩn chọn người yêu/bạn đời được đo bằng sự trưởng thành của mình. Đừng hỏi tại sao những cô gái mơ mộng, trong sáng vẫn vớ phải “trai hư”: bởi thiếu kỹ năng xã hội, nhắm mắt tin theo tình yêu vừa “mù” lại vừa “quáng”; hoặc những chị em giỏi giang vẫn lẻ bóng vì đặt ra hình mẫu lý tưởng không có thật ở ngoài đời.
“Khi bạn bay cao quá, bạn sẽ khó nhìn thấy những gì đẹp nhất dưới mặt đất” (ngạn ngữ).
Theo phunuonlien.com.vn