Con 17 tuổi, rất ngại chụp hình tự sướng và bước lên cân sức khỏe vì sợ gương mặt mình “tràn màn hình” và bạo hành… cái cân.

Cả ba và mẹ con đều có thân hình phì nhiêu, đang điều trị các bệnh loãng xương, tiểu đường, tim mạch. Bạn trai con không chê con “ú ù” nhưng nghe nói béo phì sẽ dẫn đến hiếm muộn, vô sinh. Con trấn an: “Ba mẹ đã sinh ra em đấy thôi” nhưng thực tâm cũng lo lo…

Khánh H. (học sinh một trường THPT ở Q.Phú Nhuận, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Dư cân/béo phì là một trong những vấn đề lớn về sức khỏe trên thế giới, không chỉ được đánh giá đơn thuần dựa trên cân nặng mà là tỷ lệ mỡ trong cơ thể và tình trạng tích tụ mô mỡ vùng quanh bụng. Sự phối hợp của yếu tố di truyền và môi trường sống được xem là nguyên nhân của béo phì. Lối sống ít vận động và thừa dinh dưỡng đã làm số người béo phì ngày càng tăng cao. 

Béo phì có tác động lớn đến tâm lý: Trẻ béo phì hay bị chế giễu, trở nên mặc cảm, không hài lòng về bản thân; thiếu hòa đồng với bạn; có xu hướng ít tham gia các hoạt động ngoài trời, văn nghệ, thể dục thể thao; tìm cách giải khuây bằng ăn uống nhiều, ngủ nhiều… khiến trẻ ngày càng lên cân. Khi dậy thì, những trẻ này tự cho rằng mình kém hấp dẫn, không phù hợp với nhiều loại trang phục, ít tự tin xuất hiện chỗ đông người, ngại làm quen và chinh phục đối tượng mình cảm mến, không muốn lộ diện ở hồ bơi, bãi tắm, phòng tập, sân vận động, sàn nhảy… 

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy tình trạng béo phì càng nặng thì khả năng sinh sản càng bị ảnh hưởng nhiều. 

Phụ nữ béo phì giảm khả năng thụ thai do rối loạn kinh nguyệt (chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh), không rụng trứng, mụn trứng cá, xuất hiện hội chứng buồng trứng đa nang, hiếm muộn, đáp ứng kém với các kỹ thuật điều trị… Tất nhiên, không phải tất cả phụ nữ béo phì đều hiếm muộn, nhiều chị vẫn sinh con bình thường nhưng nguy cơ hiếm muộn sẽ cao hơn nếu phụ nữ trở nên béo phì. Trong khi đó, theo một khảo sát ở Mỹ, với nam giới thừa cân, số lượng tinh trùng giảm.

Béo phì thường đi kèm tình trạng kháng insulin, liên quan đến khối lượng mỡ trong cơ thể. Càng tăng cân, tình trạng kháng insulin càng nặng. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến các rối loạn về nội tiết và khả năng sinh sản của phụ nữ bị béo phì. Khi đưa trọng lượng cơ thể về giới hạn cho phép, tình trạng kháng insulin sẽ được cải thiện, giúp chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường để có thai tự nhiên. So với chi phí cho các kỹ thuật điều trị vô sinh hiện nay, rõ ràng biện pháp giảm cân thuận lợi và ít tốn kém hơn nhiều. 

Ngoài ra, giảm cân còn giúp ngăn ngừa các nguy cơ lâu dài (bệnh tiểu đường, tim mạch và một số bệnh ung thư). 

Sinh ra trong một gia đình cả cha lẫn mẹ đều có “truyền thống” dư cân, cháu nên lập một chương trình sức khỏe, tiết chế ăn uống, điều chỉnh lối sống và tự trang bị tốt cho mình kiến thức về mặt này. Giảm cân ở người đang béo phì là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và ý chí mạnh mẽ: 

- Đừng áp dụng các cách giảm cân đột ngột dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, chóng mặt, hạ đường huyết, thậm chí gây mất cân bằng điện giải.

- Nên cắt bỏ hoàn toàn thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm ngọt… Hạn chế tối đa món nhiều dầu mỡ như chiên, xào; ưu tiên món hấp, luộc, nướng.

- Thay nước uống có đường, có ga, có cồn… bằng nước lọc.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

- Không cần ngược đãi bản thân bằng cách “tuyệt giao” với những món ăn ngon, miễn kiên trì tập luyện đều đặn (đi bộ nhanh, chạy bộ trên máy, đạp xe, tập thể hình…). Uống một ly cà phê trước khi tập giúp tăng khả năng đốt mỡ.

- Ngủ kém, căng thẳng, lo âu có thể gây ra một loạt phản ứng sinh học dẫn đến tình trạng thèm ăn hơn và càng béo bụng. Để nuôi dưỡng tâm hồn, cháu nên giữ nếp nghĩ lạc quan, sống điều độ, gắn kết với những nguồn năng lượng tích cực, say mê học hỏi.

Lối sống hôm nay sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cháu sau này. Khi động lực lớn hơn cân nặng, cháu sẽ làm được.

Theo phụ nữ TPHCM