Khai mạc buổi chiếu phim-tọa đàm về chất độc da cam tối 10/2 tại thành phố Choisy-le-Roi. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
"Chúng tôi không từ bỏ cuộc chiến! Các bạn hãy cùng tham gia với chúng tôi!”
Đó là tuyên bố của bà Nicole Duchet Trampoglieri, Chủ tịch Chi hội Hữu nghị Pháp-Việt tại thành phố Choisy-le-Roi khi kêu gọi người dân địa phương đến tham dự một buổi chiếu phim-tọa đàm nhằm bày tỏ sự ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, bộ phim tài liệu "Chất độc da cam - Quả bom nổ chậm" do đạo diễn Hồ Thủy Tiên và Laurent Lindebrings thực hiện năm 2013 đã được trình chiếu tối 10/2 tại rạp Paul Eluard của thành phố Choisy-le-Roi, ngoại ô thủ đô Paris.
Được Chi hội Hữu nghị Pháp-Việt tại thành phố tổ chức, buổi chiếu phim đã thu hút đông đảo người dân địa phương và bạn bè Pháp đến xem.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và Thị trưởng Choisy-le-Roi, ông Tonino Panetta, đã tham dự sự kiện.
Buổi chiếu phim khép lại với phần giao lưu và chia sẻ với bà Trần Tố Nga, một Việt kiều và cũng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, về những ảnh hưởng của chất độc hủy diệt này đối với sức khỏe và môi trường.
Nhân dịp này, Chi hội Hữu nghị Pháp-Việt tại thành phố Choisy-le-Roi đã kêu gọi người dân quyên góp cả về vật chất và tinh thần nhằm ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và bày tỏ sự đoàn kết với bà Trần Tố Nga trong vụ kiện các công ty hóa chất đã sản xuất hoặc cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong thời gian chiến tranh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng bày tỏ cảm ơn về những tình cảm và sự ủng hộ mà người dân thành phố Choisy-le-Roi nói chung và Chi hội Hữu nghị Pháp-Việt tại thành phố nói riêng đối với nhân dân Việt Nam và đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Đại sứ khẳng định sự giúp đỡ và tình đoàn kết của bạn bè quốc tế sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau da cam của các nạn nhân và tăng cường quyết tâm của họ trong cuộc đấu tranh giành công lý.
Theo Thị trưởng Tonino Panetta, buổi chiếu phim nhằm tôn vinh cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga, đồng thời cũng là một sự ủng hộ mà thành phố Choisy-le-Roi muốn dành cho bà cũng như với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.
Thông qua sự kiện này, ông cũng muốn mọi người dân thành phố hiểu rằng chiến tranh không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề. Dù thắng hay thua thì kết cục của mọi cuộc chiến sẽ chỉ là thảm họa và với Việt Nam, đó là thảm họa chất độc da cam/dioxin.
Về phía mình, bà Nicole Duchet Trampoglieri, Chủ tịch Chi hội Hữu nghị Pháp-Việt Choisy-le-Roi, cho biết sự kiện nhằm giới thiệu tới người dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ về một thảm họa mà có thể họ chưa biết đến và cũng là một động thái nhằm ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga.
Bà khẳng định: "Mặc dù vụ kiện này không thành công, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh để kêu gọi Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm với các nạn nhân Việt Nam."
Là một chi hội địa phương của Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) tại Choisy-le-Roi, những năm qua, chi hội đã có nhiều hoạt động thiết thực để ủng hộ Việt Nam nói chung và nạn nhân da cam nói riêng. Chi hội luôn nỗ lực đóng góp vào tiếng nói của nhân loại về chất độc da cam/dioxin và những hệ lụy của nó ở Việt Nam, kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp đỡ Chính phủ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Bà Trần Tố Nga chia sẻ câu chuyện da cam của mình với khán giả trong buổi tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Ngay sau buổi chiếu, khán giả đã ngồi lại để nghe những chia sẻ của bà Trần Tố Nga về nỗi đau cả về thể xác và tinh thần mà bà phải chịu trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, hành trình gian nan của bà trong việc đòi lại công lý cho bà và các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cũng như sự đóng góp và ủng hộ to lớn mà bà đã và đang nhận được trong cuộc chiến này.
Năm 2014, bà Trần Tố Nga, một Việt kiều Pháp từng là phóng viên chiến trường miền Nam trong thời gian chiến tranh, đã đệ đơn kiện các công ty đa quốc gia sản xuất hoặc cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong thời gian chiến tranh, trong đó đứng đầu là công ty hóa chất nông nghiệp Monsanto-Bayer.
Vào ngày 10/5/2021, tòa án Evry (ngoại ô thành phố Paris) đã đưa ra phán quyết bác đơn kiện với lý do "không có thẩm quyền xét xử."
Dư luận Việt Nam và quốc tế đã thất vọng về kết luận này của tòa án. Các luật sư và bà Trần Tố Nga cũng quyết định kháng án và cuộc đấu tranh vì các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn đang tiếp tục.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Trần Tố Nga cho biết sau khi tòa án bác bỏ đơn kiện của bà, đông đảo bạn bè quốc tế và các luật sư đã bày tỏ sự đồng lòng ủng hộ bà trong việc kháng án và tiếp tục vụ kiện.
Điều này đã giúp bà có thêm sức mạnh để tiếp tục cuộc chiến đòi công lý của mình.
Vụ kiện về hậu quả chất độc da cam đang ngày càng được thế giới biết đến và thậm chí hiện nay, vụ kiện là cơ sở để các tổ chức xanh trên thế giới đấu tranh bảo vệ môi trường.
Nói về dự định sắp tới, bà Trần Tố Nga cho biết sẽ cùng bạn bè Pháp kêu gọi quyên góp để xây dựng một số trung tâm đào tạo nghề cho con em khuyết tật của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trước mắt là ở Tây Nguyên và một số tỉnh khó khăn khác, để cho các em có nghề tự sống.
Người phụ nữ ở tuổi 80 này chia sẻ: "Nếu việc tiếp tục vụ kiện là cuộc chiến đấu cuối cùng của đời tôi, thì việc xây dựng các trung tâm dạy nghề này sẽ là mong ước cuối cùng mà tôi muốn thực hiện."
Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã thực hiện các chiến dịch ném bom napalm và rải xuống Việt Nam 80 triệu lít chất diệt cỏ trong đó chứa khoảng 400kg dioxin, một trong những chất độc mạnh nhất, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống.
Suốt 60 năm qua, các di chứng của chất độc giết người này vẫn còn hiện hữu trong đất, trong nước và trên cơ thể nhiều người.
Cho đến nay vẫn còn tồn tại một lượng lớn chất dioxin ở một số khu vực, ảnh hưởng đến môi trường, đất đai và nguồn nước.
Di chứng của chất độc da cam/dioxin truyền từ đời này sang đời khác đã và đang khiến hơn 4,8 triệu người Việt Nam phải chịu hậu quả. Những thiệt hại về sức khỏe, môi trường và xã hội là không thể đo đếm được.
Hằng năm, Nhà nước Việt Nam dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của chất diệt cỏ.
Trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, chiến tranh hoá học nói riêng, nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế.
Riêng tại Pháp, từ nhiều năm nay, các hội đoàn như Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF), Hội Hữu nghị Pháp-Việt, Collectif Vietnam Dioxine… cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxine ở Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân, trong đó có vụ kiện của bà Trần Tố Nga.
Theo Vietnamplus