Ảnh minh họa
Những buổi họp phụ huynh đầu năm luôn có đầy đủ các hoạt động, lịch học - thi cả năm, gặp giáo viên chủ nhiệm, xem bạn ngồi cạnh con là ai… nên dù bận rộn mấy tôi cũng hiếm khi vắng mặt.
Đã nhiều năm, vì tham gia ban đại diện phụ huynh, tôi thường có mặt trong các cuộc họp với ban giám hiệu, ban đại diện hội phụ huynh trong trường và có được khá nhiều thông tin mà có thể trong các cuộc họp phụ huynh ở lớp không có.
Thay vì quan tâm đến các khoản phí, xem xét các chương trình, tôi thường lắng nghe các con số về đầu ra, đầu vào của các trường con mình học, những thông tin về việc định hướng, chọn ngành nghề, chọn trường, các nơi tuyển sinh du học muốn nhờ trường làm cầu nối…
Chính nhờ các thông tin bao quát này, tôi nhận ra một thực tế: áp đặt ước mơ của mình cho con vẫn là một thực tại đáng báo động, không thay đổi về căn cốt và không biết vì những lý do gì (ngoài bận), đa phần phụ huynh vẫn quên câu hỏi: con mình đi học có vui không? Hoặc giả, họ nghĩ chuyện này không quan trọng, trẻ phải đến trường như ba mẹ phải đi làm, có vậy thôi. Thích hay không cũng phải đi!
Năm 2017, cô hiệu trưởng một trường chuyên danh tiếng ở TP.HCM, nơi con gái lớn của tôi theo học, cho biết: 70% học sinh trường này vẫn chọn các trường Y, Bách khoa, Kinh tế, Ngoại thương. Thế nhưng, quyết định của 70% ấy lại chịu ảnh hưởng khá nhiều do quan điểm về danh tiếng, hình ảnh, vị trí của nghề nghiệp trong xã hội vẫn chưa nhiều thay đổi.
Bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia… vẫn là những sự lựa chọn phổ biến và phần nhiều bị ảnh hưởng (chưa muốn nói là được quyết định) do sự tư vấn và lựa chọn của bố mẹ. Bố mẹ rất dễ bỏ qua các khả năng thật sự nổi bật của con nếu không nằm trong các lĩnh vực mà nghề nghiệp được đánh giá là có vị trí cao như đã kể trên.
Có một câu chuyện điển hình, là trường hợp của ca sĩ Tóc Tiên, cũng chính là một học sinh chuyên sinh của trường này.
Tóc Tiên đã đi du học đúng ngành cô học chuyên và con đường âm nhạc vào showbiz của cô không hề đơn giản khi cô phải thuyết phục, thậm chí đấu tranh quyết liệt với mẹ cô trong nhiều năm. Sau này, Tóc Tiên vẫn là niềm tự hào của trường, được khán giả yêu mến.
Nếu Tóc Tiên cứ ngoan ngoãn theo định hướng của cha mẹ, chúng ta sẽ không có một ca sĩ cá tính, xinh đẹp, cuốn hút trong top đầu của showbiz như cô.
Có lẽ còn rất nhiều tài năng khác về âm nhạc, nhiếp ảnh, thời trang… sẽ bị nắn theo định hướng, mong muốn của cha mẹ mà không có cơ hội, không đủ đam mê hoặc kiên nhẫn thuyết phục cha mẹ để rồi đành… trở thành bác sĩ, kỹ sư như phần đông các học sinh giỏi khác.
Bạn con tôi, một cô bé giỏi Anh ngữ, học chuyên tin, lãnh học bổng du học về công nghệ tại Mỹ, bất ngờ năm thứ ba nghỉ học, theo học online các khóa về dinh dưỡng, ẩm thực rồi mở một cửa hàng bán trực tuyến các món bánh ngọt và snack cho những đối tượng ăn theo chế độ tập luyện riêng.
Tôi tin rằng, với những kiến thức đã được trau dồi về công nghệ, khả năng sử dụng tiếng Anh nhuần nhuyễn để cập nhật nhiều xu hướng mới, tiệm bánh ảo của cô sẽ có nhiều lợi thế hơn các tiệm khác trên thị trường.
Tuy nhiên, cũng mất một thời gian khá lâu, bố mẹ cô muộn phiền vì “Tại sao nó lại chọn công việc vớ vẩn thế này?”. Trong khi, thực tế, công việc ấy khiến cô sinh viên thích nấu ăn, say mê ẩm thực có nhiều trải nghiệm tích cực và quan trọng là ứng dụng được những kiến thức cô học để có thu nhập rất tốt.
Làm bánh, kinh doanh nhỏ, thành công trong niềm vui được làm những gì mình thích, chẳng phải là cô đang sống hạnh phúc sao? Chẳng lẽ quan điểm thành đạt của phụ huynh chúng ta lại không có chỗ cho niềm vui của các con?
Trong buổi họp phụ huynh ở trường con trai tôi, một phụ huynh đã hỏi thầy hiệu trưởng có biện pháp cụ thể gì để “trường chúng ta có thể có những lớp như trường N.K, một lớp có tới 20 em thi đại học trên 27 điểm không?”.
Nếu Tóc Tiên cứ ngoan ngoãn theo định hướng của cha mẹ, khán giả Việt sẽ không có một ca sĩ cá tính, xinh đẹp, cuốn hút trong top đầu của showbiz như cô
Thầy hiệu trưởng ôn tồn trả lời rằng: “Ở trường N.K ấy, môn chính của phân ban như toán, các em lớp 12 có thể học 18 tiết/tuần khi luyện thi, các bộ đề làm nhuyễn như cháo nhưng sau đào tạo đại học, chất lượng nhân sự chưa chắc cứ đầu vào điểm thật cao là các em sẽ thành công và làm việc tốt”.
Không một thành viên nào trong cuộc họp đứng lên phản đối ý kiến về mục tiêu “lớp có 20 học sinh đạt trên 27 điểm thi đại học” của vị phụ huynh kia.
Đặt lên vai con mình và thầy cô cái ách điểm số, có lẽ ông bố ấy chưa bao giờ hỏi con mình “Đi học có vui không?”. Mà trẻ đi học không vui giống như người lớn đi làm mà căm ghét công việc, làm sao có được hạnh phúc, trong khi đó là mục tiêu lớn nhất của đời người?
Tôi muốn nói với vị phụ huynh ấy rằng hãy để các con có chút trách nhiệm với cuộc đời và nghề nghiệp mà chúng chọn. Hãy trò chuyện với con để biết thực sự con muốn làm gì sau này. Có thể con sẽ sai khi chọn nghề nhưng sống có quyền sai và sửa sai chứ. Mình chọn hết cho con, liệu có chắc mình đúng?
Định hướng cho con là điều cần, rất cần nhưng khi quyết định, hãy để con lên tiếng.
Theo phunuonline