|
|
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab trong buổi nói chuyện sáng nay, 6.10 |
Buổi nói chuyện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần 5 năm 2024, do Sở Ngoại vụ TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Hoa Sen tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Từ kinh tế tri thức sang kinh tế trí tuệ
Tại sự kiện, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab có bài diễn thuyết hơn 30 phút về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh mới. Cụ thể, giáo sư Schwab tin Việt Nam "chắc chắn" trở thành một trong 40 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong 20 - 30 năm tới, "làm thế giới ngạc nhiên bởi năng lực đổi mới của mình" trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu và việc chuyển đổi quyền lực kinh tế sẽ diễn ra như lẽ tất yếu.
Cũng theo ông Schwab, sau khi kết thúc nền kinh tế công nghiệp và bước vào kinh tế tri thức (knowledge economy), nhân loại rồi sẽ tiến tới nền kinh tế trí tuệ (intelligence economy) với trí tuệ nhân tạo (AI) là yếu tố chủ chốt. "Nó sẽ cách mạng hóa cách chúng ta sinh sống, làm việc, giao tiếp. Tôi tin rằng thế giới những năm tới sẽ diễn ra cuộc đua xem ai dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trí tuệ", ông nhận định.
Một thành tố quan trọng trong nền kinh tế mới này, theo giáo sư Schwab, là "thế hệ trẻ". Đây không phải là những người trẻ tuổi, mà là những ai luôn có tinh thần trẻ trung, ông nhấn mạnh. "Hệ thống giáo dục cũng phải cần thay đổi, thay vì nhồi nhét kiến thức, hãy dạy cho người trẻ cách tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả nhất bởi chúng ta đã có thể truy cập vào tất cả tri thức mình muốn tìm hiểu thông qua công nghệ và AI", ông nói.
Trong bài phát biểu, chủ tịch WEF cũng nhấn mạnh sự cần thiết của tư duy hệ thống và hợp tác đa bên để giải quyết các thách thức toàn cầu. Đồng thời, ông cũng thảo luận về vai trò lãnh đạo trong việc định hình tương lai và nhấn mạnh tầm quan trọng của những đức tính cần thiết của người đứng đầu. "Đó là sứ mệnh, tri thức, đam mê, bền bỉ và lòng trắc ẩn", giáo sư Schwab chia sẻ.
|
|
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM |
Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, lưu ý thêm những hành động quyết liệt từ thế hệ trẻ sẽ là yếu tố quyết định thành công của quốc gia và địa phương. Hơn ai hết, thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, mang vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam. Mỗi bước đi của các bạn, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung.
"Đất nước đang cần những cá nhân có bản lĩnh, có trí tuệ và lòng yêu nước để xây dựng và đóng góp vào sự phát triển trong tương lai", ông Mãi khẳng định.
"Chúng ta phải sống với nhiều căn tính"
Tại buổi thảo luận nối tiếp diễn thuyết, PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐH Quốc gia TP.HCM), đặt vấn đề rằng thế hệ trẻ hiện nay đang nỗ lực xây dựng tư duy toàn cầu. "Họ xông xáo giải quyết các thách thức trên thế giới song lại không thực sự tập trung vào quê hương của chính mình. Điều này hoàn toàn khác với thế hệ chúng tôi, vốn rất quan tâm đến nước nhà. Theo ông, đây là thách thức hay lợi thế để Việt Nam phát triển nền kinh tế tri thức? Và với tư cách là một nhà giáo dục, một giảng viên, tôi có nên cố gắng tác động để các bạn tập trung hơn vào Việt Nam, hay tôi nên thuận theo xu thế hòa nhập với các bạn?", PGS Thảo băn khoăn.
|
|
Giáo sư Klaus Schwab giải đáp các thắc mắc của doanh nhân trẻ, công dân trẻ tiêu biểu và sinh viên Việt Nam |
Giải đáp vấn đề này, giáo sư Klaus Schwab nhận định mọi người thường nhầm lẫn giữa tư duy dân tộc và tư duy toàn cầu, bởi đôi khi lợi ích quốc gia lại trùng với lợi ích quốc tế như ở vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giáo sư Schwab nhấn mạnh rằng cần có sự cân bằng giữa tư duy toàn cầu và căn tính dân tộc, vừa phải có cái nhìn rộng mở, sẵn sàng hợp tác quốc tế, vừa phải giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc.
"Đây là một bài học rất quan trọng đối với người trẻ tuổi. Ví dụ ở châu Âu, để phát triển thì ngoài căn tính dân tộc, các bạn còn có căn tính châu Âu. Tóm lại, chúng ta phải sống với nhiều căn tính khác nhau, tùy thuộc vào vấn đề mà chúng ta đang đối mặt là nội bộ hay toàn cầu. Nhưng trên hết, đừng 'mất gốc' mà hãy luôn có ý thức về nguồn cội của mình", giáo sư Schwab nhấn mạnh.
Thạc sĩ Phù Trường Thắng, thành viên hội đồng quản trị Viện Đào tạo và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Hoa Sen), nêu thắc mắc là làm sao để các trường ĐH có thể giúp sinh viên trở thành những nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế tri thức, và làm sao để trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để luôn thích ứng được với sự biến chuyển của thời đại?
Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới cho rằng bất chấp những xung đột đang diễn ra, tương lai của thế giới sẽ luôn là bức tranh các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau để cùng phát triển. Đó cũng là lý do sinh viên không chỉ nên nhắm tới việc trở nên giỏi nhất tại trường ĐH trong nước, mà phải mở rộng ra bối cảnh toàn cầu. Và để tạo điều kiện cho sự vươn lên này, sự hợp tác giữa các trường ĐH trên thế giới là vô cùng cần thiết.
|
|
Giáo sư Klaus Schwab lắng nghe Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thuyết minh bên Vòng tròn Mobius, biểu tượng thể hiện tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hợp tác lâu dài giữa TPHCM và 58 địa phương trên thế giới |
"Trường ĐH phải tăng cường mối quan hệ với các đơn vị khác và mở rộng các chương trình trao đổi (exchange program). Bản thân sinh viên cũng phải theo kịp những gì đang diễn ra trên trường quốc tế chứ đừng dừng lại chỉ ở trong nước, vì chính Việt Nam cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường toàn cầu, cũng như sự phát triển công nghệ trên thế giới. Hãy kết nối sinh viên vào hệ thống quốc tế", giáo sư Schwab nhắn nhủ.
"Tôi tin điều này sẽ thuận lợi khi bản thân TP.HCM hiện cũng đang kết nối với hơn 50 địa phương khác trên thế giới", ông Schwab nói thêm.
Giáo sư Klaus Schwab, sinh năm 1938 tại Ravensburg, Đức, là nhà kinh tế và kỹ sư nổi tiếng toàn cầu. Ông là sáng lập viên kiêm chủ tịch WEF và dưới sự lãnh đạo của ông, WEF đã trở thành một nền tảng toàn cầu tập hợp các nhà lãnh đạo thảo luận về các vấn đề cấp bách như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. WEF còn có ảnh hưởng lớn trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Ông Schwab có bằng tiến sĩ kinh tế từ ĐH Fribourg, bằng tiến sĩ kỹ thuật từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Zurich. Sau đó, ông hoàn thành thạc sĩ quản trị công cộng tại Trường Chính sách John F. Kennedy tại ĐH Harvard. Ông khởi xướng nhiều sáng kiến và dự án quan trọng như Quỹ Schwab về doanh nhân xã hội, Cộng đồng Global Shapers, mạng lưới Lãnh đạo Toàn cầu trẻ và các sáng kiến về Cách mạng công nghiệp thứ tư.
|