Sách do Dương Thanh Hoài và Ngô Thị Quỳnh Trang dịch - Ảnh: L.Đ.
Tác giả Suh Song Nan - tiến sĩ khoa sáng tác nghệ thuật Đại học Chungang - đã xuất sắc khi chuyển tải một phần đáng kể không gian sống của người trí thức Hàn Quốc trong mối quan hệ giữa thị dân và người nông thôn, thế hệ phụ huynh và con cháu trong cùng một gia tộc...
Ở đó, sự chia rẽ đang diễn ra khốc liệt trong một cấu trúc tưởng chừng như gắn kết tất cả: cô nhà văn Lee Ryeong và nhà phê bình Jang Gyu Wan, cô dâu người Việt tên Sương và gia đình nhà chồng ở vùng thôn quê hẻo lánh - thôn Gail, những người đàn ông ngoại tình, những người vợ/con dâu đã ly dị chồng nhưng còn lui tới với gia đình bên nội đứa con...
Những tình tiết vừa chân thật vừa lạ lẫm chính là chất men giữ mạch cảm xúc cho người đọc. Bên cạnh sự phát triển của văn minh đô thị là quan niệm cổ hủ lạc hậu của nông dân xứ Hàn, như cái nhìn của dân làng thôn Gail và ngay cả nhà chồng dành cho Sương - cô gái Việt Nam giỏi giang và cam chịu.
Cho nên bi kịch của Sương không chỉ bắt đầu từ vụ hỏa hoạn thiêu cháy gia sản nhà chồng, và kể từ đó Sương tự mưu sinh nuôi người chồng nghiện rượu bằng cách làm người giúp việc cho các nhà trong vùng. Bi kịch lớn hơn là những thân phận người không có chỗ bấu víu.
Tại sao một đôi uyên ương nhà văn cùng nhà phê bình quyết tâm "về quê" sống và sáng tác tại vùng nông thôn vẫn không tìm thấy yên lành?
Nỗi mắc mứu lớn nhất nằm trong lòng người, sự phân liệt rộng lớn nằm ở tâm hồn những người đang sống cùng nhau. Người đọc nhận ra rằng: Có khi, sự khốn khổ của cô dâu Việt trên đất Hàn - như trường hợp của Sương - là không bút mực nào nói hết được.
Suh Song Nan tỏ ra là một tay bút đầy tỉnh táo. Giữa hơi thở ngột ngạt của nhiều thân phận đan cài, bà xây dựng được một sợi chỉ đỏ cho câu chuyện của mình: cái đẹp được người thiện lương theo đuổi.
Bạn đọc có thể tìm thấy cảm hứng về cái đẹp đằng sau những sắc màu u ám và tình tiết bi kịch của Chuyện đời Sương.
Không chỉ cái đẹp bất ngờ đánh thức niềm đam mê viết lách trong cô gái Lee Ryeong, mà cái đẹp cũng chính là nguồn mạch nuôi giữ tâm hồn thiện lương trong người mẹ già thôn quê không biết chữ.
Thật xúc động với hình ảnh cô con gái từ giã quê nghèo lên thành phố làm nghề viết văn, mỗi khi in sách lại gửi về cho mẹ như một món quà có tính chất "báo cáo" vì mẹ mù chữ.
Để rồi một ngày kia khi trở về nhà, cô nhận ra bà mẹ già vẫn đêm đêm giở sách của con, dùng tay rờ rẫm từng hàng chữ như thể đang đọc tác phẩm của con mình.
Cái đẹp nhiều khi có sức khơi động thật mãnh liệt, như một người vợ quê mùa có hai nách con, sẵn sàng nuôi người tình của chồng mình qua kỳ ở cữ.
Từ hành động đó, đứa con gái (sau này trở thành nhà văn Lee Ryeong) nhận ra hai cái đẹp: người tình của cha mình là một phụ nữ có nhan sắc đẹp lạ lùng, và cái đẹp của người mẹ ruột.
Suh Song Nan tìm hiểu kỹ về những trường hợp phụ nữ Việt làm dâu Hàn Quốc, ghi chép cặn kẽ các hoàn cảnh những cô dâu xuất thân từ vùng sông nước Tây Nam Bộ và những va chạm tại các gia đình Hàn trong nhiều chiều kích: bất đồng ngôn ngữ, bị đánh lừa hoặc không được cung cấp đủ thông tin trước khi làm hợp đồng kết hôn, đối diện với những gia đình chồng có xuất thân không bình thường cũng như văn hóa gia đình cá biệt... |
Theo tuoitre