Vài ngày trước, Thái Hòa (37 tuổi), cô gái lấy chồng người Italy hiện đang ở thành phố Lecco, đã đặt lịch cắt tóc tại một salon nhưng sau hôm nhận lệnh phong tỏa, thấy bất an, cô gọi điện hủy. Buổi trưa, đợi con ngủ say, cô vào mạng tham khảo. Vòng tay qua đầu, Hòa chia tóc thành hai phần và buộc lại bằng dây chun. Kéo tóc về phía trước, cô dùng kéo cắt ngang 20cm. Kèm thời gian tỉa tót cho gọn gàng, 20 phút sau Hòa có kiểu đầu mới.
Dịch bệnh tràn lan và lệnh phong tỏa toàn quốc đã khiến những cô dâu Việt giống như cô phải làm quen với thói quen mới: Tự túc mọi thứ ở nhà để hạn chế ra đường.
Thái Hòa nhớ lại, sáng 9/3, cuộc gọi của mẹ chồng khiến cô tỉnh giấc: "Con ơi, Italy bị phong tỏa rồi". Giọng bà nghe có vẻ hơi hoảng hốt trong khi đầu bên này, cô con dâu người Việt cũng bất ngờ. Thái Hòa quay sang gọi chồng và báo tin. Riccardo đang lúi húi trong bếp nghe tin khựng lại một chốc, ngẫm nghĩ rồi chạy ra vườn múc nước từ chiếc giếng cổ. "Anh làm gì vậy?", Hòa thắc mắc. "Mang đi xét nghiệm xem nước đủ tiêu chuẩn ăn không? Chuẩn bị cho những ngày bị phong tỏa thôi". Nhiều năm nay, nước giếng chỉ dùng tưới khu vườn rộng 1.000m2 của hai vợ chồng.
"15 năm sống ở đây, lần đầu tôi thấy bất an như vậy", Hòa nói và cho hay Riccardo vừa mua thêm máy phát điện để trong tình huống xấu nhất gia đình vẫn có điện dùng. Tại Lecco, số người nhiễm nCoV tăng nhanh từng ngày.
Là chủ một công ty quảng cáo trực tuyến, hai tuần nay, Thái Hòa đã cho các nhân viên làm việc tại nhà. Cũng từng đó thời gian, cô và chồng không ra ngoài đường, mọi việc từ mua bán, giao lưu, công việc... đều thực hiện qua chiếc máy tính kết nối Internet.
Từ đầu tháng 2, trước khi Italy bắt đầu ghi nhận các ca dương tính với nCoV, Hòa đã đặt mua khẩu trang và nước rửa tay khô ở Israel, tuy nhiên số lượng rất ít. Cô cho biết, hiện tại ở Lecco mua khẩu trang cũng rất khó do bình thường không ai đeo nên rất ít bán, tới dịch lại càng khan hiếm. Các hiệu thuốc phải đặt trước từ 2-3 tuần, nhưng chỉ mua được vài chiếc.
Nhiều người Việt tại Italy không mua được khẩu trang đã dạy nhau cách tự chế từ giấy nướng bánh và vải không thấm nước. Hòa cũng đang làm theo những hướng dẫn này. "Tự cung tự cấp thời điểm hiện tại không chỉ tiết kiệm mà còn giúp gia đình tôi hạn chế ra ngoài, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đó cũng là đóng góp cho xã hội rồi", cô chia sẻ.
|
Gia đình chị Hạnh Nguyễn đang sinh sống tại Sardegna. Ảnh:Nhân vật cung cấp. |
Không may mắn như thế, Hạnh Nguyễn, chủ một studio tại hòn đảo phía nam Sardegna không mua được chiếc khẩu trang nào từ đầu mùa dịch. Nước rửa tay khô cũng khan hiếm tương tự.
"Tôi bảo vệ người thân bằng cách nhắc nhở chồng con thường xuyên rửa tay bằng xà bông đủ 20 giây và dùng nước sát khuẩn để súc họng hàng ngày", Hạnh nói và cho biết đã có 40 trường hợp nhiễm nCoV ở Sardegna.
Khi có lệnh phong tỏa toàn quốc, Hạnh qua siêu thị mua đồ thiết yếu. Trái với dự đoán về sự hỗn loạn, ngay khi bước vào, mọi người đã xếp hàng ngay ngắn ngoài cửa. Ai cũng đi nhẹ, nói khẽ, mua đủ thứ mình dùng mà không có tình trạng mua tích trữ. Hàng hóa cũng đầy đủ, không thiếu thứ gì. Điều khác biệt duy nhất là nhân viên đều đeo khẩu trang trang và găng tay cao su. Khi trả tiền thì đứng cách xa nhau cả mét, theo đúng chỉ dẫn in trên biển trước mỗi quầy.
"Đa phần người Italy và người gốc Việt đều có ý thức tốt. Chúng tôi thường xuyên chia sẻ, động viên nhau vượt qua đại dịch", Hạnh nói. Hiện cô đang là quản trị viên của diễn đàn Hội phụ nữ người Việt tại Italy, gồm hơn 700 thành viên.
Những ngày đầu dịch, nhiều thành viên trong hội bất an, thậm chí là hoảng loạn, trang cá nhân thường chia sẻ thông tin tiêu cực. Đỉnh điểm ngày 9/3, họ truyền nhau thông tin nói rằng tại Italy các bác sĩ không đặt ống thở cho bệnh nhân cao tuổi và để bệnh nhân tự chết.
Ngày 10/3, bác sĩ Roberto Fumagalli - Trưởng khoa gây mê hồi sức bệnh viện Niguarda, Milan đã có bức thư trấn an: "Chúng tôi thỉnh cầu các bạn không góp phần phát tán những thông tin giả này. Hãy chỉ tin vào những nguồn tin có kiểm chứng...". Ngay trong tối hôm đó, Hạnh đã nhờ một hội viên trong diễn đàn thức đêm để dịch lá thư này sang tiếng Việt.
"Tuyệt vọng là thứ đáng sợ nhất tồn tại trong mỗi con người, đặc biệt trước bệnh tật. Nếu mệt mỏi, bạn hãy cứ giận dữ nhưng đừng để tuyệt vọng bắt mất lý trí của mình. Bình tĩnh là chìa khóa để thoát khỏi bi kịch của số phận", Hạnh thể hiện tâm trạng khi đăng kèm lá thư của bác sĩ Roberto Fumagalli trên trang cá nhân.
Hàng loạt tờ báo của Việt Nam sau đó đưa lại thông tin này. Không chỉ người Việt tại Italy mà người Việt trong nước cũng gửi lời cảm ơn Hạnh vì qua cô được tiếp cận thông tin khách quan, trung thực hơn.
|
Nguyễn Trương Thoại Anh đã có gần 10 năm sinh sống và làm việc tại Milan. Ảnh:Nhân vật cung cấp. |
Người dịch lá thư của bác sĩ Roberto Fumagalli ra tiếng Việt để trấn an dư luận là Nguyễn Trương Thoại Anh (33 tuổi), sống tại ngoại thành Milan - "Vùng đỏ" Covid 19 của Italy.
Là một y tá nha khoa, lại sống ở tâm dịch, Thoại Anh không khỏi lo lắng bởi khu vực cô ở có khoảng 1.000 người mắc bệnh. Thông tin xấu tại Italy khiến bố mẹ nhiều lần gọi điện giục giã con gái về nước. "Con ơi, mẹ nghe tin siêu thị bên đó chẳng có gì để mua, liệu ở có chết đói không con?", người mẹ sống tại Lâm Đồng hốt hoảng gọi con. Để trấn an, Thoại Anh đã quay video đi siêu thị với hàng hóa đầy ăm ắp kèm theo nụ cười tự tin: "Mọi thứ đều ổn, mẹ đừng lo".
Sau nhiều ngày lo lắng, mẹ Thoại Anh nở nụ cười nhẹ nhõm khi thấy con gái vẫn bình an.
Cả Italy bị phong tỏa, nơi Thoại Anh sống bị kiểm soát chặt chẽ hơn cả. Nếu không có giấy phép hoặc không chứng minh được lý do hợp lý, ai ra ngoài đường sẽ bị phạt tiền, thậm chí phải ngồi tù. Để hỗ trợ người dân, chính quyền gửi danh sách những nhà thuốc, nhà hàng bán đồ ăn trong khu vực, chỉ cần nhấc máy, có người giao hàng miễn phí tận nhà.
"Tiện như vậy nên ít người phải ra ngoài, Những nhu yếu phẩm khác tôi đặt hàng qua website của siêu thị, đến giờ qua lấy, không xếp hàng chờ đợi nên không phải tiếp xúc với người lạ", Thoại Anh nói.
Những ngày ở nhà bởi lệnh phong tỏa, Thoại Anh thường lên mạng tìm trò chơi luyện trí thông minh và các chương trình học tiếng Anh cho cậu con trai 4 tuổi. Mảnh vườn với vài luống đất nhỏ được cô xới lên để trồng rau thơm lấy giống từ Việt Nam. Hai mẹ con hàng ngày vừa làm vườn, vừa sưởi nắng bởi theo cô thời tiết ấm áp sẽ giảm sức mạnh của virus.
"Tôi thích ngắm những mầm rau mơn mởn được tắm nắng sớm mà vươn lên đầy mạnh mẽ. Italy cũng như những mầm cây này, sẽ vươn lên giữa khó khăn để tươi mới và tràn đầy sức sống", nữ y tá 33 tuổi nói.
Cũng giống như Thoại Anh, Hạnh Nguyễn chia sẻ rằng khoảng thời gian được nghỉ ngơi này khiến cô cảm thấy hạnh phúc bởi thành viên trong gia đình có nhiều thời gian bên nhau hơn.
"Chúng tôi không suy nghĩ tiêu cực mà tận hưởng những khoảnh khắc ấm áp bên người thân", Hạnh nói và cho hay gia đình thường xuyên chơi bóng chuyền và tập gym cùng nhau. "Nâng cao sức khỏe còn hơn ngồi ủ rũ để nhập những tin xấu vào đầu", cô nói.
Còn với Thái Hòa, hàng ngày đưa con trai 14 tháng tuổi dạo chơi quanh vườn giúp cô giảm bớt lo lắng về dịch bệnh. Để tăng cường sức đề kháng, cô thường pha nước chanh với mật ong cho cả nhà uống.
"Phải sống thật vui vẻ, thật khỏe mạnh, để chẳng may nhiễm bệnh vẫn có sức để chiến đấu", Hòa nói vui với chồng khi cả hai làm món nem rán trong bếp.
Hôm qua, trên trang cá nhân của Thái Hòa, lần đầu tiên cô chia sẻ thông tin về tình hình Covid 19 bằng thông điệp của một người Italy:
"Rồi bạn sẽ thấy, có một ngày Thủ tướng Italy mở đầu bài phát biểu vào buổi tối của mình bằng nụ cười và tuyên bố rằng mọi thứ đã kết thúc. Chúng ta sẽ đổ ra quảng trường như khi chúng ta thắng giải bóng đá thế giới, bật nắp rượu spumante và ôm nhau thật chặt như trước đây.
Sẽ là một ngày lễ hội của cả nước, và chúng ta lại một lần nữa khoắng sạch sẽ mọi siêu thị để tổ chức một buổi tiệc đồ nướng cùng tất cả bạn bè.
Cho tới lúc đó, hãy cùng nhau chiến đấu!"
Theo vnexpress