Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Cái khoảng trống nhỏ xíu thần thánh này cũng che chở giúp tôi trốn khỏi những cơn giận của má, khi lỡ làm sai hay nghịch phá gì đó. Nó còn là chỗ bí mật để tôi cất những thứ "quý giá" của riêng mình.

Từ cái góc riêng nhỏ xíu của chính mình, tôi phát hiện ra mỗi người trong nhà đều chọn một "khoảng riêng tư" cần thiết. Góc riêng của ba tôi là nơi cái bàn uống trà ông đặt dưới tàn cây mận. Cái bàn trà ba tự đóng bằng những thanh tre. Nơi có chiếc ấm tích trà bỏ trong trái dừa khô để ủ cho ấm, cái bình thủy Rạng Đông đựng nước nóng mà buổi sáng nấu cơm, má cũng nấu nước sôi rót đầy. 

Cái góc nhỏ đó còn có cái đài cũ để nghe tin tức và chương trình ca cổ cải lương quen thuộc lúc 12 giờ trưa. Những buổi đi làm đồng về, ba ngồi xuống cái bàn đó, vấn điếu thuốc rê, chiêu ngụm trà là dường như gột bỏ được sự mệt mỏi đi được nhiều phần.

Góc riêng của má tôi là cái vạt tre nơi chái bếp. Nơi má dựng úp cái nón lá vào vách và lúc nào cũng có sẵn rổ kim chỉ, để những buổi trưa, buổi tối còn nhơn chút thời gian vá lại quần áo cho đám con, hay cặm cụi cắt sửa may tay lại những món đồ cũ thành mới cho đứa này đứa kia mặc. 

Cái vạt tre nằm ngang cái ô cửa sổ, gió luồn từ phía ruộng luồn vô. Có hôm, ngồi vọc hộp kim chỉ của má, tôi nằm lăn ra ngủ bên chân má hồi nào không hay. Góc này như một góc lành, bởi những khi đi học hay đi đâu đó về, chỉ cần thấy cái nón lá úp vào vách, cái dáng má ngồi khum khum, là cái lòng dù đang trống trải cũng thấy đầy đặn lạ thường.

Nơi nhà cũ đó, có cái bàn gỗ tự đóng kê ở cái góc cửa sổ mở ra phía hông nhà, để làm góc học tập. Tất nhiên, đó vừa là góc riêng, vừa là góc chung, bởi hễ đứa này ngồi vào bàn học là đứa khác phải chờ tới lượt.

Giờ đây, góc riêng trong căn nhà của chính tôi chắc chắn là ở cái bancông nhỏ xíu, nơi tôi trồng rất nhiều cây xanh. Những bữa "cách ly xã hội" phải làm việc ở nhà, tôi luôn mang máy ra ngồi ở cái góc này, chỉ để thỉnh thoảng ngước lên, thấy trời thấy mây, yên tâm tạm thời là cái nhìn của mình không bị giới hạn. 

Tôi sợ những khoảng không gian hẹp, nhưng nhà ở phố thị, và "sức" của mình chỉ đến đó, thì đành thôi. Nhưng nếu không có góc bancông, hẳn tôi sẽ biết tự tìm cho mình một cái góc cây xanh nhỏ hẹp khác trong nhà. Nhiều khi, chỉ để ngồi nghe tiếng lá xào xạc, lại nhớ tiếng gió và tiếng lá của cả một tuổi thơ xưa. Điều ấy, con tôi chắc khó mà cảm nhận.

Góc riêng của con lại là cái giường bề ngang một mét tư đặt ở góc hẹp của căn nhà, nơi con được "trốn vào chính mình" khi nằm đọc say mê một cuốn sách, hay viết nhật ký ngoại trừ lúc ngủ. 

May thay, chú nhỏ không thấy mình thiệt thòi khi không hề có được căn phòng riêng như bao bè bạn, nhưng chính cái "ổ ấm cúng" như cách chú nhỏ gọi, lại cho thấy chú yêu chính cái nơi chật hẹp, và luôn thấy ấm áp khi về nhà.

Những góc riêng trong một căn nhà, vô tình thôi, mà từng người qua từng sinh hoạt quen thuộc chọn cho mình. Vậy mà, chính điều nhỏ nhoi này, mỗi người đã gắn bóng đời mình lên đó. Để bất cứ người nào trong cùng một tổ ấm, nhớ về người kia, lại nhớ nhất chính là những lúc họ "thả lỏng" mình ở nơi riêng tư này, sống với chữ "tri túc" trong cái phút giây vô lo hiếm hoi.

Theo tuoitre