Những tưởng Y Julie (trú tại làng Kon Drei, xã Đăk Bla, TP.Kon Tum, Kon Tum) không thể có cơ hội học tập, bởi từ thủa lọt lòng vì em đã không may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa khi mang trong mình chứng đa khuyết tật, không có đôi tay, chân phải bị cong lệch.
Tuy nhiên, với tình yêu thương vô bờ bến của chị Y Djoan và anh A Khuynh (cha mẹ của Y Julie) mà Julie đã lớn lên từng ngày, cùng với đó là ý chí kiên cường không đầu hàng số phận.
Y Julie (xã Đăk Bla, TP.Kon Tum, Kon Tum) đã "viết" cuộc đời mình bằng đôi chân
Không đầu hàng số phận
Trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 30m2 tại làng Kon Drei, xã Đăk Bla, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Y Julie vẫn miệt mài nắn nót từng con chữ trên những trang vở trắng. Những nét chữ tròn trịa, thẳng tắp được viết bằng đôi chân nhỏ nhắn, dị tật của Y Julie.
Chị Y Djoan, 42 tuổi mẹ của Y Julie kể, năm 2001 chị kết hôn với anh A Khuynh, sau một thời gian chung sống thì chị may mắn mang thai Y Julie. Khi Y Julie vừa lọt lòng, đôi vợ chồng trẻ bàng hoàng khi biết con bị dị tật, không có đôi tay, chân phải bị cong lệch.
“Khi nhìn thấy con, vợ chồng tôi sốc nặng, nghĩ về con mà không cầm được nước mắt. Cháu mới ra đời đã phải chịu thiệt thòi về mặt thể xác” – Chị Y Djoan ngậm ngùi chia sẻ.
Kể từ đó, cô bé Y Julie từng ngày lớn lên kèm theo những thiệt thòi, nỗi đau về mặt thể xác. Đôi tay không có, chân phải bị cong lệch, sau này em còn mắc thêm chứng vẹo cột sống và mọc thêm khối u lớn ở lưng khiến cho việc ngồi gặp nhiều khó khăn. Lúc còn nhỏ, em chỉ biết nằm thui thủi ngắm bạn bè cùng trang lứa vui chơi.
Y Julie có thể sử dụng máy tính thành thạo bằng đôi chân của mình
Tuy nhiên, bằng ý chí kiên cường và nghị lực phi thường, em đã khiến cho tất cả mọi người phải nể phục. Năm lên 3 tuổi, em đã tự làm thuần thục việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, lớn lên thêm nữa biết phụ việc nhà.
“Thấy mẹ nhặt rau, nấu cơm cũng biết phụ giúp mẹ, thậm chí còn quét nhà bằng cách nẹp chổi ở cổ. Cây chổi tì lên cổ làm da sưng đỏ, tôi thấy xót quá nên can ngăn, nhưng Y Julie không chịu vì nó không muốn bản thân thành mối bận tâm, gánh nặng của gia đình”, chị Y Djoan kể.
Vượt khó vào đại học
Với thân hình không lành lặn như bao bạn bè, tưởng chừng như giấc mơ đến trường tìm con chữ là quá đỗi xa xôi với Y Julie, thì bất ngờ thay khi lên 4 tuổi em đòi mẹ cho đi học.
Thấy con khiếm khuyết, sợ không theo kịp các bạn nên chị Y Djoan đành để con ở nhà. Hằng ngày nhìn thấy bạn bè cắp sách đi học điều này đã thôi thúc Y Julie đi theo các bạn đến lớp. Không được vào lớp, Y Julie chỉ biết nhìn lớp học qua khung cửa sổ. Thế rồi bắt chước các bạn, cô bé lấy cây khô kẹp vào chân viết những nét nguệch ngoạc lên nền đất.
Nhận thấy khát khao cháy bỏng được đến trường của con gái, vợ chồng chị Y Djoan đành mua sách vở về cho con tập viết. Bất ngờ thay, khi vừa nhận được cuốn vở, Y Julie liền lấy chân phải đè lên giữ cuốn vỡ, 2 ngón cái và trỏ của bàn chân trái cứ thế kẹp cây bút cố nắn nót.
Cuối cùng những kí tự A, B, C cũng dần hiện ra. Từ những ngày đầu khi tập viết bằng chân, chữ của em có phần nguệch ngoạc, ngón chân sưng tấy lên nhưng bằng sự kiên trì, nhẫn nại rồi em cũng tự viết thành thạo chỉ bằng hai ngón chân trái. Suốt 12 năm cắp sách đến trường, chữ viết của Y Julie luôn được thầy cô, bạn bè thừa nhận là nhất nhì của lớp.
Cô giáo Võ Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm của Y Julie khi còn học tại trường THPT Trường Chinh cho biết, mặc dù thiếu hụt đôi tay nhưng bằng chân trái em đã viết nên nét chữ rất đep.
“Trên lớp Y Julie rất chăm chỉ học tập và có tinh thần tự giác cao. Ngoài ra trong các hoạt động của trường, lớp, em tham gia với thái độ rất tích cực. Y Julie luôn là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vượt khó, vươn lên trong cuộc sống lẫn học tập để các học sinh khác noi theo”, cô Hà chia sẻ thêm.
Trải qua 12 năm học, năm nào Y Julie cũng đạt thành tích cao trong học tập, ở lớp, cô bé luôn là học sinh khá giỏi. Thế rồi Y Julie cũng học hết cấp 3, đứng trước ngưỡng cửa đại học cô bé đã lựa chọn theo học ngành công nghệ - thông tin của Phân hiệu Trường đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.
Biết Y Julie đậu đại học, một nhà hảo tâm đã tặng cô bé 1 chiếc máy tính. Không có người hướng dẫn nên Y Julie phải tự “vật lộn” với bàn phím. Chỉ làm quen với máy tính được ít ngày nên Y Julie gõ bàn phím bằng một ngón cái. Hằng ngày phải nhìn màn hình và đôi chân lò dò tìm con chữ khiến đôi mắt và lưng của Y Julie mỏi nhừ.
Cô bé đã thi đậu và theo học ngành công nghệ - thông tin tại Phân hiệu Trường đại học Đà Nẵng tại Kon Tum
Y Julie bộc bạch: “Đôi lúc em thấy các bạn có đôi tay, làm việc gì cũng nhanh, nhìn lại mình còn thua các bạn một khoảng cách khá xa. Em chỉ biết tự động viên mình cố gắng làm thật tốt. Không có tay nhưng em có đôi chân, như vậy cũng có thể làm được rất nhiều việc”.
Dù lạc quan là vậy nhưng những lúc trái gió trở trời, cơ thể Y Julie luôn bị hành hạ bởi những cơn đau. Có lúc cô bé gào khóc như một đứa trẻ lên ba, có lúc lại như người già kiệt sức vì bệnh tật bủa vây. Thế nhưng, sau mỗi cơn đau cô bé vẫn kiên cường lau đi nước mắt, gồng mình rắn rỏi để vươn lên số phận.
Được biết, Y Julie đã phải trải qua hai lần mổ. Năm 2007, em trải qua ca phẫu thuật chỉnh hình chân phải. Đến năm 2015, em tiếp tục phẫu thuật cắt khối u trên lưng để tránh cong vẹo cột sống nhưng không thành công.
Ở nơi vốn còn nhiều khó khăn như làng Kon Drei (xã Đăk Bla), Y Julie xuất hiện như một tia nắng ấm và là tấm gương sáng mang lại niềm tin, nguồn động lực cho rất nhiều người về tấm gương luôn nỗ lực bước qua khó khăn vượn lên khỏi nghịch cảnh trong cuộc sống.
Theo giadinhonline