Ngoài công tác văn thư và quản lý thư viện, cô Lynh luôn cố gắng giúp đỡ đồng nghiệp và đặc biệt các em học sinh khuyết tật của mình - ẢNH: TGCC

Với tấm lòng yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ những người khuyết tật cùng cảnh ngộ, cô Thạch Phương Lynh - người dân tộc Khmer, đang công tác tại trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng, được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội tặng bằng khen về thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập và lao động.

Từ một cô bé rụt rè nhút nhát, sống khép kín, ngoài giờ học hằng ngày chỉ biết giãi bày tâm sự qua những trang nhật ký, cô Lynh đã vượt qua khó khăn, trau dồi tri thức, sống có ích cho xã hội.

Lúc mới sinh ra Lynh là đứa trẻ lành lặn, bụ bẫm, nhưng đến năm 3 tuổi, một cơn sốt bại biệt đã cướp đi đôi chân khỏe mạnh, từ đó Lynh chỉ còn biết dùng ánh mắt hồn nhiên, câu nói ngây thơ thể hiện niềm khao khát chạy nhảy của mình, rồi ánh mắt đó dần trở nên buồn rười rượi pha lẫn niềm u uất. Lynh cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, cô bắt đầu ghét bản thân, trách số phận và tự ti trước mọi người. Nhưng luôn ý thức tự lập, không muốn mình là gánh nặng của người khác, ngoài thời gian đến trường, ở nhà Lynh luôn cố gắng tự xoay sở trong sinh hoạt cá nhân. Lynh còn giúp mẹ "thầu" hết đống quần áo dơ của các thành viên trong gia đình, tỉ mỉ lau sạch từng ngóc ngách của căn nhà đến nỗi ai đến chơi nhà cũng khen. Công việc này dù là những đứa trẻ bình thường cũng khó mà làm tốt, đằng này lại là cô gái không thể tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình như Lynh.

Khi đến với trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng, Lynh đã được nhận lại nhiều hơn tất thảy những gì cô đã mất đi: cô có công việc để làm, có những người đồng nghiệp đáng kính luôn quan tâm chia sẻ hướng dẫn cô tận tình trong công việc, có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người cùng cảnh ngộ, và thế giới trong cô dần mở rộng ra. Lynh cởi mở và lạc quan hơn trước, luôn thấy mình may mắn hơn nhiều người khi có thể ngắm nhìn bầu trời bao la rộng lớn, nghe âm thanh tuyệt vời của cuộc sống. "Các em ở đây không được như vậy, em bị khiếm thính, em khiếm thị, em thì kém trí, tương lai bấp bênh nhưng vẫn rất mực vô tư hồn nhiên, thậm chí còn hỏi han, an ủi khi cô gặp trắc trở trong chuyện tình cảm", Lynh tâm sự và cô quyết tâm thay đổi cách nhìn của mọi người đối với người khuyết tật.

Ngoài công tác văn thư và quản lý thư viện, cô Lynh luôn cố gắng giúp đỡ đồng nghiệp và đặc biệt là các em học sinh khuyết tật của mình. Vào giờ giải lao, cô dành thời gian hướng dẫn cho học sinh khiếm thị cách chơi đàn và ôn bài với các em, rôi những buổi chiều còn giúp các em khiếm thính học vi tính.... Những gì học được là Lynh truyền đạt hết, cô muốn dành tất cả tình yêu thương và tâm huyết của mình cho các em, để các em thấy rằng thế giới này vẫn là nơi tốt đẹp để sống.

Em Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1995) - một trong những học trò được cô Lynh dạy đánh đàn từ khi còn vỡ lòng, cho biết: “Nếu lúc trước không nhờ cô Lynh phát hiện năng khiếu bỏ công bồi dưỡng, khơi nguồn ước mơ giúp em có thêm niềm tin thì sau khi học hết lớp 5 ra trường tỉnh, em không thể nào tiếp tục con đường học vấn trên thành phố và em cũng không thể có công việc ổn định như hiện nay là nhạc công đánh đàn guitar ở các phòng trà”.

Chị Bùi Thị Hồng Nhã (ngụ phường 10, TP. Sóc Trăng) lúc chưa quen biết Lynh, ngoài 30 tuổi vẫn chỉ quanh quẩn trong nhà, sau thời gian ngắn nhờ có Lynh đến tận nhà vận động, tư vấn đã trở thành một phụ nữ tự tin, sẵn sàng ra khỏi nhà, đi bất cứ nơi đâu và làm những gì mình thích; hay em Trương Bích Thủy (sinh năm 1993, nhà ở Đại Tâm) là cô học trò khiếm thính, nổi tiếng bướng bỉnh hay có thái độ chống đối, nhưng từ ngày được cô Lynh giúp đỡ, dùng tình yêu thương và vốn kiến thức kinh nghiệm sẵn có, thì em trở nên ngoan ngoãn và chịu đi làm công việc do chính cô Lynh giới thiệu. Ngoài ra, cô Lynh còn giúp đỡ em Nguyễn Thị Kim Ngân (ngụ phường 3, TP. Sóc Trăng) bị khiếm thính tìm được chỗ làm ở cơ sở in lụa trong thành phố...

Chia tay Lynh tôi nhớ hoài hình ảnh một cô gái Khmer nhỏ nhắn, mỗi ngày hai lượt đi về đều ngồi trên xe ba bánh, chở theo lỉnh kỉnh nào chai nước uống, tài liệu và cả đôi nạng gỗ... nhưng trên môi luôn nở nụ cười lạc quan. Khi đó Lynh đã kể cho tôi nghe về ước mơ viết bằng niềm tin và sự nỗ lực của tâm hồn thánh thiện: “Mọi thứ trong cuộc đời đều có giá của nó. Được cái này thì phải mất cái kia, muốn nhận thì phải cho, muốn có thành công và hạnh phúc lâu bền thì phải trả giá bằng chính nỗ lực và cố gắng”. Tôi hình dung, có vẻ như Lynh bước ra từ một thế giới khác, một thế giới thấm đẫm tình yêu cuộc sống, có lẫn nỗi đau, niềm hạnh phúc và hoài bão của kiếp người. Giờ đây Lynh đã hoàn thành giấc mơ còn bỏ ngỏ của mình trước kia là tạo dựng cho mình một gia đình nhỏ, bên cạnh người đàn ông biết chia sẻ, quan tâm, tôn trọng mình cùng đứa con trai bé bỏng vô cùng kháu khỉnh. Lynh cười bẽn lẽn như vầng trăng non lánh lánh tưới mát cơn khát vọng yêu thương.

Theo thanhnien