13/8/2020

Trong căn nhà nhỏ, Thường (ở giữa) sống cùng bà Linh (phải), bà Minh (mẹ ruột), bà Thái (đang đi giúp việc) - Ảnh: HÀ THANH

Gia đình ông ngoại em có rất nhiều người bị bệnh về thần kinh, ông đặt tên em là Thường với mong muốn em có cuộc sống tốt đẹp hơn, bình thường, khỏe mạnh, an lành như những người khác.

NGUYỄN THỊ THƯỜNG


Sinh ra không có cha nhưng Thường có đến ba người mẹ: mẹ Linh, mẹ Thái và mẹ ruột em là Minh. Ba người phụ nữ đơn thân cùng nương tựa với nhau trong mái nhà đơn sơ vỏn vẹn 24m2, dành hết tình yêu thương cho cô con gái độc nhất.

Niềm hạnh phúc "x3"

"Em gọi cả ba người là mẹ, có thể không tốt nhất với người khác nhưng lại tốt nhất theo cách của họ có thể. Hai người mẹ không được minh mẫn như người bình thường, nhưng em vẫn cảm nhận được họ luôn dành tình cảm cho mình, tuy rằng không thể hiện ra như lối thông thường. Hạnh phúc này giúp em vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống", Thường bộc bạch.

Mẹ ruột em không tỉnh táo, thường đi lang thang qua cánh đồng, cổng làng từ sáng sớm có khi đến tối mịt mới về. Còn mẹ Thái thỉnh thoảng căn bệnh mới bột phát, may mắn vẫn có người trong làng thuê đi giúp việc nhà. 

Để nuôi sống cả bốn miệng ăn, một tay bà Nguyễn Thị Khánh Linh (56 tuổi) tần tảo sớm hôm cắt rau mang ra chợ bán, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trên cánh đồng làng.

Thường nhớ, có những đêm trở mình thấy mẹ Linh lục đục dậy vác liềm ra đồng từ lúc đồng hồ điểm sang ngày mới, liền xin mẹ đi cùng. 

"Ánh trăng soi tỏ, nhìn thấy bóng lưng của mẹ lúi cúi hái rau cực nhọc, em cảm nhận mình đang được nuôi lớn không phải bằng tiền mà bằng tình thương. Chưa bao giờ mẹ than khổ, trái lại nói may mắn vì trời cho một đứa cháu, một đứa con", Thường trải lòng.

Cứ thế, Thường lớn lên trong sự đùm bọc, thương yêu của ba người mẹ mà chưa một lần hỏi đến sự vắng mặt của cha. Thế nhưng trong một lần sinh hoạt thôn, có đứa bạn buột miệng nói "đứa không có bố", đó là lần đầu tiên nỗi buồn... lớn hơn một chút khiến cô buồn mất mấy đêm liền. 

Nhưng rồi sớm mai thức dậy, Thường thấy cuộc sống gia đình vẫn trắc trở như thế, nếu cứ buồn mãi thì sẽ luẩn quẩn trong cái nghèo, trong khổ sở và sự coi thường của người khác. 

"Em quyết tâm học tập thật tốt, giáo dục là con đường duy nhất giúp mình thay đổi hoàn cảnh này. Mỗi ngày đến trường luôn cố gắng, vì em biết được ngồi trong lớp học, có sách vở, có phòng mát mẻ là nhờ sự hi sinh rất nhiều của ba người mẹ", Thường giãi bày.

Cô tìm đến sách, những cuốn sách "Hạt giống tâm hồn" ngày ấy bao bọc lấy tâm hồn, tuổi thơ của cô gái nhỏ. Thường nhớ như in mỗi lần mẹ Linh đi chợ đều gửi em vào một hiệu sách của huyện, hễ mẹ có tiền là cho em mua sách. 

Những cuốn sách nuôi dưỡng Thường lớn lên, giúp ích cho em rất nhiều trong quá trình học tập, khi các bạn cùng nhìn về một hướng thì Thường nhìn theo hướng khác mới lạ, độc đáo hơn.

Động lực

"Nói đến cảnh mẹ con nuôi nhau thì vất vả lắm", nói đến đây bà Linh bật khóc. Mẹ của Thường - em gái bà - bị tâm thần, thế là từ ngày em gái "bụng mang dạ chửa", một tay bà Linh cưu mang hai mẹ con. Để cháu đói cháu ốm, bà không đành, có những ngày trong nhà không có nổi một đồng, bà phải chạy vạy khắp nơi kiếm tiền mua sữa cho cháu.

"Em nhớ hình ảnh mẹ đi vay tiền mua sữa cho mình. Chưa bao giờ mẹ để em thiếu sữa", Thường xúc động. Thương các mẹ nên Thường luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, phụ các mẹ dọn dẹp nhà cửa, chăm thêm đàn gà con trong nhà. 

Cô gái nhỏ nhắn giãi bày luôn cố gắng hoàn thành tâm niệm của các mẹ "có một người con khỏe mạnh, sống tốt, sống tạo ra giá trị, đóng góp cho cộng đồng".

Miệt mài đèn sách, suốt 12 năm qua Thường thường xuyên "ẵm" nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Từ năm lớp 6 đến năm lớp 9, đạt giải Olympic toán cấp huyện, giải nhì môn văn cấp thành phố năm lớp 9, hai năm liền đạt giải nhất môn văn cấp trường lớp 10, 11 và giải nhì môn văn cấp cụm năm lớp 11. 

Mới đây, cả xã Hương Ngải xôn xao khi hay tin Thường nhận giấy báo đỗ đại học, trúng tuyển vào Trường ĐH Fulbright Việt Nam, được hỗ trợ 100% tài chính với 4 năm học tập tại trường.

Ngày nhận tin trúng tuyển, Thường đọc tin trong vỡ òa, đọc đi đọc lại nhiều lần đến mức... thuộc lòng. "Có thể nhiều người nghĩ em may mắn, nhưng em nghĩ sự may mắn được hình thành bởi chính nỗ lực của em trong quá khứ. Em sẽ cố gắng hơn nữa khi khoác áo sinh viên đại học, để mọi người công nhận rằng mình hoàn toàn xứng đáng", Thường xúc động chia sẻ.

Còn với bà Linh, có lẽ trong suốt cuộc đời chưa bao giờ biết đến số tiền lớn như vậy, nay bà vui quá đi khoe khắp hàng xóm láng giềng. "Hôm nhận được giấy báo của cháu, thấy phấn khởi nhất trong cuộc đời. Mấy ngày nay, tôi ăn cơm muối cũng thấy phấn khởi. Chỉ mong cháu có nghề, thành đạt để có cuộc sống đầm ấm, sau này còn xây dựng hạnh phúc gia đình, không vất vả như đời các mẹ", bà Linh nhắn nhủ đến cô con gái gọi bà bằng mẹ.

Mùa thu này Thường sẽ từ Hà Nội vào TP.HCM, cách xa nhà hàng ngàn cây số, đây là lần đầu tiên em đi xa đến như thế. "Em nhớ lúc phỏng vấn, nhà trường cũng hỏi: "Nếu vào trong này, em nghĩ sao về quyết định bỏ lại gia đình phía sau?". Em nghĩ bây giờ mình ở với các mẹ được 4 năm nhưng còn mai sau thì sao? Vào trong kia có môi trường tốt, việc em học tập tốt, sống mạnh khỏe là điều lớn nhất với gia đình em, nhưng trong tương lai em sẽ còn giúp được nhiều người hơn nữa", Nguyễn Thị Thường quả quyết.

Thức tỉnh "đại bàng"

Năm Thường học lớp 7, chị Vũ Thị Dung, người sáng lập "Khát vọng", tìm đến em khi biết đến hoàn cảnh của gia đình. Kể từ ngày ấy, Thường được hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Thường có ba người mẹ, nay có thêm một ngôi nhà chung luôn dang rộng cánh tay hỗ trợ em khi cần.

"Thường là cô bé ngoan hiền, từ lần gặp đầu tiên tôi đã ấn tượng bởi đôi mắt của em. Câu chuyện của Thường làm tôi liên tưởng đến câu chuyện một chú đại bàng con rơi vào ổ gà, bạn có phẩm chất của chú đại bàng nhưng là tiềm ẩn.

Mình cần phải khám phá ra phẩm chất, thức tỉnh phẩm chất "đại bàng", hướng dẫn em những kỹ năng, thích nghi để có thể "bay vào bầu trời". Chúng tôi tìm ra tiềm năng, vẻ đẹp ẩn sâu bên trong các con, giúp các con khám phá, bồi đắp để đẹp hơn, tỏa sáng hơn", chị Dung chia sẻ.

Theo tuoitre