|
|
Chân dung Thuận An. Ảnh: NVCC |
Cuộc phiêu lưu không định trước
Khi lên 13 tuổi, Thuận An đã nuôi ước mơ du học ở Anh. Tuy nhiên, chị đã chọn "di chuyển" với một tốc độ khác, bởi gia đình không dư dả, bố làm công nhân, mẹ là giáo viên về hưu.
Bắt đầu kể về hành trình nhen nhóm ước mơ ở xứ người, Thuận An nói rằng, đây là một cuộc phiêu lưu không định trước. "Tôi không nghĩ bất kỳ một cô bé 13 tuổi nào có thể định hình được bước đường tương lai. Có chăng, tôi đã thành thật với bản thân khi thật sự muốn, không muốn điều gì. Trên hành trình tự mò mẫm, tôi tìm thấy được nhiều ngóc ngách của chính bản thân mà chưa từng biết đến. Có thể xem nó là một cách lý giải cho việc tôi chọn đi con đường ngoằn ngoèo hơn", Thuận An chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Trường THPT Phan Đình Phùng, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), Thuận An theo học ngành Tài chính quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương TPHCM.
Khi biết đến chính sách cho vay của chính phủ Singapore dành cho sinh viên quốc tế, Thuận An vượt qua sự hoài nghi của mọi người xung quanh, liều lĩnh xin nghỉ giữa chừng để ứng tuyển vào Đại học Quản lý Singapore (SMU). Ngoài các khoản học bổng, hỗ trợ, Thuận An phải vay nợ thêm 50.000 SGD (khoảng 920 triệu đồng) với hạn trả trong 20 năm sau tốt nghiệp để bắt đầu một cuộc "phiêu lưu", khám phá tri thức của mình.
"Tôi không chắc có thể đưa ra câu trả lời cụ thể về "động lực nội sinh" sau sự liều lĩnh ấy. Tôi lớn lên với nhiều sự khước từ và định kiến về hoàn cảnh gia đình khiến bản thân trở nên cứng rắn trước ánh nhìn của người khác. Tôi mặc nhiên bỏ qua việc than trách, so sánh hoặc cố chứng minh bản thân mà tập trung vào làm điều mình thích và xây dựng một vòng tròn những người trân trọng giá trị của mình", Thuận An nói.
|
|
Thuận An tốt nghiệp Đại học Quản lý Singapore (SMU) thời điểm hè năm 2020. Ảnh: NVCC |
Với khoản nợ gần 1 tỷ đồng, Thuận An vừa đi học, vừa làm thêm nhiều công việc như trợ giảng, nhân viên thư viện, phòng gym. Những phút chạnh lòng và tự vấn bản thân, Thuận An thường nghĩ về lý do khiến mình bắt đầu và nghĩ về tương lai với một vài viễn cảnh tích cực.
Cô gái Phú Yên lý giải: "Có thể đó chỉ là một cách tự đánh lừa cảm xúc để tạm gác qua những lo lắng, áp lực hiện tại. Nhưng ít nhất, mình thấy nó hiệu quả khi giữ cho mình tiếp tục cuộc hành trình".
Thuận An tốt nghiệp Đại học Quản lý Singapore (SMU) thời điểm hè năm 2020, ngay lúc dịch COVID-19 lên đỉnh điểm ở đất nước này. Trước cơ hội việc làm khan hiếm, Thuận An dấn thân vào lĩnh vực công nghệ thông tin, trở thành quản lý mảng kinh doanh tại một công ty tư vấn giải pháp phần mềm và trả hết nợ học phí trong gần hai năm.
Bước chuyển ở Anh - nơi tình yêu bắt đầu
Tháng 12 vừa qua, Thuận An trào dâng hạnh phúc khi nhận được thư thông báo trúng tuyển của 4 trường kinh doanh top đầu thế giới: INSEAD tại Pháp ở vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng trường MBA tốt nhất thế giới của QS World University Ranking; trường Kinh doanh London (LBS) ở vị trí thứ ba, Đại học Cambridge hạng 8 và Oxford xếp hạng 9. Thuận An đã chọn trường Kinh doanh London (Anh) - nơi mà cô ước mơ du học từ nhỏ.
"Tôi muốn học ở Anh khi tôi 13 tuổi, nhưng dường như tôi luôn "di chuyển" với một tốc độ khác, như một chú rùa. Hành trình 7 năm của tôi ở Singapore sẽ đến một thời điểm tạm dừng. Ở thời đại bây giờ, tôi không nghĩ 29 tuổi là quá trễ để bắt đầu học tiếp. Tất nhiên, tôi không phủ nhận những khó khăn rất riêng của nữ giới khi theo đuổi con đường học tập và sự nghiệp. Nhưng, sẽ thật tiếc nếu ai cũng đưa mình vào khuôn khổ và kỳ vọng chung của mọi người mà bỏ qua ước muốn cá nhân", Thuận An nói.
|
|
Thuận An có một khởi đầu mới ở tuổi 29. Ảnh: NVCC |
Trong 5 bài luận của Trường Kinh doanh London yêu cầu, gồm 2 bài dùng xét tuyển và 3 bài để xét học bổng. Thuận An đã viết về những trải nghiệm lớn lên ở miền Trung và vấp ngã từng gặp phải, viết về mùi hăng của dầu hỏa hay mùi tóc khét mỗi khi học bài mà vô tình nghiêng đầu bên đèn dầu...
"Tôi không cố đoán xem người đọc muốn nghe điều gì để điều chỉnh nội dung và cách viết tương ứng. Thay vào đó, tôi cố gắng biến các bài luận và toàn bộ các câu trả lời ngắn thành một cuộc trò chuyện và chia sẻ từ cá nhân mình tới trường. Đó nên là một cuộc trò chuyện nhất quán và đầy đủ dẫn chứng khi cần thiết. Tôi tin, giữa vài nghìn hồ sơ nộp về, hội đồng sẽ muốn trò chuyện thêm (chính là cơ hội được phỏng vấn- PV) với người họ thích thú, tò mò, hoặc thông cảm", Thuận An nói.
Thời gian làm việc ở Singapore, Thuận An luôn biết ơn những người tử tế xung quanh đã viết lên một hành trình đáng nhớ, tạo cho cô một bước đệm vững chắc. Chuẩn bị đến Anh sau gần 2 thập kỷ nuôi ước mơ tới xứ sở sương mù, giờ đây, Thuận An đã đủ tự tin để thực hiện điều đó.
"Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa khi biết rõ việc mình làm và ảnh hưởng của chúng. Tôi không cố gạt qua nỗi sợ thất bại vì bản thân mình cũng thường phải đối mặt với nó. Tôi xem nó như một phần tất yếu, chỉ cần giữ nó ở mức động lực thay vì sợ hãi, để duy trì một đời sống tinh thần lành mạnh", Thuận An nói. |
Theo tienphong