Nguyễn Ngọc Thanh Thanh - MAI HÂN
Là con gái nhưng lại mê ngành kỹ thuật
Nguyễn Ngọc Thanh Thanh (quê TP.HCM, 21 tuổi) sang Mỹ du học từ năm lớp 11 tại Trường CĐ Highline. Thanh Thanh chọn học chương trình vừa học văn hóa vừa học nghề nên năm 19 tuổi cô đã có bằng CĐ và đi làm.
Điều thú vị là cô gái này thích trang điểm, đi đâu cũng… gắn mi cong cho thêm phần xinh đẹp, lại chọn học ngành kỹ thuật điện, một nghề tưởng chỉ dành cho nam giới. Thanh Thanh kể: “Không hiểu sao ngay từ nhỏ em đã thích tìm hiểu về điện, điện tử, máy móc… Em chọn học ngành này ở Mỹ một phần do yêu thích, thấy nó thú vị, một phần do Mỹ sẽ hỗ trợ những người học các nghề về toán, khoa học kỹ thuật (STEM) có thể ở lại làm việc 2,5 năm sau khi học. Buồn cười nhất là lớp học cả trăm người, thì chỉ mỗi mình em là con gái. Ở Mỹ, người học về kỹ thuật đa số là nam giới. Mỗi lần thuyết trình em toàn được các bạn nam ưu tiên cho lên sau cùng để có thời gian chuẩn bị”.
Thanh Thanh nữ tính nhưng lại mê ngành điện - MAI HÂN
Học xong, Thanh Thanh đã có một năm làm công việc nhân viên hỗ trợ phần cứng IT ở Mỹ. Theo Thanh Thanh, con gái làm công việc này rất thuận lợi, đi đến đâu cũng được chào đón và được khách hàng đối xử rất nhẹ nhàng. “Em còn thấy nữ có những tố chất rất cần cho nghề nghiệp, đó là tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, cẩn thận… Trong khi nam giới thường nóng tính và thiếu sự nhẫn nại hơn. Em đi làm toàn được sếp khen hoàn thành tốt công việc”, cô gái mê ngành điện này kể.
Tết Nguyên đán vừa rồi, Thanh Thanh về nhà ăn tết với dự định sau đó sẽ sang Mỹ để học sâu vào chuyên ngành điện - điện tử mà mình yêu thích ở bậc ĐH. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch. Sau nhiều ngày trăn trở, suy tính, Thanh Thanh đã tìm đến Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng để tìm hiểu và quyết định sẽ đăng ký học ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, không quay lại Mỹ nữa.
Học trung cấp, CĐ hay ĐH đều có thể có công việc tốt
Sau một thời gian học và làm việc ở Mỹ, Thanh Thanh nhận ra dù học ở đâu, bậc học nào, làm việc ở Mỹ hay Việt Nam, thì đều cần phải có sự cố gắng, nỗ lực và ham học hỏi.
“Hồi ở Việt Nam, mình vẫn nghĩ và tin rằng môi trường học tập và làm việc ở Mỹ sẽ giúp mình học giỏi hơn, làm giỏi hơn. Điều đó chỉ đúng một phần. Thực tế, lớp học của mình vẫn có rất nhiều sinh viên lười học, hoặc tốt nghiệp xong vẫn không thể làm việc. Là bởi vì họ cũng không có mục tiêu, cũng không có sự cố gắng. Nhiều bạn bè của mình ở Mỹ còn chưa học xong, có bạn bỏ học lập gia đình. Mình đã ngộ ra, dù ở đâu, môi trường nào thì cũng phải dựa vào chính bản thân. Đừng nghĩ rằng mình sang Mỹ thì mình sẽ có cơ hội hơn, không đâu, nếu bạn lười nhác và không có đam mê thì bạn cũng sẽ thất bại thôi”, Thanh Thanh nhìn nhận.
Nói về lý do chọn ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử ở Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Thanh Thanh chia sẻ: “Em muốn học chuyên sâu hơn để sau này học tiếp lấy bằng kỹ sư. Vì ngành này ở trường đã được ABET, một tổ chức kiểm định của Mỹ công nhận, nên em tin vào chất lượng đào tạo. Đến lúc này em đã đủ trải nghiệm để nói rằng dù học ĐH hay học nghề thì cũng để có một công việc tốt, vì thế, bạn trẻ không nên phân biệt. Có đam mê với nghề và nỗ lực hết mình mới giúp bạn thành công chứ không phải là bằng cấp làm nên thành công”.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: “Đây là lần đầu tiên trường có thí sinh từ nước ngoài về đăng ký học. Bên cạnh đó, gần đây cũng có một số sinh viên đang học ĐH hoặc đã tốt nghiệp ĐH nộp hồ sơ. Từ những trường hợp này, trường đã họp bàn và xây dựng quy chế tuyển thẳng. Theo đó, những thí sinh đã tốt nghiệp ĐH, CĐ muốn học thêm nghề hoặc chuyển đổi ngành/nghề, những du học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương (được Bộ GD-ĐT công nghận) đang học ĐH, CĐ ở nước ngoài nay có nhu cầu học nghề, sẽ được xét tuyển thẳng. Những môn nào thí sinh đã học sẽ được trường xem xét các môn tương đương để giảm”. Ngoài ra, theo tiến sĩ Lê Đình Kha, nữ đăng ký học các ngành kỹ thuật tại trường còn được giảm 25% học phí.
Theo thanhnien