Các bạn trẻ mua sắm đồ cũ tại phiên chợ đồ cũ tổ chức định kỳ vào cuối tháng ở Q.2, TP.HCM - Ảnh: M.PHƯỢNG
Cách đây 7 năm, chương trình hỗ trợ thanh thiếu niên khó khăn được anh Nguyễn Công Hằng (nay là phó giám đốc Trung tâm CTXH thanh niên TP.HCM) đề xuất thực hiện. Minh Thuận là một trong 80 bạn trẻ đã được hỗ trợ thời gian qua.
Trang mới cho bạn trẻ đường phố
Cha mẹ chia tay từ khi Thuận còn rất nhỏ. 13 tuổi, Thuận rời nhà vào đời sớm vì thấy mẹ quá khó khăn, sống tại công viên 23-9. Bao phen bị đàn anh cho "lên bờ xuống ruộng", Thuận ám ảnh cái cảnh phải vật vờ qua đêm ở ghế đá công viên.
Có hôm Thuận đi làm thuê có ít đồng, vào tiệm chơi game và ngủ nhờ, vậy là cũng đã quá sang cho một trẻ đường phố.
"May sao mình được giới thiệu đến Trung tâm CTXH thanh niên TP và học nghề tại trường nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ khó khăn" - Thuận nhớ lại.
Sau ba tháng, Thuận bỏ ngang vì thấy mình không mê làm bánh. Rồi tiếp tục nhờ sự giới thiệu của trung tâm, Thuận học tiếng Anh tại một dự án của tổ chức phi chính phủ.
"Một năm học tiếng Anh, mình hết sức khó khăn vì không đi làm thêm gì được. Số tiền hỗ trợ mỗi ngày của dự án cũng chỉ đủ tiền xe buýt đi học tận Gò Vấp. Những ngày ấy, nhiều khi nghĩ bế tắc, tủi thân ghê lắm. Dù nơi ở đã được trung tâm lo hoàn toàn nhưng khoản ăn uống chỉ toàn ăn mì gói cũng xin từ trung tâm" - Thuận chia sẻ.
Cũng từ lớp học tiếng Anh này, Thuận một lần nữa được giới thiệu đến học nghề tại Lò bánh mì Pháp cũng là một dự án của tổ chức phi chính phủ.
Thuận cho hay: "Có lẽ nghề đã chọn mình. Khi học ở đây mình học được tinh thần cầu tiến, sống có khát vọng". Nhờ vốn tiếng Anh lưu loát, Thuận luôn là người tự tin giới thiệu về chương trình hay những món bánh do chính nhóm làm ra khi có các đoàn khách người nước ngoài đến tham quan.
Có nghề sẽ bớt chông chênh
Đa phần bạn trẻ đường phố ở độ tuổi 16 được các cán bộ của Trung tâm CTXH thanh niên TP.HCM thuyết phục về. Hoặc những bạn trẻ quá khó khăn từ các vùng quê xa cũng được trung tâm tiếp nhận.
"Quy định của trung tâm là đến 16 tuổi, các bạn tự lo cho bản thân. Mình đề xuất thực hiện chương trình hỗ trợ các bạn, ban đầu là có nơi ở tạm, sau đó giới thiệu học nghề. Khi có nghề trong tay, cuộc đời các bạn sẽ bớt chông chênh hơn" - anh Nguyễn Công Hằng cho hay.
Có bạn đã làm bếp phó hay bếp trưởng các nhà hàng có tiếng trong TP, hay như bạn Nguyễn Văn Đạt ở Tây Ninh còn về quê mở được tiệm bánh, lập gia đình và sống được với nghề.
Ở tận vùng sâu huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, Đỗ Văn Hưng học xong lớp 12, gia cảnh quá khó khăn và được giới thiệu vào trung tâm theo học nghề bếp. Hưng vừa hoàn thành chương trình và hiện làm phụ bếp cho một nhà hàng tại TP. "Mình phụ bếp để thuần thục nghề hơn nữa, mình học thêm cách quản lý, mai này tích lũy vốn sẽ mở một quán ăn hay nhà hàng" - Hưng nói.
Anh Công Hằng chia sẻ thêm cùng với việc hỗ trợ các bạn học nghề như nấu ăn, phục vụ khách sạn, pha chế, làm bánh, hớt tóc..., trung tâm còn kết nối, giới thiệu các bạn học văn hóa, học tiếng Anh để có thêm những cơ hội tốt hơn.
"Trong các bạn đã có hai người được học bổng du học nghề tại nước ngoài cũng là nhờ các bạn luôn cố gắng và được học tiếng Anh một cách bài bản" - anh Hằng nói.
Sẽ truyền lại cho các bạn đi sau
Được chọn thực tập tại một resort 5 sao ở Phú Quốc, Thuận tốt nghiệp với vị trí thứ tư của khóa nhưng niềm vui vỡ òa khi bạn được trao suất học bổng về nghề làm bánh mì với thời gian ba năm tại Bỉ.
"Mình sẽ đi học để mai này trở về dạy lại các bạn trẻ hoàn cảnh khó khăn như mình đã từng phải trải qua" - Thuận nói trước khi chia tay mọi người lên máy bay sang Bỉ theo đuổi giấc mơ nghề làm bánh của mình.
Theo tuoitre