Hành trình đó vô cùng gian nan và không ít thử thách, đặc biệt là với một cô giáo trẻ mới ra trường. Nhưng đến nay đã 30 năm cô Hồ Ngọc Huyền đồng hành cùng những trẻ em kém may mắn ở Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Vất vả gì bằng dạy trẻ đặc biệt

Lần đầu chứng kiến một buổi học của học trò khiếm thính, chúng tôi đã thốt lên như vậy vì thật sự nể phục hành trình gieo chữ gian nan của những thầy, cô giáo chọn cho mình sứ mệnh đặc biệt này.

leftcenterrightdel
 Mỗi bài học, cô Huyền phải luyện và giải thích từng từ cho các em nghe, hiểu bằng tổng hòa các cách thức

Bắt đầu buổi học, cô Huyền cho các em ôn bài chính tả cũ. Dẫu là bài cũ nhưng có những đoạn cô phải dùng hết mọi cách thức, từ đánh vần, phát âm thật rõ khẩu hình, lặp đi lặp lại những từ đó, cho đến kết hợp cả ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ ký hiệu để diễn giải cho các em hiểu. Có những em nhanh nhẹn, hiểu và nhớ bài nhanh, nhưng cũng có những "ca rất khó".

Dù khó đến đâu, cô vẫn nhẫn nại đứng kế bên, đánh vần từng chữ cùng các em. Hôm đó, khi đến câu "Cánh tròn ngón xinh" trong bài chính tả Hai bàn tay em, dẫu dùng hết mọi cách truyền đạt nhưng có một em vẫn không hiểu, cô Huyền liền ngắt một bông hồng giả trang trí trong lớp để diễn tả trực quan về cánh hoa có hình tròn… Lúc này, em học sinh gật gù tỏ ra hào hứng vì đã hiểu và chép câu chính tả vào tập.

"Có những bài học sẽ rất khó so với các em, nên mình phải hạ mục tiêu thấp xuống, chia nhỏ bài học. Cũng chính đặc thù này mà từ lớp 1 đến lớp 5, một cấp lớp tại trường phải học 2 năm. Một bài kiến thức như chương trình bình thường thì các em không thể tiếp thu trong một buổi dạy, cho nên phải chia nhỏ, luyện và giải thích từng từ cho các em hiểu. Không những thế còn phải lặp đi lặp lại, hôm nay học xong, ngày mai sẽ tìm cách lồng vào để nhắc liên tục cho các em", cô Huyền tâm sự.

Vì khiếm khuyết nên các em thường tự ti, không dám giao tiếp, tiếp xúc với mọi người, rất nhiều trường hợp khi nhập học đã trong tình trạng tự kỷ. Chính vì thế, giáo viên ở đây không chỉ dạy kiến thức, cùng học trò tìm lại âm thanh cuộc sống, mà còn giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng…

leftcenterrightdel
 Cô Huyền lúc nào cũng nhẫn nại đứng kế bên, đánh vần từng chữ cùng các em

Hôm đến trường, chúng tôi gặp Lê Hoàng Anh. Cậu học trò học lớp 9 lễ phép chào và chủ động bắt chuyện. Nếu không nhìn thấy máy trợ thính Hoàng Anh đang đeo bên tai, không nghe kể câu chuyện của em, chắc chắn chúng tôi khó có thể nhận ra đây là cậu học trò khiếm thính và từng bị rối loạn phổ tự kỷ.

Hoàng Anh kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của mình, em cũng nghe và hiểu hết những gì chúng tôi trò chuyện cùng em.

"Trước đây em tự kỷ là do em bị khuyết tật, không ai chơi chung. Các bạn không ai nói chuyện với em, phân biệt và xa lánh, nên em chỉ thui thủi một mình. Mỗi ngày không đi học, ở nhà em cũng thui thủi một mình, rồi coi ti vi cả ngày. Chính vì thế, em không biết nhiều về từ ngữ để giao tiếp với mọi người, em tự ti và thu mình lại", cậu học trò kể và cho biết ngày đó chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có thể có một Hoàng Anh đầy tự tin, nói và nghe tốt như bây giờ.

"Giờ đây em rất hạnh phúc. Em biết ơn các giáo viên ở đây, biết ơn cô Huyền, cô như người mẹ của em. Em được như ngày hôm nay là nhờ vào tình thương bao la của các cô", Hoàng Anh xúc động tâm sự.

Hiện tại, Hoàng Anh được tài trợ cho đi học ngôn ngữ ký hiệu với mong ước trở thành giáo viên ngôn ngữ ký hiệu trong tương lai để giúp đỡ lại những trẻ khiếm thính như mình. Cô Huyền cũng cho biết trước đây thường sẽ có giáo viên làm nhiệm vụ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tại các buổi lễ cho học sinh, nhưng giờ đây công việc này đã do Hoàng Anh đảm nhận.

Lớp học cô Huyền đang đảm nhận là lớp 3, các em nghe kém, nói vẫn còn rất ú ớ và những người mới tiếp xúc như chúng tôi sẽ không thể hiểu được. Để các em được như Hoàng Anh hôm nay, hay như bao thế hệ học trò của trường đã gặt hái nhiều thành công, có công ăn việc làm ổn định sau khi ra trường… sẽ là cả một quá trình vô cùng gian nan của những người giáo viên chọn cho mình sứ mệnh đặc biệt này.

Tình yêu thương bao la của cô giáo với trẻ khiếm thính

Thấm thoắt đã 30 năm cô Huyền đồng hành cùng trẻ khiếm thính. Những ngày đầu vô cùng khó khăn, có lúc đã xao lòng, cô Huyền cũng không dám nghĩ mình sẽ đi được đến tận ngày hôm nay. Tuy nhiên, tình yêu thương bao la với trẻ khiếm thính đã giúp cô vượt qua tất cả và không thể rời xa các em.

leftcenterrightdel
 Cô Huyền yêu thương các em như con của mình và các em cũng xem cô Huyền như người mẹ thứ hai

Cô Huyền kể trước đây có bà ngoại và dì làm công tác dạy trẻ khuyết tật. Trong một lần về thăm ngoại, thấy ở nhà ngoại có vài đứa trẻ khiếm thính, các bé chỉ nói chuyện với nhau bằng những ngôn ngữ ú ớ và rất khó nghe.

"Trước đây mình hay nghĩ nghèo khổ là bất hạnh, kém may mắn nhưng sau khi tìm hiểu mới biết những đứa trẻ khiếm thính mới là bất hạnh. Sinh ra đã mất đi khả năng nghe, mất đi âm thanh của cuộc sống, thật sự đó là một thiệt thòi rất lớn", cô gái trẻ ngày đó trắc ẩn.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, bà ngoại cũng mất, cô Huyền quyết định nối bước ngoại để đồng hành cùng những học sinh đặc biệt.

"Dù rất quyết tâm, nhưng lúc đầu rất nhiều khó khăn. Mình không biết phải nói làm sao cho các em hiểu và các em nói mình cũng không hiểu luôn. Do ngày đó không có Khoa Giáo dục tiểu học đặc biệt như bây giờ, nên mình chưa được tiếp cận các phương pháp dạy trẻ khiếm thính. Thế rồi, có khóa học ngắn hạn nào tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật TP.HCM thì mình đều tham gia. Thậm chí, mình còn lặn lội ra Hà Nội để tham gia các khóa học và hội thảo về can thiệp sớm cho trẻ. Hay Phòng Giáo dục tổ chức khóa dự giờ nào mình cũng đi dự để mang những cách dạy mới, hay về áp dụng cho các em", cô Huyền nhớ lại.

Hỏi cô Huyền: "Khó khăn và gian nan như thế, có bao giờ cô nản lòng?". Cô cười hiền và nhẹ nhàng nói: "Cũng có lúc mình xao lòng, muốn đi ra ngoài. Bạn bè cũng nói nhiều lắm, dạy ở đây lương thì thấp, chế độ cũng không có. Cũng có lúc mình nghĩ lỡ mà đau bệnh hay bị căn bệnh hiểm nghèo nào đó thì không biết tiền đâu chữa trị. Nhưng cũng tự nói với bản thân rằng giờ đã chọn đi theo rồi thì cứ cố gắng, biết đâu mình mất cái này nhưng được cái khác. Và cái được đó là cảm thấy tâm bình an, vừa dạy học vừa giúp đỡ cho những hoàn cảnh kém may mắn như các em. Đó là hạnh phúc của mình".

Các em ở đây khi được hỏi về cô Huyền đều đưa tay thành hình trái tim đặt trước ngực thể hiện tình yêu thương vô vàn với cô. Các em xem cô Huyền như là mẹ và cô cũng xem học sinh của mình như là con. Vì xem các em là con của mình, nên những người mẹ đặc biệt như cô Huyền không thể nào bỏ các em đi. Dẫu khó khăn hay nhiều thử thách như thế nào, cô vẫn ở đó, cùng các em tìm lại âm thanh cuộc sống và chứng kiến học trò trưởng thành, phát triển mỗi ngày.

Cô Nguyễn Thị Thân, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng, xúc động nói: "Dù ở nhiệm vụ nào cô Huyền cũng rất trách nhiệm, chăm lo cho các em học sinh ân cần, chu đáo. Trong việc dạy, cô Huyền có rất nhiều sáng tạo để giúp những giờ dạy và học không còn thụ động, các em tiếp thu bài hiệu quả hơn. Vì sự ân cần, chu đáo và yêu thương các em hết mực nên không chỉ những lớp cô Huyền đảm nhận mà tất cả học sinh ở trường đều rất yêu quý. Nhiều học sinh sau khi ra trường vẫn thường xuyên về thăm cô".

Cô Hồ Ngọc Huyền là một trong những gương giáo viên sẽ được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2024 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Theo Thanh niên